Trong "mỏ vàng cuối cùng" ở Đông Nam Á

LAM HỒNG| 27/11/2012 04:41

Sau chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Yangon, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong mối quan hệ Myanmar - Trung Quốc - Mỹ?

Trong

Sau chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Yangon, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong mối quan hệ Myanmar - Trung Quốc - Mỹ?

Tổng thống Mỹ Obama và nhà dân chủ Aung San Suu

Cờ Mỹ đã phất ở Yangon

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới ở Myanmar vào ngày 19/11 vừa qua, người dân địa phương đứng dọc theo các đường phố vẫy cờ Mỹ - một hành động mà chỉ vài năm trước đây có thể khiến họ bị tống vào tù.

“Trong nhiều năm, lá cờ Mỹ có nghĩa là thách thức chống lại chế độ”, Thiha Saw, biên tập viên một tờ báo ở Yangon, thành phố lớn nhất của đất nước, nơi ông Obama đã dành sáu giờ viếng thăm, nói.

Trong khi đó, hai năm trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến Myanmar đã không nhận được sự thiện chí như vậy của người dân Myanmar. TQ có thể là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Myanmar nhưng cũng là một trong số ít các quốc gia hỗ trợ chính phủ quân sự độc tài tại Myanmar trước đây.

Mặt khác, chính sách “tận thu” nguồn tài nguyên tại Myanmar của TQ cũng khiến người dân Myanmar bất bình. Các tập đoàn hàng đầu của TQ đã đổ xô tới Myanmar, nhưng các hoạt động đầu tư, khai thác của họ không làm lợi gì cho người dân địa phương, thậm chí còn để lại hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường.

Dưới sự cai trị của chính quyền quân sự Than Shwe, chỉ có giới tướng lĩnh là giàu có từ các hợp đồng với TQ, trong khi một phần ba người dân sống dưới mức nghèo khổ trong một quốc gia từng là vựa lúa của châu Á.

“Suy nghĩ của người dân Myanmar là Than Shwe đã bán Myanmar cho TQ. Người TQ đến đây mang theo cả đầu bếp, tài xế, tất cả đều là người TQ, chứ không có gì là cho người dân địa phương. Sự oán giận TQ đang gia tăng tại Myanmar là điều chắc chắn”, Hla Maung Shwe, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Myanmar khẳng định.

Hiện nay, Myanmar đã chuyển sang một chính phủ quân sự-dân sự với nhiều cải cách dân chủ kể từ tháng 3/2011. Nước này đã có những “chỉ dấu” cho thấy sự thay đổi trong quan hệ với người láng giềng phương Bắc.

Tháng 9/2011, Tổng thống Thein Sein đã đình chỉ một công trình đập thủy điện do TQ xây dựng. Tổng thống Thein Sein cho biết ông ra quyết định nói trên sau khi “lắng nghe” ý nguyện của người dân, vì công luận Myanmar lúc đó rất quan ngại về những tác hại của con đập nói trên. Hành động này rõ ràng đã là một bước ngoặt cho thấy Myanmar không còn nể sợ anh láng giềng khổng lồ nữa.

Với môi trường ngày càng tự do ở Myanmar, người dân địa phương lên tiếng mạnh mẽ hơn các dự án của TQ. Tại thành phố Monywa, hàng ngàn người đã biểu tình chống đối việc họ bị thu giữ đất cho một dự án khai thác đồng thuộc sở hữu của một công ty con của một nhà sản xuất vũ khí TQ.

Cuộc biểu tình đã nổ ra trong khi Tổng thống Obama đang ở thăm Myanmar. Và những lá cờ đón Tổng thống Mỹ dường như cũng là một “chỉ dấu” cho thấy sự ủng hộ của người dân Myanmar dành cho người Mỹ, chứ không phải người TQ, trong khi tại khắp Đông Nam Á, các chính phủ trong khu vực đang phải vật lộn để cân bằng với một Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong tham vọng bành trướng lãnh thổ.

Không có người bạn tốt tham lam


Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á kết thúc tại Phnom Penh ngày 21/11 với mối bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông. Trong vai trò hỗ trợ cho các nước trong vùng đang bị TQ uy hiếp, Mỹ từng bước thực hiện các chiến lược quân sự lẫn kinh tế tại Đông Nam Á.

Tổng thống Mỹ đã thành công trong việc bắt đầu một cuộc thương thuyết về dự án Đối tác kinh tế mở rộng Mỹ - ASEAN để có quan hệ chặt chẽ hơn với 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó Myanmar là một đối tác khá quan trọng trong chiến lược mới của Mỹ.

Myanmar đã được coi như là một quốc gia bình thường thể hiện qua chuyến viếng thăm lịch sử ngày 19/11 của ông Barack Obama, vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đặt chân đến Yangon. Vì vậy, sau nhiều thập niên kềm giữ Myanmar trong vòng ảnh hưởng của mình, TQ nay buộc phải thay đối chiến lược trong bối cảnh mà nước láng giềng này đang mở cửa chính trị và giang rộng vòng tay đón tiếp Mỹ.

Bây giờ không còn giống như thời mà Bắc Kinh, với tư cách hội viên thường trực Hội đồng Bảo an, có thể dùng quyền phủ quyết để tránh cho chính quyền quân sự Myanmar bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt. Cũng đã qua rồi thời kỳ mà phương Tây cấm mọi đầu tư và thương mại với chính quyền độc tài quân sự Than Shwe, để TQ tha hồ mua khí đốt và cung cấp đủ thứ hàng hóa cho thị trường Myanmar.

Theo phân tích của nhà nghiên cứu Gordon, Đại học Yale, mất ảnh hưởng ngoại giao đồng nghĩa với mất quyền lợi kinh tế, Bắc Kinh buộc phải xét lại cách tiếp cận đối với Myanmar trong bối cảnh người dân nước này đang có tư tưởng “bài TQ” mạnh mẽ. Họ đang cố đuổi kịp với suy nghĩ cho rằng quan trọng nhất lúc này là làm sao duy trì được quan hệ với vài người bạn tốt mà túi đầy tiền, và chắc chắn những người bạn tham lam như TQ thì không thể tốt được.

Nhìn chung thì từ hội nghị Mỹ - Úc tại Perth ngày 14/11 đến Thượng đỉnh Đông Á tại Phnom Penh vừa rồi, sự hiện diện quân sự của Mỹ được tiếp nhận một cách công khai hoặc mặc nhiên. Đáng chú ý hơn, vào năm tới, Myanmar sẽ trở thành quan sát viên cho các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ ở châu Á, trước khi Mỹ có những hoạt động hỗ trợ quân sự cho Myanmar.

Từ Singapore đến Philippines và bây giờ là Myanmar, tuy không quyết liệt chống TQ nhưng đã khôn khéo bắt tay chặt chẽ với Mỹ để nhanh chóng thoát khỏi sự thao túng của Bắc Kinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trong "mỏ vàng cuối cùng" ở Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO