Tín hiệu từ sự phát triển kinh tế của Triều Tiên

THÁI BẢO| 10/05/2017 06:52

Bất chấp cấm vận, Triều Tiên vẫn có những bước phát triển đáng kinh ngạc về kinh tế. Tuy nhiên đó lại là điểm mấu chốt khiến Mỹ lo ngại về tình hình hạt nhân.

Tín hiệu từ sự phát triển kinh tế của Triều Tiên

Bất chấp cấm vận, Triều Tiên vẫn có những bước phát triển đáng kinh ngạc về kinh tế. Tuy nhiên đó lại là điểm mấu chốt khiến Mỹ lo ngại về tình hình hạt nhân. 

Đọc E-paper

Tuần trước, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên xuất hiện bài viết chỉ trích Trung Quốc vì "những phát ngôn thiếu thận trọng" về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đây được xem là động thái rất hiếm thấy, vì lâu nay Triều Tiên vẫn được hiểu đã xem Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất về mọi mặt.

Bản thân Bắc Kinh cũng là cửa ngõ cho kinh tế - thương mại của Triều Tiên. Điều này có thể lý giải bằng những căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, nhưng cũng có thể nói bắt nguồn từ chính sách "thoát ly sự lệ thuộc" mà Bình Nhưỡng cố gắng thực hiện.

Phát triển bất chấp căng thẳng

Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đang trở nên rất "nóng" sau hàng loạt phát ngôn cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và sự đáp trả từ Triều Tiên. Mỹ đang thúc giục các nước có biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Triều Tiên, nhưng có vẻ giải pháp này cần một sự đột phá, bởi nó không mấy hiệu quả.

Các báo cáo của Liên Hiệp Quốc nói rằng cuộc sống ở Triều Tiên như cơn ác mộng, với 70% dân số phụ thuộc vào viện trợ lương thực, 40% có biểu hiện suy dinh dưỡng. Điều này sẽ tương phản với con số ước tính của các chuyên gia, trong đó nói kinh tế Triều Tiên vẫn tăng trưởng đều đặn 1-5% mỗi năm.

Đầu tháng 5, chính tờ báo Mỹ nổi tiếng The New York Times đã đăng bài viết nhận xét rằng, nền kinh tế Triều Tiên vẫn sống tốt bất chấp các lệnh trừng phạt. Cây bút Choe Sang-hun cho rằng, Triều Tiên đã thành công nhờ thực hiện từng bước cho phép các doanh nghiệp tư nhân nở rộ khắp cả nước. Lãnh đạo Kim Jong-un hiện đang quyết liệt hơn với chính sách mở cửa cho thị trường tự do trong nước, so với cha và là cựu lãnh đạo Kim Jong-il trước đây.

Điều này khiến thị trường, tiêu biểu là tại Bình Nhưỡng, đang có những dấu hiệu bùng nổ. The New York Times ghi nhận ít nhất 40% dân số đã tham gia vào một số hình thức doanh nghiệp tư nhân, và thậm chí các nhãn hàng như Coca-Cola của Mỹ cũng xuất hiện, bên cạnh những bản lậu phim Hollywood, phim Hàn Quốc - vốn là những cấm kỵ vì lý do chính trị.

Từ năm 2010 đến nay, các dự án do chính phủ phê duyệt như trung tâm mua sắm đã tăng gấp đôi, hiện đạt mốc 440 trung tâm, theo hình ảnh từ vệ tinh. Việc sử dụng điện thoại di động cũng trở nên phổ biến với khoảng 3 triệu người đang sở hữu một hoặc hai chiếc. Tại Bình Nhưỡng, người dân có thể sinh sống bằng nghề... rửa xe, vì số lượng xe hơi đã tăng đột biến.

>>Triều Tiên ra mắt khu phố hiện đại nhất cả nước

Vết gợn ở lĩnh vực hạt nhân

Truyền thông Mỹ không phải vô tình đề cập đến sự phát triển kinh tế của Triều Tiên những ngày qua. Đơn giản đây là yếu tố ảnh hưởng cốt yếu đến các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Hàn Quốc muốn thúc đẩy nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Tuần trước, Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) đăng bài viết 20.000 chữ của bà Phó Oánh - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc và từng là đại sứ Trung Quốc tại Úc. Bà Phó Oánh nhận định rằng Mỹ chỉ có cách đối thoại với Triều Tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân, thay vì những kế hoạch khác.

"Những kế hoạch" ở đây nói về ý định đẩy kịch tính lên cao trào, nghĩa là chấp nhận một cuộc chiến tranh hạt nhân, hoặc làm cách nào đó để chính quyền ông Kim Jong-un sụp đổ, gồm lật đổ chế độ hoặc cấm vận kinh tế đến cùng.

Theo bà Phó Oánh, kế hoạch trừng phạt kinh tế chỉ càng khiến Triều Tiên thêm quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân, vì cơ bản Bình Nhưỡng không bị sự cô lập ảnh hưởng, và ông Kim Jong-un đã đưa Triều Tiên vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế.

Ý kiến này trùng khớp với những nhận định tích cực từ báo chí Mỹ như đã nêu. Và tựu trung, tất cả đồng ý rằng sự phát triển kinh tế của Triều Tiên đang khiến việc ngăn cản chương trình hạt nhân của quốc gia này - bằng phương pháp trừng phạt, là hầu như không khả thi.

Trong những diễn biến mới nhất, hôm 5/5 vừa qua xuất hiện một số cáo buộc từ Triều Tiên rằng Mỹ và Hàn Quốc đã lên kế hoạch ám sát ông Kim Jong-un.

Thực hư câu chuyện này chưa thể kiểm định, nhưng ít nhất nó cho thấy mối quan hệ giữa Triều Tiên và phần còn lại đang ở mức rất xấu. Thậm chí, việc Triều Tiên chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc cũng đang khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn.

Một số ý kiến cho rằng, Bình Nhưỡng đang có một lối thoát riêng: một cánh cửa mở ra từ nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin.

>>Trung Quốc vẫn "lấn cấn" khi trừng phạt Triều Tiên?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín hiệu từ sự phát triển kinh tế của Triều Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO