Tokyo và lời nguyền Olympic

25/08/2016 06:50

Rio đã trao lại quyền đăng cai Olympic 2020 cho Tokyo, nhưng để Thế vận hội thành công về mặt kinh tế là nhiệm vụ rất khó khăn với Nhật Bản.

Tokyo và lời nguyền Olympic

Rio đã trao lại quyền đăng cai Olympic 2020 cho Tokyo, nhưng để Thế vận hội thành công về mặt kinh tế là nhiệm vụ rất khó khăn với Nhật Bản.

Công tác chuẩn bị của Tokyo đang gặp thách thức với hàng loạt scandal và việc lạm chi. Một số chuyên gia còn nghi ngờ Olympic khó kéo Nhật Bản thoát suy thoái và gánh nặng nợ.

"Tôi không cho rằng Thế vận hội sẽ tạo ra sự bùng nổ kinh tế cho Tokyo. Lịch sử cho thấy điều đó. Và kế hoạch của họ hiện cũng không khả thi", Andrew Zimablist - nhà kinh tế học tại Smith College nhận xét.

Giới chức kỳ vọng Olympic 2020 sẽ giúp thu hút khách du lịch, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản phát triển. Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe còn đóng vai nhân vật Mario để xuất hiện trong lễ bế mạc Olympic Rio.

Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) ước tính Olympic sẽ giúp tốc độ tăng trưởng của nước này tăng thêm 0,3% mỗi năm, cho đến năm 2018. Tuy nhiên, hai nhà kinh tế học của Mỹ - Robert Baade và Victor Matheson không cho là vậy. Trong một nghiên cứu tháng 4, họ cho biết các kỳ Olympic "thực ra mang lại ảnh hưởng kinh tế gần như bằng 0, hoặc chỉ bằng một phần rất nhỏ so với dự báo".

Tokyo đang phải đối mặt với vấn đề lạm chi. Năm 2015, họ đã hủy kế hoạch xây sân vận động mới sau khi chi phí lên tới 250 tỷ yên Nhật (JPY) (2,5 tỷ USD).

Từ khi thành phố này được trao quyền đăng cai Olympic 2020 cách đây 3 năm, 2 thị trưởng đã từ chức. Ban tổ chức cũng phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc hối lộ trong quá trình đấu thầu và logo nhái.

Yuriko Koike đã nhậm chức thị trưởng Tokyo tháng 8/2016. Bà cam kết xem xét lại chi phí tổ chức sự kiện. Ủy ban tổ chức cũng thừa nhận con số thực tế sẽ cao hơn nhiều dự tính ban đầu là 350 tỷ yên (3,5 tỷ USD), đó là chưa bao gồm chi phí xây mới cơ sở vật chất.

Các chuyên gia nói rằng việc tổ chức Olympic thường khiến nước chủ nhà thâm hụt, từ đó làm gánh nặng nợ càng thêm lớn. "Nếu trừ đi chi phí cho các địa điểm chuyên dụng, rồi tiền tổ chức sự kiện, đặc biệt là an ninh, nguồn thu từ Olympic hay du lịch rất khó bù đắp được", Baade and Matheson nhận xét.

Ban tổ chức cũng đang thảo luận với quan chức Tokyo và quan chức quốc gia việc chia sẻ hàng tỷ USD chi phí. "Họ phải tìm cách tránh để Tokyo lãng phí cơ sở vật chất sau đó", Jeff Kingston - Giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Nhật Bản) cho biết. Các địa điểm đều cần bảo dưỡng sau khi Thế vận hội kết thúc.

Khối nợ của Chính phủ Nhật Bản đã lên tới 12.000 tỷ USD, gấp khoảng 2,5 lần GDP nước này. Nhật Bản đang chật vật hồi phục sau 3 đợt suy thoái trong 8 năm qua. Đợt thứ 2 gây ra bởi thảm họa kép động đất - sóng thần tại miền đông bắc nước này hồi tháng 3/2011.

"Có nhiều ý kiến về việc chi từng ấy tiền cho một sự kiện, trong khi đất nước còn nhiều vấn đề phải giải quyết", Kingston cho biết. Ông cũng nhấn mạnh mối lo rằng Olympic sẽ lấy đi số tiền lẽ ra để dành cho các khu vực bị tàn phá, và cho rằng ban tổ chức nên chuyển một số sự kiện - như đua xe đạp hay chạy marathon - đến vùng Tohoku. Khu vực này vẫn còn chịu ảnh hưởng từ thảm họa cách đây 5 năm.

>Olympic Rio 2016 khó giúp Brazil thoát khỏi suy thoái

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tokyo và lời nguyền Olympic
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO