![]() |
Lĩnh vực quang năng của Mỹ đang bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn dù trong năm 2012, sẽ có một khối lượng trang thiết bị sản xuất quang năng trị giá khoảng 11 tỷ USD được lắp đặt. Khó khăn này lại đến từ Trung Quốc (TQ).
![]() |
Ông Obama không còn cười được trước khó khăn của các nhà sản xuất modun quang năng trong nước |
Được biết, hiện có hơn 55 tỷ USD đầu tư đang các công ty giải ngân cho lĩnh vực này. Nhu cầu quang năng đã tăng hơn 8 lần chỉ trong 5 năm 2006-2011, từ 200 - 1.600 MW.
Trên toàn nước Mỹ, ngành lĩnh vực quang năng tạo ra hơn 100.000 việc làm, với tốc độ tăng trưởng gần 7% vào năm ngoái. Đây là một con số có ý nghĩa nhất là trong bối cảnh tỷ lệ việc làm mới tại Mỹ hầu như chững lại trong những năm qua.
Dù những con số nói trên vẽ ra một viễn cảnh khá tươi đẹp nhưng nhiều công ty quang năng của Mỹ, đặc biệt là những công ty sản xuất pa-nô và mô-đun quang năng, đều phải chật vật mới tồn tại được.
Đáng chú ý nhất là “sự cố Solyndra”, công ty quang năng mới thành lập vừa bị phá sản trong năm 2011, làm tiêu tan khoản đảm bảo vay trị giá hơn 500 triệu USD của chính phủ Mỹ.
Chỉ số Quang năng của Bloomberg căn cứ trên hoạt động của 17 công ty quang năng hàng đầu nước Mỹ cũng giảm gần 70% giá trị chỉ trong năm 2011.
Nói cách khác, trong tình hình hiện nay, các công ty mua pa-nô quang năng hoặc lắp đặt các thiết bị này có thể sống khỏe, nhưng với các công ty sản xuất trang thiết bị quang năng tại Mỹ, thua lỗ là mối nguy luôn rình rập.
Theo một số công ty sản xuất pa-nô quang năng ở Mỹ, nguyên nhân thua lỗ là do giá cả sụt giảm để cạnh tranh với những sản phẩm giá rẻ nhập khẩu từ TQ. Được biết, giá mỗi mô-đun quang năng đã giảm 40% trong 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, không phải phương pháp sản xuất của các công ty TQ tiên tiến hơn các công ty Mỹ mà do họ nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ cũng như tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ ở TQ.
Đứng trước mối nguy từ TQ, SolarWorld đã thay mặt các công ty khác khiếu nại rằng họ bị thiệt hại do chính sách thương mại không bình đẳng của TQ. Bộ Thương mại Mỹ đã và đang điều tra vụ việc và dự kiến sẽ công bố kết luận vào ngày 2/3 sắp tới (sau hai lần trì hoãn).
Nếu các cơ quan thẩm quyền kết luận TQ đã gian lận khi tài trợ cho các công ty xuất khẩu quang năng của nước này, chính phủ Mỹ có thể sẽ áp dụng những khoản thuế quan lên đến 50 - 100% cho các sản phẩm quang năng nhập khẩu từ TQ.
Người ta vẫn chưa rõ liệu quá trình điều tra sẽ đi đến đâu, nhưng cuối tháng Giêng vừa qua, Tổng thống Obama đã tuyên bố thành lập một Đơn vị Thực thi Thương mại mới nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra những hình thức thương mại gian lận.
Ông cũng nêu đích danh TQ như một đối tượng của quá trình điều tra. Hiện nay, các công ty TQ đã chiếm lĩnh gần 60% sản lượng sản xuất pa-nô quang năng của thế giới mà phần lớn lại được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, nếu như hàng rào thuế quan có thể hỗ trợ các nhà sản xuất pa-nô trong nước thì việc giá cả quang năng tại Mỹ gia tăng sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các công ty lắp đặt và bảo trì mô-đun quang năng ở Mỹ.
Một nghiên cứu do Liên minh năng lượng tái tạo giá rẻ (CASE) phối hợp cùng các chuyên gia tư vấn của Brattle Group cũng phản đối các khoản thuế.
Kết quả phân tích cho thấy nếu áp dụng thuế suất 100%, nước Mỹ sẽ mất 50.000 việc làm trong lĩnh vực quang năng trong 3 năm tới, và khiến người tiêu dùng bị thiệt từ 700 triệu USD đến 2,6 tỷ USD.
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, dù nước Mỹ hy vọng năng lượng tái tạo sẽ khôi phục ngành sản xuất của Mỹ, nhưng những tấm pa-nô quang năng rẻ nhất lại được sản xuất ở TQ. Sản phẩm này sẽ sớm trở thành một loại hàng gia dụng và TQ muốn thống trị thị trường này.
Ý KIẾN CỦA BẠN