Thực phẩm chức năng “vấp ngã” ở Trung Quốc

TĂNG KHÁNH| 28/09/2015 03:52

Nền kinh tế thứ 2 thế giới không phải "thị trường vàng" của các hãng dược phẩm chuyên cung cấp các loại vitamin hay còn gọi là thực phẩm chức năng.

Thực phẩm chức năng “vấp ngã” ở Trung Quốc

Ở những nền kinh tế phát triển, người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe, muốn sử dụng các loại thực phẩm chức năng, vitamin để bồi bổ và phòng bệnh. Vì thế, doanh số những loại sản phẩm này ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở Trung Quốc.

Truyền thống đối đầu hiện đại

Nền kinh tế thứ 2 thế giới không phải "thị trường vàng" của các hãng dược phẩm chuyên cung cấp các loại vitamin. Ở đây, người dân ưa chuộng những bài thuốc dân gian như nhân sâm hay nhung hươu thay vì những viên thuốc nhỏ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng.

Tại Trung Quốc, thị trường các loại vitamin tăng 5%/năm, ước tính đạt 20 tỷ USD vào năm 2019, tốc độ tăng trưởng 50%. Trong khi đó, doanh số từ những bài thuốc cổ truyền đạt 40 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng gấp đôi.

Những bài thuốc Trung Quốc được quảng cáo có công năng kỳ diệu từ việc cung cấp chất bổ dưỡng đến điều trị những bệnh nan y như ung thư. Trong khi đó, những sản phẩm cung cấp vitamin và chất bổ dưỡng tây y không thể “đua” theo kịp khi chỉ công bố các tác dụng chăm sóc, tăng cường sức khỏe thông thường.

Người dân Trung Quốc tin tưởng vào dược liệu truyền thống hơn những viên vitamin  doanhnhansaigon
Người dân Trung Quốc tin tưởng vào dược liệu truyền thống hơn những viên vitamin

Các loại dược liệu chủ yếu được bày bán tại chợ thuốc truyền thống ở Bozhou, tỉnh Anhui, Trung Quốc. Khách hàng sẵn sàng mua những sản phẩm này với giá cao ngất ngưởng. Một nữ khách hàng người Thượng Hải cho CNBC biết, cô đã mất 6.000 nhân dân tệ (tương đương 942 USD) cho 3 tháng điều trị da liễu bằng dược liệu truyền thống.

“Nhung hươu và nhân sâm là những dược liệu bán chạy nhất”, Yu Qiangmin, 51 tuổi, một nhân viên tại cửa hàng thuốc cổ truyền nói với CNBC. Bên cạnh đó, những dược liệu như da rắn, cóc phơi khô, rết, bọ cạp và bồ công anh với tác dụng điều trị sưng; dầu hào, nhân sâm, gà ác giúp điều hòa kinh nguyệt… cũng là những bài thuốc “cháy hàng”.

Bà Li Dongmei, 82 tuổi, vẫn hàng ngày đi bốc những thang thuốc truyền thống, được cất trong những ngăn tủ gỗ cũ kỹ tại hiệu thuốc địa phương. Bà cho biết: “Tôi không biết những thang thuốc này có tác dụng không nhưng tôi đã quen dùng nó. Tôi không thực sự tin tưởng những viên vitamin”.

Tình hình này khiến những doanh nghiệp trong ngành sản xuất thực phẩm chức năng, bổ sung vitamin, từ hình thức bán hàng trực tiếp như Amway đến nhà sản xuất khổng lồ Pfizer gặp rất nhiều thách thức khi muốn chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.

“Một nửa dân số Trung Quốc vẫn tin tưởng những thang thuốc truyền thống hơn bác sĩ, bệnh viện hiện đại hay những viên thuốc tây. Đây là tập quán ăn sâu vào tư duy người Trung Quốc từ đời này sang đời khác”, Jia Chen - Phó chủ tịch bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Amway tại Trung Quốc cho biết.

Tân dược đi tìm lời giải

Các hãng dược phẩm nhận ra nguyên tắc làm ăn tại thị trường đông dân nhất thế giới là phải đề cao yếu tố  truyền thống. Jia Chen phát biểu trên Reuters: “Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa những bài thuốc dân gian vào các sản phẩm của chúng tôi để chiếm được sự quan tâm của khách hàng”.

Amway Trung Quốc cố gắng đưa nguyên liệu truyền thống vào những viên vitamin doanhnhansaigon
Amway Trung Quốc cố gắng đưa nguyên liệu truyền thống vào những viên vitamin

Hãng này đẩy mạnh sử dụng những nguyên liệu như nhân sâm và cam thảo vào các sản phẩm bổ sung cho trí nhớ và sức khỏe. Gần đây, hãng cũng đầu tư 13 triệu USD vào một trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm dược phẩm truyền thống tại thành phố Wuxi thuộc phía đông Trung Quốc.

Trong khi đó, Pfizer đầu tư 95 triệu USD vào cơ sở tại miền đông Trung Quốc để mở rộng sản xuất hai nhãn hàng Centrum và Caltrate – những loại vitamin kết hợp với nhiều nguyên liệu truyền thống nhằm tăng sự tin tưởng của khách hàng. Hãng cung cấp hộp quà tặng vitamin bằng vàng nhằm thu hút những khách hàng ưa chuộng sử dụng các loại dược liệu quý, truyền thống làm quà tặng cao cấp.

Thị trường vitamin tại Trung Quốc doanhnhansaigon
Sản phẩm tân dược chứa nguyên liệu truyền thống trở thành sản phẩm cao cấp, đắt tiền

Các hãng sản xuất tân dược hướng đến khách hàng trẻ, người dân ở thành thị – những người không còn bị “ám ảnh” nhiều bởi tác dụng kỳ diệu của các bài thuốc cổ truyền. Họ sẵn sàng tiếp nhận cái mới hoặc sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại.

Wen Zuolin, 21 tuổi, sinh viên ngành thực phẩm cho biết, những viên vitamin được chiết xuất từ các loại rễ cây dễ uống hơn. “Những người lớn tuổi tin tưởng các loại thuốc truyền thống trong khi những người trẻ như tôi thích uống tân dược vì nó có hiệu quả nhanh chóng, sử dụng tiện lợi”, cô nói.

“Khách hàng trẻ, thu nhập cao vẫn sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm nhập khẩu bởi họ tin tưởng vào các sản phẩm được kiểm định chất lượng chặt chẽ trước khi đến Trung Quốc", Christine Holgate - Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Blackmores của Úc - nói với Reuters. Nhờ nhu cầu bùng nổ ở Trung Quốc, lợi nhuận Blackmores tăng 83%, cổ phiếu tăng gấp 4 lần trong năm 2014, Bloomberg cho biết. 

>Dược phẩm nội: Triển vọng Đông dược

>Quy định mới về nhập khẩu thực phẩm, dược phẩm vào Mỹ

>Thị trường dược phẩm: Liều "thuốc thử" mới

>Thực phẩm chức năng: Đường lên "đỉnh kim cương"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực phẩm chức năng “vấp ngã” ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO