Tị nạn khí hậu - thách thức của châu Á

THỤY KHA| 10/12/2009 08:24

Mực nước biển dâng cao, nhận chìm nhiều hải đảo; hạn hán kéo dài gây thiệt hại mùa màng, đất đai bị sa mạc hóa hay lũ lụt làm hàng triệu người dân phải ly tán.

Tị nạn khí hậu - thách thức của châu Á

Mực nước biển dâng cao, nhận chìm nhiều hải đảo; hạn hán kéo dài gây thiệt hại mùa màng, đất đai bị sa mạc hóa hay lũ lụt làm hàng triệu người dân phải ly tán. Làn sóng người tị nạn khí hậu là một thách thức mới đối với nhiều quốc gia tại châu Á trong bối cảnh khí hậu toàn cầu ngày càng xấu đi.

Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng toàn cầu ấm lên có thể vẫn tiếp diễn, ngay cả sau khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch (diễn ra từ 7 - 18/12) dẫn tới sự ra đời của một thỏa thuận mới về cắt giảm khí thải. Trong một bài viết trên tạp chí Nature, TS. Mark New Đại học Oxford (Anh), cùng nhiều nhà nghiên cứu khác tuyên bố nhiệt độ trung bình của Trái đất sẽ tăng dưới mức 2 độ C nếu các nước thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong hội nghị Copenhagen. Nếu thế giới chỉ đạt được một hiệp định với "những điều khoản yếu", nhiệt độ sẽ tăng thêm ít nhất 4 độ C trước năm 2060. Tình trạng đó sẽ khiến các sông băng tan chảy nhanh hơn, nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán liên tục xảy ra trên diện rộng.

Theo báo cáo gần đây nhất của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, từ nay đến năm 2050 sẽ có hơn 50 triệu người tị nạn vì lý do khí hậu. Nhưng nhiều công trình nghiên cứu khác cho thấy, số này có thể lên tới 200 triệu. Tổ chức Christian Aid của Anh đưa ra con số 1 tỷ người, tức một phần sáu nhân loại, phải rời quê quán lánh nạn từ nay đến giữa thế kỷ, và đến năm 2080 sẽ có từ một đến ba tỷ người trong tình trạng thiếu nước ngọt, từ 200 đến 600 triệu người thiếu ăn.

Những kịch bản đen tối nhất đã nhắc đến nguy cơ mực nước biển dâng cao thêm 2 mét trong chưa đầy một thế kỷ tới, đe dọa trực tiếp sự sống còn của 60% trong số 39 thành phố lớn của thế giới, trong số này có New York, Amsterdam, Roma, Thượng Hải, Hồng Kông, Sydney. Chỉ riêng tại Đông Nam Á, căn cứ trên giả thuyết mực nước biển dâng cao thêm nửa mét, báo cáo được Quỹ Thế giới bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nêu đích danh 11 thành phố lớn nằm sát biển hoặc ở các vùng đồng bằng có nguy cơ cao phải đối phó với lũ lụt và thiên tai. Đứng đầu danh sách đó là Dhaka của Bangladesh, kế tiếp là Jakarta, Manila của Indonesia và Philippines, Calcultta của Ấn Độ; thủ đô Phnom Penh đứng hạng thứ 5, tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh, Thượng Hải, Bangkok, Hồng Kông, Kuala Lumpur và Singapore.

Một báo cáo được công bố vào tháng 3/2004 của Cơ quan Tình báo và An ninh Canada nêu giả thuyết, kể từ năm 2020, lượng nước mưa ở các vùng trung bắc và đông bắc Trung Quốc sẽ giảm đi đáng kể. Nông dân không đủ ăn đổ về thành thị kiếm sống. Các làn sóng di dân từ nông thôn lên thành phố ngày càng lớn, buộc chính quyền Bắc Kinh vừa phải xét lại chính sách đô thị hóa, vừa phải đề phòng các mối đe dọa về ổn định chính trị - xã hội.

Câu hỏi đặt ra la,ø những quốc gia nào có khả năng nhận thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu nạn nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu? Làn sóng di dân vì lý do khí hậu khiến các cuộc tranh giành quyền khai thác tài nguyên, giành đất canh tác, giành quyền kiểm soát các nguồn nước ngọt ngày càng nhiều. Đây là điểm khởi đầu dẫn đến tình trạng mất an ninh trong khu vực, và ngày càng đe dọa đến sự ổn định đời sống của hàng triệu dân ở châu Á.

Năm 1985, lần đầu tiên cộng đồng quốc tế sử dụng cụm từ “tị nạn khí hậu” khi đề cập đến các làn sóng di dân do môi trường sống bị hủy hoại. Nhưng từ đó đến nay, các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và quyền lợi của thành phần tị nạn khí hậu vẫn còn mơ hồ; quy chế tị nạn khí hậu vẫn chưa được công nhận, cho dù hiện tượng kể trên liên quan trực tiếp đến an ninh quốc tế.

Mục tiêu của Hội nghị Copenhagen là đưa ra hiệp ước mới thay thế Nghị định thư Kyoto 1997 - Kyoto Protocol. Hội nghị tập trung vào hai nội dung quan trọng: cắt giảm khí thải và tiền đóng góp để thực hiện mục tiêu này. Theo đó, các nước đang phát triển phải đặt ra các mục tiêu cắt giảm 25 - 40% khí thải vào năm 2020.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tị nạn khí hậu - thách thức của châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO