Trung Quốc: Buôn lậu đất hiếm nhiều nhất thế giới

29/08/2012 04:20

Trung Quốc không chỉ giữ độc quyền trên thị trường thế giới về kim loại đất hiếm, mà còn là nơi hoạt động buôn lậu món hàng này diễn ra "sôi động" nhất.

Trung Quốc: Buôn lậu đất hiếm nhiều nhất thế giới

Năm 2011, tổng khối lượng nhập khẩu kim loại đất hiếm từ Trung Quốc được đăng ký tại Hải quan các nước ngoài cao gấp 2,2 lần so với dữ liệu hải quan về xuất khẩu chính thức của Trung Quốc.

Khai thác đất hiếm ở Giang Tây (Trung Quốc) - Ảnh: Reuters
Thông tin nói trên do Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc công bố hôm 20/8. Hóa ra cơ quan chuyên trách này của Trung Quốc nắm được dữ liệu về việc buôn lậu kim loại đất hiếm ít nhất là trong vòng 7 năm qua. Tuy nhiên chỉ đến bây giờ người ta mới công khai nói ra lần đầu tiên.

Cụ thể, ông Sinfan Liang, Tổng giám đốc công ty đất hiếm của thành phố Bao Đầu đã cảnh báo rằng xu hướng buôn lậu đơn giản là đe dọa đánh sập toàn bộ ngành công nghiệp. Ít nhất là bởi sự gia tăng khối lượng hàng cung cấp một cách trái phép ra thị trường thế giới, như thực tế thí dụ kể từ năm ngoái, đã làm mức giá giảm xuống 70%.

Có lẽ vì không có đòn bẩy hiện thực nào để hạn chế hoạt động xuất khẩu bất hợp pháp, chính trong giai đoạn này nhà chức trách Trung Quốc đã quyết định xiết chặt hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm kim loại đất hiếm. Theo tính toán của họ, biện pháp như vậy cho phép tạo ra tình trạng khan hiếm nhất định về món hàng cũng như kìm giá sản phẩm.

Tuy nhiên, có vẻ như chính sách này không mang lại hiệu quả mong đợi. Trung Quốc buộc phải lui một chút trước áp lực của các khách mua hàng lớn về kim loại đất hiếm, như Nhật Bản, Mỹ và EU - và Bắc Kinh đã tăng chỉ tiêu xuất khẩu. Như đang chờ đợi, trong năm nay sẽ tăng 2,7% so với năm 2011.

Nhật Bản, Mỹ và EU muốn ép Trung Quốc xóa bỏ mọi hạn chế đối với việc xuất khẩu kim loại đất hiếm. Hiện tại, khiếu nại tập thể của mấy nước này đang được Ủy ban trọng tài WTO xem xét. Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên viên phân tích Yakov Berger từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga), trên thực tế mấy khách hàng lớn - nguyên đơn kể trên vẫn khó có khả năng giành chiến thắng tại “phiên tòa” này với nhượng bộ đáng kể từ phía Trung Quốc.

“Mong đợi đó hầu như là không thể, ở đó các qui trình thủ tục rất phức tạp. Thêm vào đó, đang diễn ra sự mặc cả lẫn nhau, gây áp lực lẫn nhau. Các nước kia không dám loại trừ Trung Quốc khỏi WTO. Trên thực tế, nếu không coi là đầu tàu thì Trung Quốc vẫn là một trong những động lực chính phát triển kinh tế thế giới. Đặc biệt là trong tình hình cuộc khủng hoảng tổng thể và toàn cầu hiện nay. Các nước trên không thể làm gì được với Trung Quốc, trong chừng mực đây vẫn là nền kinh tế phát triển vũ bão nhất trên thế giới” - Yakov Berger cho biết.

Trong cuộc tranh cãi ở WTO, luận cứ chính của Trung Quốc là nước này có quyền đưa kim loại đất hiếm ra thị trường theo khối lượng tự xét thấy cần thiết. Mỗi bên đều thi hành trò chơi của mình. Mức đặt cược trong trò chơi rất cao, tính đến ý nghĩa và tầm quan trọng then chốt của thứ nguyên liệu này đối với ngành sản xuất laser, radar, vũ khí điện từ và nền "công nghệ xanh".

Kết quả là, cả hai bên đều cần phải linh động. Về phía Trung Quốc, đó là tăng hạn ngạch xuất khẩu, đồng thời có biện pháp đối phó với những kẻ buôn lậu. Còn các nhà nhập khẩu, để không bị mất vị thế và thể diện, tuy không thể gạt bỏ vị chủ hàng này nhưng vẫn liên tục gây áp lực với Trung Quốc, kể cả thông qua WTO.

Từ đâu có buôn lậu?

Mặc dù nạn buôn lậu đất hiếm ngày một tăng nhưng cơ chế giám sát hải quan của Trung Quốc hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân vì hợp kim đất hiếm có nhiều loại, song hải quan không phân biệt rạch ròi giữa hợp kim sắt đất hiếm với các loại hợp kim sắt khác. Chẳng hạn tại thành phố Bao Đầu thuộc khu tự trị Nội Mông (khu vực chiếm 85% tổng trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc), phần lớn các công ty xuất khẩu đất hiếm dùng tờ khai giả mạo tìm đường xuất khẩu tại các cơ quan hải quan ở địa phương khác.

Ngoài ra, các quy định liên quan như biểu thuế xuất khẩu, hạn ngạch xuất khẩu đều không có quy định rõ ràng về hợp kim đất hiếm. Trung Quốc dựa vào ứng dụng để phân loại đất hiếm. Đất hiếm phải gia công mới sử dụng sẽ được xếp vào loại sản phẩm tài nguyên, ví dụ như oxide đất hiếm. Còn đất hiếm có thể sử dụng trực tiếp để sản xuất các linh kiện, phụ tùng được xếp vào loại sản phẩm nguyên liệu.

Sản phẩm tài nguyên bị hạn chế số lượng xuất khẩu còn sản phẩm nguyên liệu không bị hạn chế. Bởi vậy rất nhiều công ty đã lách luật để né tránh hải quan. Điều đáng nói là các hợp kim đất hiếm chưa được định nghĩa rõ ràng trong các quy định thì lại là hàng xuất khẩu chủ yếu và không bị hạn chế hạn ngạch xuất khẩu.

Hồi tháng 5/2012, Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc ban hành thông báo quản lý chặt chẽ khai thác đất hiếm. Mới đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã 13 lần ra chỉ thị yêu cầu 15 thành phố thuộc năm tỉnh và khu tự trị ở miền Nam phối hợp giám sát, quản lý chặt chẽ đất hiếm. Tuy vậy, tình hình vẫn không khả quan hơn.

Nhìn tình trạng khai thác các nguyên tố đất hiếm vô tội vạ ở Cám Châu (tỉnh Giang Tây) mới thấy cơ chế kiểm soát của cơ quan chức năng ra sao. Nghịch lý ở chỗ dù thành phố Cám Châu là nơi cung cấp chủ yếu các nguyên tố đất hiếm nặng nhưng giá lại rẻ như rau.

Tào Hiểu Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Cám Châu, cho biết: “Có ngày khách đến trả 10.000 nhân dân tệ (28,6 triệu đồng VN)/tấn. Các mỏ tranh nhau bán, thậm chí có nơi còn bán rẻ hơn giá người mua trả”. Hệ quả nảy sinh cái ung là giao dịch tiền-quyền. Nhiều doanh nghiệp, chủ mỏ không có chỉ tiêu thụ đất hiếm nhưng đã hối lộ cán bộ địa phương để được phép tiêu thụ.

Xuất khẩu đất hiếm có thực sự được nới lỏng?

Trước áp lực của Mỹ, EU và Nhật Bản tại WTO, mới đây Trung Quốc tuyên bố sẽ nới lỏng xuất khẩu đất hiếm - Ảnh Reuters

Chính phủ Trung Quốc mới đây thông báo sẽ nâng hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm chứa 17 kim loại cần thiết cho các ngành công nghệ cao. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh có một động thái như vậy kể từ năm 2005 - thời điểm thuế và hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm được thiết lập.

Tuy nhiên, động thái trên còn rất khiêm tốn. Cụ thể, các công ty khai thác đất hiếm của Trung Quốc sẽ có khả năng xuất khẩu 812 tấn bổ sung trong năm nay, tức là tăng 2,7% trên tổng số 30.996 tấn. Chuyên gia Christian Hocquard, thuộc Văn phòng nghiên cứu địa chất và mỏ của Pháp, đánh giá: “Thông báo trên hầu như không đưa đến thay đổi gì trên thị trường. Bắc Kinh hiện đang cố gắng giảm nhẹ căng thẳng khi họ là mục tiêu bị chỉ trích tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.

Trung Quốc chiếm 23% trữ lượng đất hiếm của thế giới, song một mình nước này hiện chi phối tới 95% nguồn cung đất hiếm cho thị trường toàn cầu. Bắc Kinh đang bị các đối tác chỉ trích áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu các khoáng sản trên.

Tháng 3/2012, EU và Nhật đã đệ đơn lên WTO kiện rằng ngành công nghiệp Trung Quốc đang lợi dụng vị thế độc quyền sản xuất đất hiếm để giảm xuất khẩu và đẩy giá mặt hàng này lên cao, đồng thời ưu tiên thị trường trong nước. Trong khi đó, ngày 22/8 các quan chức cao cấp Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ có thể phải nhập khẩu một số loại đất hiếm do nhu cầu trong nước tăng và ý định dự trữ nguồn tài nguyên này.

Nhu cầu đất hiếm trong nước của Trung Quốc đang tăng nhanh chóng. Năm 2011, Trung Quốc đã tiêu thụ 83.000 tấn đất hiếm (trong khi nhu cầu của thế giới là 110.000 tấn), so với 19.000 tấn năm 2000. Nhu cầu của Trung Quốc năm 2016 sẽ tiêu thụ khoảng từ 100.000-120.000 tấn.

Trong khi nước ngoài gây sức ép buộc Bắc Kinh tăng xuất khẩu mặt hàng này thì nước này lại lo ngại một sự cạn kiệt nhanh chóng nguồn đất hiếm, như các kim loại dysprosium hay terbium, đang trở nên dần khan hiếm tại các mỏ phía Đông Nam đất nước, trong khi các kim loại khác nhẹ hơn như lanthane, cérium hay néodyme lại rất dồi dào.

John Seaman, chuyên gia về Trung Quốc và đất hiếm tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), phân tích: “Thực tế, Trung Quốc bày tỏ mối lo ngại trên từ nhiều năm qua nhằm tăng cường lý lẽ trước WTO: hạn ngạch đất hiếm là cần thiết để bảo vệ nguồn tài nguyên đang cạn kiệt”.

Ngoài WTO, những thông báo tăng hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc vừa qua nhằm mục đích trấn an các khách hàng về những hành động thương mại của Trung Quốc và thuyết phục họ tiếp tục tiêu thụ khoáng sản của nước này. Hạn ngạch xuất khẩu ảnh hưởng chính đối với các công ty nước ngoài, thường phải trả giá cao hơn từ 50-500% tùy từng loại khoáng sản so với các công ty trong nước Trung Quốc.

Ngày 20/8, theo số liệu của tập đoàn Úc, Lynas, Trung Quốc bán một kg terbium cho các công ty nước ngoài giá 2.000 USD so với 865 USD cho các công ty trong nước. Hậu quả là hạn ngạch đang “giết chết” thị trường. Bằng chứng là hạn ngạch xuất khẩu năm 2011 được Bộ Thương mại Trung Quốc đề ra là 30.184 tấn, trong khi mới chỉ có 18.600 tấn thực chất được xuất khẩu.

Chuyên gia John Seaman cảnh báo: “Tuy nhiên, chúng ta không biết số lượng đất hiếm được xuất khẩu trên thị trường đen, chúng liên quan đến mọi công đoạn, từ khai thác trong mỏ đến việc chia tách các thành phần và quá trình sàng lọc, sẽ tăng theo giá thị trường. Dù sao nhu cầu của nước ngoài đối với nguồn khoáng sản của Trung Quốc vẫn tăng”.

Trước sự độc quyền về đất hiếm của Trung Quốc, việc mở cửa khai thác các mỏ tại nước ngoài đang gia tăng. Tại Mỹ, sau 10 năm đóng cửa, mỏ đất hiếm Mountain Pass (California) do tập đoàn Molycorp sở hữu sẽ sớm đi vào khai thác. Tại Kuantan (Malaysia), đất hiếm được công ty Lynas nhập khẩu từ Úc để chia tách và tinh chế tại một nhà máy ở đây. Các dự án khác đang hình thành tại Nam Phi, Canada hay đảo Greenland.

Để giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu đất hiếm đắt đỏ, các nước khác đang nghiêng về khả năng tái chế. Tập đoàn Pháp Rhodia đang bắt đầu thu hồi các sản phẩm rác thải tại cơ sở La Rochelle để tái chế. Các tập đoàn khác đang nghiên cứu các giải pháp thay thế. Để sản xuất xe hơi điện, hãng Toyota đang nghiên cứu sản xuất các môtơ không nam châm. Trong lĩnh vực năng lượng, hãng General Electrics năm 2011 thông báo chế tạo các tuabin gió ít sử dụng đất hiếm.

Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài nữa các sản phẩm nói trên mới xuất hiện nhiều, và việc kiểm soát các kim loại quý hàng đầu hơn bao giờ hết đang là một quân át chủ bài chiến lược trong tay người Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: Buôn lậu đất hiếm nhiều nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO