Tranh chấp tại biển Đông: Sau Tam Sa sẽ là gì?

LAM HỒNG| 31/07/2012 00:44

Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế để quyết liệt chiếm lấy Biển Đông vì nghĩ rằng đây là thời điểm thuận lợi nhất để kiểm soát vùng biển quan trọng này.

Tranh chấp tại biển Đông: Sau Tam Sa sẽ là gì?

Trung Quốc (TQ) đã bất chấp luật pháp quốc tế để quyết liệt chiếm lấy Biển Đông vì nghĩ rằng đây là thời điểm thuận lợi nhất để kiểm soát vùng biển quan trọng này.

Đọc E-paper

TQ đang phô trương sức mạnh quân sự hòng chiếm toàn bộ Biển Đông

Tại sao là Tam Sa?

Quân Giải phóng nhân dân TQ (PLA) tuyên bố kế hoạch đưa quân đồn trú Tam Sa, tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Giải thích hành động này, PGS. Jim Holmes, Trường Hải chiến Hoa Kỳ, phân tích trên Foreign Policy, cho rằng, động cơ của TQ ở Biển Đông đã được duy trì trong suốt hàng thập kỷ và chỉ đợi thời cơ để thực hiện.

Mặc dù dư luận quốc tế đều khẳng định việc thành lập thành phố Tam Sa là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng giới lãnh đạo TQ vẫn bất chấp.

Thành phố Tam Sa sẽ quản lý hành chính 3 quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng 2 triệu km2 trên Biển Đông.

Theo PGS. Jim Holmes, sở dĩ TQ phải quyết liệt hành động ngay lúc này hoặc không thì họ sẽ vĩnh viễn mất cơ hội để có được việc kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.

Bởi vì, một mặt, Washington đang rốt ráo thực hiện kế hoạch điều chuyển khoảng 60% hạm đội tới khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, mặt khác, các nước láng giềng của TQ cũng đang gia tăng sức mạnh quân sự. Trong khi đó, nhiều nước lớn khác như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản cũng có những kế hoạch cụ thể để bảo vệ quyền lợi của họ tại Biển Đông.

Vì vậy, các hành động quân sự có tính hiếu chiến và bất chấp luật pháp tại Biển Đông của TQ là biểu hiện tham vọng có tính toán với chiến lược lâu dài.

Theo Foreign Policy, thực chất bản đồ đường 9 đoạn là bản đồ “tưởng tượng” từ những năm 1940 chứ không phải được vẽ ra trong những năm gần đây, do chính quyền Tưởng Giới Thạch in trước khi chạy tới Đài Loan.

Với thành phố Tam Sa, Bắc Kinh muốn nhanh chóng đưa mọi việc vào thế đã rồi và có thể củng cố ảnh hưởng của mình trong đường 9 đoạn bằng cách đưa tàu giám sát, ngư dân hay các tàu chấp pháp đến đây.

Sau Tam Sa, TQ đang phô trương sức mạnh quân sự hòng chiếm toàn bộ Biển Đông - bất kể chi phí, sự mạo hiểm hay nguy cơ trả đũa ngoại giao có thể gây ra trong ngắn hạn.

Bầu cử Mỹ và yếu tố “bài Trung Quốc”

Chỉ trích Bắc Kinh quá nặng nề thì sẽ gây tổn hại đến quan hệ với siêu cường quốc đang trổi dậy, nhưng để yên cho Bắc Kinh thì sẽ phá hỏng những nỗ lực ngoại giao nhằm tăng cường vị thế của Mỹ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị TQ chèn ép.

Đó chính là tình thế khó xử của Mỹ trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, sự ngạo ngược của TQ khiến Washington không thể duy trì mãi chính sách mềm mỏng.

Tại Washington, các nghị sĩ quan tâm đến chính sách châu Á đã nhanh chóng phản ứng. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain xem Tam Sa là một hành động mang tính khiêu khích và càng cho thấy là TQ muốn thông qua hù dọa và ép buộc để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã khuyến cáo Bộ Quốc phòng nước này đưa thêm chiến hạm đến Thái Bình Dương để ngay lập tức ngăn chặn sự hung hăng của TQ.

Phát biểu trong một phiên tranh luận ở Thượng viện ngày 26/7, ông Webb, Chủ tịch tiểu Ủy ban Quan hệ đối ngoại với Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng nghị viện Mỹ, cho rằng, việc thành lập “thành phố Tam Sa” và các hành động khác của TQ gần đây trên Biển Đông là đơn phương và có thể vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo Hãng tin UPI, ông Webb yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải làm rõ lập trường với TQ và báo cáo lại cho Quốc hội, theo thông báo trên trang web chính thức của ông.

Trước đây, chủ đề bài Liên Xô thường xuyên được các ứng cử viên tổng thống Mỹ sử dụng trong các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Trong thời gian gần đây, trọng tâm đả kích chuyển hướng qua TQ.

Tổng thống Barack Obama với ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney cũng đặt “yếu tố TQ” làm trọng tâm tranh luận và lấy lòng cử tri trong cuộc bầu cử năm nay. Ông Romney không ngần ngại coi Bắc Kinh là mối đe dọa với nước Mỹ, gây thiệt hại lớn cho Hoa Kỳ.

Đương kim Tổng thống Obama có lợi thế là đã thể hiện được quan điểm cứng rắn hơn người tiền nhiệm với chính sách quay trở lại châu Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên, với làn sóng bài TQ đang lan rộng ở Mỹ, ông Obama chịu áp lực buộc phải mạnh tay hơn nữa với các chính sách liên quan tới Bắc Kinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh chấp tại biển Đông: Sau Tam Sa sẽ là gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO