Thị trường việc làm tại Mỹ, “chim báo bão” của kinh tế thế giới

30/11/2011 06:44

Khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhiều khả năng đã rơi vào suy thoái nhẹ, trong khi phần còn lại của thế giới chật vật chống chọi với những “cơn gió chướng” thổi tới từ lục địa già. Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một dốc đứng mà đích đến là suy thoái, hãng tin Reuters nhận định.

Thị trường việc làm tại Mỹ, “chim báo bão” của kinh tế thế giới

Khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhiều khả năng đã rơi vào suy thoái nhẹ, trong khi phần còn lại của thế giới chật vật chống chọi với những “cơn gió chướng” thổi tới từ lục địa già. Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một dốc đứng mà đích đến là suy thoái, hãng tin Reuters nhận định.

Thống kê việc làm tháng 11 công bố vào thứ Sáu tuần này được dự báo sẽ một lần nữa cho thấy sức khỏe kinh tế Mỹ vẫn còn yếu.

Tuần trước, bức tranh kinh tế Mỹ có phần sáng hơn trong thời gian gần đây bỗng chốc lại bị phủ mờ bởi một loạt dữ liệu kinh tế cho thấy sự chuyển biến xấu, trong đó phải kể tới số liệu tăng GDP quý 3 sau điều chỉnh chỉ còn 2% từ mức 2,5% trong lần công bố sơ bộ.

Tiêu dùng của người Mỹ cùng hoạt động đầu tư vào sản xuất kinh doanh ở nước này trong tháng 10 đã yếu đi. Điều này cho thấy, sự phục hồi của kinh tế Mỹ còn yếu và nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc.

Trên bức nền u ám này, thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chứng kiến những sóng gió mới, khi mà các nhà lãnh đạo châu Âu chưa thể đưa ra bất kỳ giải pháp đáng tin cậy nào cho cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài hai năm. Các nhà làm luật Mỹ cũng rơi vào thế bế tắc trong công cuộc đi tìm biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách. Niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng bởi thế càng bị xói mòn, đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Thị trường việc làm Mỹ được xem là bức tranh thu nhỏ của những thách thức mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt.

Kinh tế Mỹ đã ở trong giai đoạn hồi phục được hai năm, quãng thời gian mà lợi nhuận các doanh nghiệp tăng mạnh, nên hoạt động tuyển dụng lao động lẽ ra phải được đẩy mạnh. Tuy nhiên, thống kê việc làm tháng 11 công bố vào thứ Sáu tuần này được dự báo sẽ một lần nữa cho thấy sức khỏe kinh tế Mỹ vẫn còn yếu. Theo giới phân tích, trong tháng này, giới chủ Mỹ trong khu vực kinh tế tư nhân chỉ tuyển thêm 120.000 người, tăng so với 80.000 người trong tháng 10, nhưng vẫn dưới mức cần thiết để cải thiện triển vọng của nền kinh tế.

“Xu hướng này đã tồn tại suốt 5 tháng qua. Tỷ lệ thất nghiệp mắc kẹt ở mức chỉ đủ để hấp thụ một lực lượng lao động mới nhất định, nhưng không đủ để giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp”, chuyên gia kinh tế Jeoff Hall thuộc công ty IFR Markets nhận xét.

Trên thực tế, các công ty lớn của Mỹ đang cho thấy là họ thận trọng.

Tuần trước, hãng Boeing công bố kế hoạch đóng cửa một nhà máy có 2.100 công nhân viên ở Kansas để chuẩn bị trước cho việc chính phủ liên bang cắt giảm ngân sách bao gồm ngân sách quốc phòng. Cũng trong tuần trước, ngân hàng Bank of America đã bắt đầu gửi đi thông báo sa thải cho các nhân viên công nghệ. Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm 30.000 vị trí tại Bank of America trong một vài năm tới. Một nhà băng lớn khác của Mỹ là Wells Farrgo cũng đã rục rịch cắt giảm việc làm.

Hãng sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới Whirpool Corp thì cho biết, nhu cầu toàn cầu đang giảm xuống, bao gồm ở các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như châu Á và Mỹ Latin. Hãng này lên kế hoạch cắt giảm 5.000 việc làm ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Ông Srinivas Thiruvadanthai, Giám đốc nghiên cứu thuộc trung tâm dự báo Jerome Levy, lo ngại các biện pháp thắt chặt chi tiêu công, từ kết thúc các dự án kích cầu đưa ra năm 2009, cắt giảm ngân sách của các thành phố và tiểu bang, cho tới khả năng chấm dứt chính sách cắt giảm thuế tuyển dụng, sẽ khiến sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ càng thêm yếu. Trong khi đó, tiêu dùng là hoạt động chiếm phần lớn nền kinh tế Mỹ.

“Rõ ràng tình hình ở châu Âu đang xấu, và các điều kiện kinh tế toàn cầu cũng xấu đi theo. Nếu người tiêu dùng Mỹ mệt mỏi, khả năng suy thoái sẽ lên cao”, ông Thiruvandanthai nói.

Kể từ cuối tháng 9 vừa qua, Levy Center đã dự báo cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ tấn công vào nước Mỹ thông qua thị trường tài chính, các nhà băng, làm suy yếu hoạt động xuất khẩu, đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm và kéo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào năm 2012. Tới nay, ông Thiruvandanthai vẫn chưa nhận ra lý do nào để thay đổi dự báo này.

Thứ Ba tuần này, các bộ trưởng bộ tài chính châu Âu lại họp để xem xét việc tăng quy mô cho quỹ bình ổn tài chính khu vực, cơ chế mới được thiết lập 1 tháng trước như trọng tâm trong chiến lược giải quyết khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, sự lao dốc của giá trái phiếu châu Âu đã làm giảm mạnh mức độ mở rộng mà quỹ này có khả năng đạt được, khiến giới đầu tư lo ngại cao độ về việc các chính trị gia có thể dùng quỹ bình ổn tài chính để chặn khủng hoảng.

Vào ngày thứ Ba, Italy sẽ phát hành 8 tỷ Euro nợ dài hạn, giữa lúc trái phiếu Italy kỳ hạn 2 năm đã có mức lợi suất trên 8%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức lợi suất mà một quốc gia có nền kinh tế trì trệ có thể chịu đựng nổi. Hôm nay, Bỉ - quốc gia vừa bị hạ điểm tín nhiệm bởi Standard&Poor’s - phát hành trái phiếu trong bối cảnh lợi suất trái phiếu của nước này đã chạm mức kỷ lục.

Cuối tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo, những khó khăn trên thị trường trái phiếu châu Âu sẽ cản trở những dòng vốn tín dụng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở đây, sau khi đã tác động xấu tới lợi nhuận của các ngân hàng như hiện nay. “Tình trạng này có thể đẩy một cuộc suy thoái vừa như chúng tôi dự báo trở thành một cuộc suy thoái sâu như hồi năm 2008-2009”, Goldman Sachs nhận định.

Ảnh hưởng từ sự giảm tốc ở Mỹ và châu Âu thậm chí có thể cảm nhận rõ nét ở những nền kinh tế mới nổi lớn. Brazil tuần trước đã hạ lãi suất lần thứ ba kể từ tháng 8, với mức giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm, còn 11%.

Đối với nước Mỹ, dự báo về một cuộc suy thoái mới hiện vẫn chỉ là quan điểm thiểu số, mặc dù các tổ chức dự báo đều đã hạ nhận định tăng trưởng cho năm 2012. Trong lần dự báo gần nhất, Viện Tài chính Quốc tế (IFF) cho rằng, kinh tế Mỹ vẫn vững vàng trong ngắn hạn nhưng triển vọng sẽ xấu hơn sau đó. “Triển vọng kinh tế đến đầu năm 2012 sẽ kém đi. Sự kết hợp giữa sự thu hẹp mạnh của chi tieue công và ảnh hưởng từ suy thoái ở khối Eurozone có khả năng sẽ kéo lùi tăng trưởng kinh tế Mỹ”, chuyên gia kinh tế trưởng Philip Suttle của IFF nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, chừng nào các nhà lãnh đạo châu Âu còn trì hoãn đưa ra một giải pháp cụ thể để cứu vãn đồng tiền chung của khu vực, thị trường tài chính thế giới sẽ còn chao đảo và triển vọng tăng trưởng còn tiếp tục u ám.

“Kinh tế thế giới đang trong cảnh trầy trật, với những rủi ro từ khả năng tan vỡ của khối Eurozone, hoặc một số thành viên như Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha phải rời khối này. Có lẽ châu Âu không còn nhiều thời gian để giải quyết những rắc rối của họ”, kinh tế gia Paul Ashworth thuộc Captial Economics nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường việc làm tại Mỹ, “chim báo bão” của kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO