Thị trường đồ chơi Trung Quốc: Gặp hạn

THỤY KHA| 28/01/2008 03:22

Vận hạn đã đến với cường quốc đồ chơi Trung Quốc khi không đảm bảo được chất lượng an toàn cho trẻ nhỏ.

Thị trường đồ chơi Trung Quốc: Gặp hạn

Vận hạn đã đến với cường quốc đồ chơi Trung Quốc khi không đảm bảo được chất lượng an toàn cho trẻ nhỏ.

Người đứng đầu công ty đồ chơi nổi tiếng của Trung Quốc (TQ) Lee Der, ông Zhang Shuhong cuối cùng đã giải quyết bế tắc của mình bằng cách treo cổ tự tử trong nhà kho. Sự việc xảy ra vài ngày sau khi chính phủ TQ hồi tháng Tám năm ngoái công bố tạm thời ngừng xuất khẩu sản phẩm của Lee Der. Trước đó, gần 1 triệu sản phẩm của Lee Der đã bị thu hồi ở thị trường Mỹ vì có hàm lượng chì quá lớn.

Trong gần một triệu sản phẩm bị thu hồi có những mặt hàng bán rất chạy như búp bê các nhân vật hoạt hình Elmo, Big Bird hay Dora... được trẻ em nhiều nước ưa chuộng. Trước thông tin trên, nhiều gia đình tại Mỹ đã vứt bỏ tất cả đồ chơi của con cái vào thùng rác. Một số cho biết sẽ không bao giờ mua đồ chơi nhập từ TQ nữa.

Đó là câu chuyện bắt đầu thời vận hạn của các hãng sản xuất đồ chơi TQ. Các nhà chức trách Mỹ, Úc và một số nước khác rút khoảng 5 triệu bộ đồ chơi mang tên Bindeez and Aqua Dots khỏi thị trường. Tiếp sau đó, hàng loạt quốc gia như Anh, Malaysia và Singapore cũng đã ra lệnh cấm lưu hành sản phẩm Aqua Dots (Bindeez).

Từ nhiều năm nay, TQ đã trở thành một siêu cường về công nghệ đồ chơi trẻ em với tổng sản lượng 23 tỷ USD, chiếm 75-80% thị phần thế giới, trong đó 70-80% là hàng xuất cho Mỹ và các nước châu Âu. Vì vậy, khi các nhà nhập khẩu đồ chơi Mỹ ngừng các đơn hàng cũng là lúc các công ty sản xuất đồ chơi TQ rơi vào khủng hoảng.

Theo kết quả thăm dò vào đầu tháng 8/2007 của Tổ chức quốc tế Sogby (Mỹ), 82% người Mỹ đã chán hàng TQ, 63% hưởng ứng phong trào “nói không” với hàng hóa “Made in China”... Người tiêu dùng tại các nước châu Âu cũng có tâm lý tương tự khi 85% đồ chơi trẻ em của TQ có vấn đề về an toàn. Không có một nhà nhập khẩu đồ chơi nào dám mạo hiểm mua hàng từ TQ vào thời điểm nhạy cảm này.

Trong khi các đơn hàng lớn gần như không có, những nhà sản xuất TQ đang mất dần ưu thế trên thị trường thế giới. Các quy định kiểm tra mới đã làm tăng chi phí cũng như gián đoạn quy trình sản xuất của các cơ sở đồ chơi. Thêm vào đó là sức ép giá dầu đội lên giá vật liệu như cao su, nhựa...

Nhưng điều đang lo nhất là giá nhân công tại TQ đã tăng 30 - 35% trong năm ngoái khi luật bảo hộ lao động mới đi vào hiệu lực từ tháng Một. Theo đó, các hệ thống bán lẻ lớn của Mỹ gần đây đã phải trả thêm khoảng 20% cho các đơn hàng nhập khẩu từ TQ giao tháng Tư.

Tình hình này đã đẩy rất nhiều nhà máy sản xuất đồ chơi tại phía Nam TQ phải đóng cửa vào năm nay. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất khác đang tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế tại Việt Nam hay Indonesia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường đồ chơi Trung Quốc: Gặp hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO