“Trên hòn đảo chìm Galapagos”

LAM HỒNG| 02/03/2012 06:01

Hòn đảo Galapagos vì quá biệt lập mà cuối cùng phát triển hệ sinh vật khác hẳn với những giống loài của mình trên thế giới. Ngành công nghệ Nhật cũng đang lâm vào hiệu ứng Galapagos, vì phát triển quá nhanh mà tự đóng kín cửa trước phần còn lại của thế giới.

“Trên hòn đảo chìm Galapagos”

Hòn đảo Galapagos vì quá biệt lập mà cuối cùng phát triển hệ sinh vật khác hẳn với những giống loài của mình trên thế giới. Ngành công nghệ Nhật cũng đang lâm vào hiệu ứng Galapagos, vì phát triển quá nhanh mà tự đóng kín cửa trước phần còn lại của thế giới.

Tại quận Ginza, trung tâm mua sắm sầm uất ở Tokyo, cửa hàng Apple Store đông nghẹt khách, trong khi các phòng trưng bày của Sony lại buồn tẻ như chợ chiều.

Tình cảnh của Sony được cụ thể hóa bằng số thua lỗ dự kiến khoảng 90 tỷ yên, tương đương 1,2 tỷ USD, trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 tới. Đây là chuỗi thua lỗ bốn năm liên tiếp đầu tiên kể từ khi hãng này lên sàn năm 1958.

Ở thời hoàng kim, Sony đã có những sản phẩm ở đỉnh cao công nghệ thế giới, như máy nghe nhạc Walkman, tivi Trinitron, máy chơi trò chơi PlayStation...

Nhưng mấy năm gần đây, Sony đã chậm chân hơn các đối thủ khác trong việc chiếm lĩnh xu hướng màn hình tinh thể lỏng, khiến mảng sản xuất tivi rơi vào cảnh 7 năm thua lỗ liên tục.

Sau đó, Sony tiếp tục phản ứng chậm trước sự xuất hiện của chiếc điện thoại iPhone. Đến khi Apple tung ra iPad 2 thì Sony cũng mất tới 6 tháng để đưa ra chiếc máy tính bảng đầu tiên của mình.

Điều chớ trêu là hàng loạt các hãng điện tử Nhật cũng lâm vào tình cảnh tương tự, dự kiến thua lỗ khoảng 17 tỷ USD trong năm tài chính 2011.

Riêng Panasonic thua lỗ khoảng 10 tỷ USD. Để hiểu được sự xuống dốc của các công ty điện tử Nhật thì có thể so sánh với lợi nhuận của Samsung là 15 tỷ USD và Apple là 22 tỷ USD.

Từ năm 2000, 5 công ty điện tử lớn nhất Nhật Bản đã mất đi hai phần ba giá trị. Đồng yên mạnh được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng thua lỗ của các công ty Nhật Bản. Đồng yên tăng 7% so với đô la Mỹ trong 12 tháng qua đã làm trầm trọng thiệt hại của các hãng điện tử Nhật.

Ông Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Bảo hiểm Dai-Ichi, cho biết, không có công ty sản xuất Nhật Bản nào có thể tạo ra lợi nhuận với tỷ giá đồng yên ở mức hiện tại, khoảng 75 yên ăn 1 đô la Mỹ.

Kinh tế khó khăn và đồng yên mạnh thực sự chỉ là bề nổi của tảng băng điện tử Nhật đang có nguy cơ chìm dần. Nguyên nhân sâu sa hơn là các công ty điện tử Nhật vì quá đóng kín nên đã phản ứng quá chậm chạp trước nhu cầu của thị trường.

Thị trường điện tử Nhật đang lâm vào tình trạng “dư thừa” nhà sản xuất và cạnh tranh quá mức với nhau. Hiện nay có khoảng 8 hãng sản xuất điện thoại di động, hơn 10 hãng sản xuất nồi cơm điện và 6 hãng sản xuất tivi.

Tình trạng này dẫn đến hiện tượng giẫm chân lên nhau trong nghiên cứu và tự phá bỏ quyền định giá của các sản phẩm “Made in Japan”. Tập trung quá nhiều nghiên cứu làm lãng phí một lượng vốn khổng lồ của nền kinh tế Nhật.

Để hiểu thêm tại sao ngành công nghiệp điện tử một thời hùng mạnh của Nhật Bản lại đi xuống thê thảm đến vậy, hãy xem câu chuyện của NEC. Công ty này từng là một trong những công ty IT và viễn thông lớn nhất thế giới.

Nhưng cổ phiếu của NEC đã giảm 90% trong thập kỷ qua và 40% trong năm vừa qua. NEC sẽ phải sa thải 10.000 nhân viên, khoảng 9% lực lượng lao động. Kể từ khi được thành lập vào năm 1899, khách hàng chính của NEC là các công ty nhà nước.

Khách hàng lớn nhất của NEC là NTT (NEC nắm giữ khoảng 2,6 tỷ yên cổ phiếu NTT). NTT luôn coi việc NEC bán hàng cho khách hàng khác là hành vi “phản bội” và đe dọa cắt giảm đơn đặt hàng nếu NEC sản xuất quá nhiều.

Ràng buộc này khiến NEC không thể mở rộng kinh doanh ngoài thị trường Nhật Bản. NEC bị bế tắc trong thị trường phần cứng vốn hiện nay có lợi nhuận rất thấp so với dịch vụ phần mềm.

Hiện nay, mặc dù vẫn có thể tung ra các máy tính nhanh nhất thế giới nhưng NEC chỉ sản xuất các sản phẩm mà những công ty khác không sản xuất.

NTT DoCoMo ứng dụng hệ thống PDC năm 1993, khiến viễn thông Nhật hầu như phát triển độc lập và không tương thích với phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, NTT DoCoMo không cho phép các nhà cung cấp thiết bị nội địa đưa ra những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Điều này giải thích tại sao thị trường điện thoại của Nhật Bản bị "hiệu ứng Galapagos" - tự đóng kín cửa trước phần còn lại của thế giới. Vì vậy, Nhật Bản sản xuất gần 30 triệu thiết bị cầm tay một năm, nhưng bán rất ít ở nước ngoài.

Sau bốn năm liên tiếp chìm trong thua lỗ, Sony đã quyết định bổ nhiệm ông Kazuo Hirai làm Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành mới của công ty, thay thế ông Howard Stringer - người nước ngoài đầu tiên lãnh đạo trong lịch sử phát triển của Sony.

Thua lỗ của Sony gắn liền với nhân tố nước ngoài càng khiến các nhà kỹ trị Nhật Bản quay về xu hướng bảo thủ truyền thống và càng khiến giới đầu tư lo ngại.

Dù tình cảnh đã vô cùng bết bát nhưng đường lối của các hãng điện tử Nhật vẫn không rõ ràng. “Họ không có một mục tiêu cụ thể nào cả. Không rõ điểm mạnh của Sony và Panasonic hiện nằm ở đâu? Không rõ họ muốn làm gì? Họ không có câu trả lời cho những câu hỏi này”, ông Yuuki Sakurai, CEO kiêm Chủ tịch Công ty Fukoku Capital, nhận xét về các hãng điện tử Nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Trên hòn đảo chìm Galapagos”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO