Tìm thế cân bằng trên biển

HẠO NHIÊN| 15/07/2010 04:37

Người Mỹ đã gấp rút tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực biển Đông nhằm đảm bảo “quyền tự do lưu thông” trên thế giới.

Tìm thế cân bằng trên biển

Người Mỹ đã gấp rút tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực biển Đông nhằm đảm bảo “quyền tự do lưu thông” trên thế giới. Thế cân bằng tại khu vực Thái Bình Dương đã được xác lập với đối trọng là Trung Quốc.

Sự xuất hiện tình cờ?

Nếu các vệ tinh và hệ thống tình báo của Trung Quốc (TQ) vẫn hoạt động như thường lệ, chắc hẳn đại bản doanh của hải quân nước này tại Bắc Kinh đã ngộp thở trước hàng đống thông tin chưa xử lý ồ ạt truyền về mới đây. Một tàu ngầm của Mỹ, được trang bị tối tân, đã đột ngột trồi lên mặt biển gần đó, theo sau là hai tàu khác cùng loại. Những chiếc tàu ngầm được đề cập thuộc hạng Ohio, từng trải qua nhiều năm làm nhiệm vụ chở theo tên lửa hạt nhân đối phó với Liên Xô và sau đó là Nga.

Hải quân Mỹ đăng hình tàu ngầm Tamahawk cập cảng Pusan, Hàn Quốc - Ảnh: U.S Navy

Tuy nhiên, 4 trong số 18 tàu ngầm được trang bị vũ khí đạn đạo đã không còn mang theo tên lửa Trident (số lượng là 24) như trước. Mỹ đã bỏ ra hơn 400 triệu USD/chiếc để nâng cấp chúng từ sử dụng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chuyển sang dùng các vũ khí tối tân hơn như thiết bị do thám hiện đại và đến 154 tên lửa hành trình Tomahawk. Tên lửa này có khả năng hủy diệt chính xác bất cứ mục tiêu nào trong tầm bắn 1.600km và có thể thay đổi đường đạn khi bay.

Đó là lý do tại sao hồi chuông báo động đã gióng lên tại Bắc Kinh khi tàu ngầm USS Ohio trồi lên tại Vịnh Subic của Philippines. Chưa hết, tàu ngầm USS Michigan đã cập cảng Pusan, Hàn Quốc, cùng ngày. Và thêm một chiếc hạng Ohio khác là USS Florida cũng cho thấy sự hiện diện bất thường tại căn cứ hải quân chung của Mỹ - Anh tại Ấn Độ Dương cũng trong ngày hôm đó. Như vậy, sau một đêm, giới chức quân sự TQ phát hiện có đến 462 tên lửa hành trình chính xác Tomahawk được Mỹ triển khai trong khu vực lân cận của mình.

Người Mỹ tại biển Đông

Giới chức Mỹ một mực cho rằng, sự kiện ba chiếc tàu ngầm mang theo một số lượng khủng khiếp Tomahawk với hỏa lực hùng hậu đột nhiên xuất hiện tại Thái Bình Dương chỉ là sự "tình cờ". Thế nhưng, họ cũng dàn xếp để báo giới bắt được thông tin này. Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cũng cho hay, tàu USS Michigan đã cập cảng nước này.

Bên cạnh đó, trong một động thái vô tiền khoáng hậu, Hải quân Mỹ đăng hẳn một bức hình chụp chiếc tàu ngầm trồi lên mặt nước cập cảng Pusan trên trang web chính thức. Đây không phải là lần đầu tiên tàu ngầm Mỹ đến Hàn Quốc, nhưng hiếm khi nào quân đội Mỹ lại đăng tải đủ hình ảnh lên mạng như lần này.

Bước đi trên là chính sách của chính quyền Mỹ nhằm chuyển hỏa lực từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, vốn được Washington xem là trọng tâm quân sự cho thế kỷ XXI. Thay vì cho bốn tàu hạng Ohio về hưu, Lầu Năm Góc đã bỏ ra khoảng 4 tỷ USD để thay thế tên lửa Trident thành Tomahawk và tạo không gian cho khoảng 60 lính đặc nhiệm sống thường trực trên tàu để phục vụ cho nhiệm vụ bí mật trên toàn cầu.

Theo đánh giá của Bonnie Glaser, chuyên gia về TQ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington, sự hiện diện của các tàu Tomahawk là nỗ lực lớn của Mỹ trong việc khẳng định vị thế quân sự của mình trong khu vực lân cận TQ.

Bên cạnh đó, việc chuyển trọng tâm quân sự như trên là chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, là một phần trong chính sách lớn hơn của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, với chủ trương thúc đẩy các lợi ích chung thông qua các quan hệ liên minh và các tổ chức đa phương, cụ thể là ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á...

Đứng trước việc TQ tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích biển Đông, trong đó có các tuyến giao thông, liên lạc vô cùng quan trọng, Mỹ nhận ra rằng, quyền lợi chiến lược và thương mại của mình sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, không khó để hình dung tại sao bộ ba tàu ngầm Tomahawk của Mỹ lại ung dung trồi lên mặt nước tại khu vực lân cận của TQ trong lúc chúng được thiết kế để lặn sâu dưới biển. 

Trong chính sách đối ngoại, Hoa Kỳ cũng xem ASEAN là một cơ cấu khu vực có trọng lượng mà Mỹ cần củng cố quan hệ hợp tác, tương tự như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC hay nhóm Đối tác xuyên Thái Bình Dương trong khuôn khổ APEC, hoặc khối Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) mà Washington muốn tham gia.

Chính sách châu Á của Mỹ dĩ nhiên không thể xem nhẹ TQ, một thế lực đang lên mà Hoa Kỳ xác định là sẽ tiếp tục thúc đẩy một quan hệ "tích cực, xây dựng và toàn diện". Tuy nhiên, Washington sẽ "theo dõi chương trình hiện đại hóa quân sự của TQ và chuẩn bị cách thích ứng sao cho các quyền lợi của Mỹ và các đồng minh, trong khu vực và trên thế giới, không bị tác hại".

Gắn với vấn đề trên, dù không nói đến biển Đông, nhưng chiến lược an ninh mới của Mỹ đã nói lên quyết tâm bảo vệ quyền tự do lưu thông "trên biển, trên không và trong vũ trụ", chống lại bất kỳ ai muốn "cản trở thông thương hay sử dụng các lãnh vực này với ác ý". Trong số những biện pháp mà Hoa Kỳ quyết tâm áp dụng có việc duy trì quyền tự do lưu thông cho "các eo biển chiến lược và các tuyến hàng hải trọng yếu".

Trong vấn đề an ninh trên biển Đông, quyền tự do thông thương rất quan trọng: từ 56 - 60% hàng hóa chuyên chở bằng đường biển mỗi năm đều đi qua vùng biển này, trong đó 90% dầu hỏa cho Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, là những đồng minh của Mỹ. Bên cạnh đó, còn có nhiều quyền lợi kinh tế và quân sự khác cho các nước Đông Nam Á.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm thế cân bằng trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO