![]() |
Năm 2016 thế giới tiếp tục chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, với hiểm họa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Tệ hơn, sự cực đoan của những phần tử khủng bố càng làm tăng tâm lý thù địch, sợ hãi, góp phần đẩy phong trào dân túy, chủ nghĩa dân tộc lên cao.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng tạo hiệu ứng bất ổn, quyết định rời Liên minh Châu Âu của người Anh dẫn đến những hệ quả chưa thể lường hết đối với không chỉ những "người trong cuộc", rồi sự lây lan của virus Zika gây hậu quả kinh tế tồi tệ cho các nước Mỹ Latin và vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều nước châu Á...
1. Khủng bố
Tại Mali, Nigeria, các nước Trung Đông và vài nước châu Á, hầu như tháng nào cũng xuất hiện khủng bố. Ngoài những nhóm Hồi giáo cực đoan như Boko Haram, những cuộc đấu tranh đảng phái và bức bối xã hội cũng xuất hiện những vụ tàn sát đẫm máu ở Mozambique, Thái Lan.
Không thể đong đếm được nỗi đau nào lớn hơn hay nhỏ hơn, nhưng khủng bố liên tiếp ở các nước châu Âu và Mỹ là dấu hiệu leo thang căng thẳng.
![]() |
Hiện trường vụ chiếc xe tải lao vào đám đông trong khu chợ Giáng sinh ở Berlin |
Đêm 19/12, một chiếc xe tải đã lao vào đám đông trong khu chợ Giáng sinh tại Quảng trường Breitscheidplatz, phía tây thủ đô Berlin, Đức làm chết 12 người và 48 người bị thương. Vụ việc làm gợi nhớ cách thức tấn công tương tự ở Nice, Pháp hồi tháng 7 khi Mohamed Lahouaiej-Bouhlel cũng lái một chiếc xe tải lao vào đám đông, làm 84 người thiệt mạng.
Thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nạn nhân của những vụ khủng bố làm hàng chục người chết. Không chỉ người dân, căng thẳng dâng cao với vụ ám sát chấn động ở Ankara nhằm vào Đại sứ Nga Andrei Karlov ngày 19/12. Kẻ sát nhân là một sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, cũng hét lên cụm từ "Allahu Akbar" (Đấng tối cao vĩ đại), vốn thường xuyên được nghe thấy trong các vụ khủng bố.
Việc hàng ngàn người từ châu Âu đến Syria và Iraq - hang ổ của IS, rồi trở về châu Âu và có thể tham gia khủng bố, đến nay vẫn là vấn đề mà các nước lục địa già hầu như không thể kiểm soát.
2. Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ
Thế giới đặc biệt chú ý cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với màn so kè của hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton. Khác với "chính trị gia kiểu mẫu" Hillary Clinton, ông Trump mang nhiều yếu tố khó lường trong chính sách ngoại giao, và nhìn chung các chuyên gia dự đoán tỷ phú 71 tuổi sẽ không "tác động tốt" lên khu vực Biển Đông.
![]() |
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có xu hướng lấy lợi ích quốc gia của Mỹ làm trọng tâm |
Ngoài việc cân nhắc lại các hợp tác kinh tế, quốc phòng với những đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines..., ông Trump cũng cho thấy đã sẵn sàng bỏ qua Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - vốn là một công cụ địa - chính trị quan trọng dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, bù lại, thái độ của ông Trump đối với Trung Quốc có phần quyết liệt hơn.
Trên bình diện toàn cầu, ông Trump được xem là người có xu hướng lấy lợi ích quốc gia của Mỹ làm trọng tâm. Vì vậy các đồng minh châu Âu từ EU phải chờ đợi những thay đổi tiếp theo trong mối quan hệ này. Ông Trump cũng bị cho là người sẽ tiếp cận mềm mỏng hơn với nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin, trong bối cảnh Mỹ và EU vẫn áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga và duy trì thái độ lạnh.
>> "Sợ Trump", nhà đầu tư thế giới đổ xô vào "kênh trú ẩn an toàn"
3. "Bóng đen" Brexit
Ngày 23/6, công dân Vương quốc Anh đã bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Sự kiện được biết đến với cái tên Brexit này nhanh chóng khiến đồng bảng Anh rớt giá kỷ lục trong 7 năm gần đây và "khuấy động" thị trường tài chính toàn cầu, khiến 3 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa toàn cầu "bốc hơi" chỉ trong một đêm.
Viện Nghiên cứu Tài chính Anh hôm 8/11 ước tính, việc Anh "đoạn tuyệt" với EU chỉ có thể giúp nước này tiết kiệm khoảng 6 tỷ bảng mỗi năm tiền đóng góp cho EU, trong khi khoản thâm hụt ngân sách phải gánh chịu trong tài khóa 2019 - 2020 lên đến 14,9 tỷ bảng (18,48 tỷ USD).
Ước tính, các doanh nghiệp Anh đã dừng hoặc hủy bỏ khoảng 65,5 tỷ USD vốn đầu tư trong tương lai vì lo ngại rủi ro Brexit. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ mức tăng trưởng GDP dự kiến của Anh xuống 1,7% trong năm 2016 và 1,3% trong năm 2017.
![]() |
Những người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit có lẽ chưa tính đến những hệ quả của sự "dứt áo ra đi" này |
"Bóng đen" Brexit không chỉ bao phủ khắp nước Anh mà còn lan ra toàn cầu. Ý ước tính có thể thiệt hại 3 tỷ euro trong năm 2016 vì Brexit. Đầu tháng 9, tại hội nghị G20, Nhật Bản cũng lên tiếng cảnh báo Thủ tướng Anh Theresa May kịch bản nhiều công ty Nhật tháo chạy khỏi Anh và dời hoạt động sang các nước EU.
Dù vậy, những trở ngại trên cũng không ngăn bà Theresa khởi động tiến trình đàm phán rời EU vào cuối tháng 3/2017, đồng nghĩa với việc Anh sẽ chính thức rời EU vào năm 2019. Ước tính, việc khởi động Brexit sớm khiến giới tài chính Anh tổn thất 38 tỷ bảng (tương đương 48 tỷ USD).
4. Biển Đông vẫn dậy sóng
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc về "đường lưỡi bò” mà họ tự vẽ lên, chiếm gần trọn Biển Đông. Dù Trung Quốc không công nhận phán quyết, còn Philippines gần như không theo đuổi vụ này tới cùng như thời cựu Tổng thống Benigno Aquino nhưng phán quyết ấy vẫn là một văn bản pháp lý rất quan trọng làm cho thế giới thấy sự bành trướng lãnh thổ trong thời đại ngày nay là không thể chấp nhận.
![]() |
Tòa án PCA bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc về "đường lưỡi bò" mà nước này tự vẽ lên nhằm chiếm gần trọn Biển Đông |
Năm nay, các nỗ lực đàm phán đa phương trong vấn đề Biển Đông cũng gặp trở ngại. Trung Quốc từng tuyên bố ba nước Lào, Campuchia, Brunei thống nhất một thỏa thuận 4 điểm, nhất trí không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Tính chất của cộng đồng đoàn kết, gắn bó của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) một lần nữa bị thách thức.
>>Sau phán quyết của PCA: Không khí thận trọng bao trùm
5. Nhiều hiệp định thương mại tự do "đổi chiều"
Năm 2016 chứng kiến một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) rơi vào "tiến thoái lưỡng nan", đặc biệt sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Vị tổng thống Mỹ thứ 45 nổi tiếng bài xích các FTA đã tuyên bố sẽ rút khỏi TPP khiến hiệp định này có nguy cơ đổ vỡ. Điều này hoàn toàn có khả năng bởi TPP chỉ có thể có hiệu lực nếu được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối. Điều đó có nghĩa, cả Mỹ và Nhật Bản đều cần phải phê chuẩn TPP.
Sau khi ông Trump tuyên bố từ bỏ TPP, Nhật Bản đã gấp rút thông qua hiệp định này hôm 9/12, thể hiện rõ lập trường ủng hộ TPP và mong muốn duy trì kế hoạch thông qua Hiệp định tại các nước thành viên khác. Nhật cũng là một trong 16 nước châu Á tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng. Rõ ràng việc Mỹ rút khỏi TPP là "cơ hội vàng" giúp Trung Quốc sớm hoàn tất RCEP.
![]() |
Năm 2016, nhiều hiệp định thương mại rơi vào "tiến thoái lưỡng nan", đặc biệt sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ |
Tính đến tháng 10/2016, RCEP đã đi tới vòng đàm phán thứ 15 và nhiều khả năng sẽ kết thúc vào giữa 2017. Nếu được thông qua, đây sẽ là FTA đầu tiên trên toàn châu Á, với các nước thành viên chiếm gần một nửa dân số và khoảng 30% GDP toàn cầu. Đặc biệt, RCEP sẽ lần đầu kết nối hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như lần đầu tiên kết nối hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.
Ở một diễn biến khác, EU và Mỹ vẫn đang trong tiến trình đàm phán FTA Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) dù theo giới chuyên gia, hiệp định này đang trong giai đoạn "thoi thóp". Không tính đến việc Đức và Pháp từng nhiều lần gây sức ép lên EU ngừng đàm phán TTIP thì Brexit và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện là hai nhân tố đe dọa tiến trình đàm phán.
TTIP từng được kỳ vọng là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu.
6. Phong trào dân túy
"Dân túy" có lẽ là cụm từ ám ảnh nhất trong năm 2016, đặc biệt là ở châu Âu. Những bất ổn kinh tế dai dẳng, mối lo ngại từ chủ nghĩa khủng bố là những nguyên nhân khiến người theo chủ nghĩa dân túy tranh thủ được sự tín nhiệm của người dân. Nó hình thành một xu hướng tranh cử và đấu tranh ồn ào bằng những phát ngôn mạnh mẽ, cực đoan, lấy dân tộc làm gốc.
Xu hướng chính trị này có thể thấy ở Philippines. Tổng thống Duterte đã tận dụng tình trạng nước này tiếp tục bị ma túy ảnh hưởng tới đời sống và an ninh để tạo ra một chiến dịch thanh trừng người nghiện và dân buôn lậu, khiến nhiều nghìn người thiệt mạng chỉ sau vài tháng nắm quyền.
![]() |
Tổng thống Philippines Duterte nổi tiếng với những phát ngôn mạnh mẽ, cực đoan và lấy dân tộc làm gốc |
Ở Mỹ, chiến thắng của ông Trump được xem là biểu hiện mạnh mẽ nhất của phong trào dân túy. Vị tỷ phú này bị cho là yếu về kinh nghiệm chính trị, nhưng đã được ủng hộ vì thái độ quyết liệt với khủng bố, thậm chí nhằm vào người Hồi giáo. Bên cạnh đó bằng những phát ngôn mạnh mẽ, ông Trump cũng trấn an cử tri với cam kết lấy lại công ăn việc làm cho người Mỹ, thương lượng lại các hợp đồng kinh tế theo hướng có lợi nhất cho nước Mỹ.
Sự thay đổi mang nét dân túy cũng rải khắp châu Âu, với điểm nhấn đầu tiên là vụ Brexit hồi giữa năm. Các lãnh đạo phe Brexit bị nhận xét rằng đã tận dụng sự bức bối của người Anh đối với EU để cổ vũ một cuộc "chia tay".
>>Tại sao ít người tị nạn Syria tìm tới các nước giàu tại Trung Đông?
Ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel cũng sụt giảm uy tín trầm trọng vì thu nạp quá nhiều người tị nạn và cả những vụ khủng bố như tại Berlin gần nhất. Điều này khiến đảng dân túy cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) trỗi dậy và ngày càng lớn mạnh.
Ở Pháp, bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc Pháp cũng là chính trị gia đang nổi. Đây được xem là quân cờ domino quan trọng, đo đếm sức mạnh của "bóng ma dân túy" ở châu Âu, mà theo The New York Times, các đảng cực hữu ở châu Âu đang trở nên mạnh hơn.
7. Hòa đàm Syria bế tắc
Ngày 20/12, Đặc sứ phụ trách vấn đề Syria của Liên Hiệp Quốc - ông Staffan de Mistrura nói về ý định sẽ bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình Syria vào ngày 8/2/2017. Hòa đàm Syria nhìn chung vẫn bế tắc do các bên chưa thống nhất phương án dẹp loạn với hàng chục phe đang đánh nhau và cùng đánh IS.
Cuộc chiến chống IS sắp vào hồi cuối ở hai mặt trận Aleppo (Syria) và Mosul (Iraq). Hiện tại Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang ủng hộ nhiều phe nổi dậy muốn lật đổ al-Assad, trong khi Nga đứng sau bảo trợ chính quyền Damascus đương nhiệm.
![]() |
Cuộc chiến tại Syria tác động lớn đến chính trị quốc tế, kéo theo làn sóng người di cư và tị nạn ập vào châu Âu |
Nhiều khả năng hòa đàm sẽ khó thực hiện sau sự kiện Đại sứ Nga bị bắn chết tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đều cho rằng đây là hành động khủng bố, kêu gọi tiếp tục mạnh tay với chủ nghĩa khủng bố. Điều này có nghĩa, thời hạn giải quyết IS và tiến hành đàm phán hòa bình cho Syria sẽ tốn thêm rất nhiều thời gian.
Cuộc chiến tại Syria đã ảnh hưởng rất nhiều đến chính trị quốc tế. Cuộc nội chiến này kéo theo làn sóng người di cư và tị nạn ập vào châu Âu, từ đó tạo ra những mối lo về an ninh - xã hội, làm suy yếu các chính quyền đương nhiệm.
8. Nhiều đồng tiền mệnh giá cao bị "khai tử"
Có thể nói 2016 là một năm có nhiều vụ trốn thuế, tham nhũng lớn bị phanh phui. Từ vụ rò rỉ hồ sơ Panama cho đến buôn lậu, rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài bị đưa ra ánh sáng khiến nhiều quốc gia thay đổi chính sách lưu thông tiền tệ, trong đó bao gồm biện pháp thu hồi tiền mệnh giá cao.
Đầu tháng 5, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định "khai tử" đồng tiền có mệnh giá cao nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu là 500euro do lo ngại bị sử dụng vào mục đích tài trợ khủng bố, rửa tiền và các việc phạm pháp khác.
Hiện đồng 500euro chỉ chiếm khoảng 3% tống số tờ tiền giấy euro đang được lưu hành, nhưng lại chiếm tới 30% giá trị dù loại tiền này không được sử dụng thường xuyên trong giao dịch. Theo lộ trình, tới cuối năm 2018, EU sẽ chấm dứt hẳn việc lưu thông đồng tiền 500euro.
![]() |
Người dân Ấn Độ đổ xô đi đổi tiền mới |
Tương tự, Australia hồi tháng 12 cho biết có khả năng "khai tử" tờ tiền 100AUD và áp dụng biện pháp hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong tương lai. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp tăng doanh thu thuế, giảm các giao dịch ngầm và ngăn tình trạng gian lận phúc lợi vì nhiều người dân nước này nhận trợ cấp trong khi vẫn sở hữu lượng lớn tiền mặt.
>>Ấn Độ nới lỏng hạn mức rút tiền mặt
Dù vậy, việc loại bỏ tiền mặt chỉ có tác dụng khi chính phủ đưa ra lộ trình thực hiện nhất định, bằng không có thể mang lại tác động ngược mà Ấn Độ là ví dụ điển hình. Hôm 8/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đột ngột tuyên bố hủy bỏ lưu hành hai tờ tiền có mệnh giá lớn nhất và phổ biến nhất là 500rupe và 1.000rupe. Ngay lập tức, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu tiền mặt, bởi hai tờ tiền trên chiếm hơn 80% lượng tiền lưu thông.
9. Tai nạn của "đại gia" công nghệ
Năm 2016, khi sự cố Yahoo làm lộ thông tin người dùng chưa lắng xuống thì một số "đại gia" công nghệ lại vướng vào cáo buộc đưa tin giả. Lần này đến lượt Facebook và Google bị nghi phát tán thông tin giả mạo tác động đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Cụ thể, Facebook bị chỉ trích đã cho phép đăng tải và lan truyền những thông tin sai lệch chủ yếu có lợi cho ứng cử viên Donald Trump. Google cũng gặp rắc rối khi kết quả tìm kiếm đầu tiên của cụm từ "final election numbers" vào sáng 14/11 cho thấy ông Trump đã giành thắng lợi cả về số phiếu phổ thông và đại cử tri, trong khi thực tế bà Hillary Clinton mới là người giành chiến thắng về số phiếu phổ thông và chỉ thua ông Donald Trump về số phiếu đại cử tri. Trước đó, trong tuyên bố hồi tháng 9, Yahoo cho biết hacker đã đánh cắp dữ liệu từ 500 triệu người dùng. Ba tháng sau, con số này đã tăng lên 1 tỷ tài khoản người dùng.
![]() |
Google, Facebook cho rằng họ chỉ các công ty công nghệ nên không chịu trách nhiệm về nội dung phân phối |
Khác với nguyên nhân Yahoo đưa ra là do... eo hẹp tài chính dẫn tới lơ là bảo mật, các ông chủ những mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter vẫn lấy lý do họ chỉ là các công ty công nghệ, không phải nhà xuất bản tin tức nên không chịu trách nhiệm về nội dung mình phân phối.
Dù vậy, trước áp lực ngày càng tăng, Google mới đây tuyên bố công cụ quảng cáo của Hãng sẽ từ chối phục vụ các trang web đăng tin tức giả mạo. Riêng Facebook sẽ triển khai hệ thống lọc với thuật toán cho phép tự động phát hiện các nội dung tin giả mạo, "câu view", đồng thời hạ cấp phân loại để chúng "chìm" xuống trong cơ sở dữ liệu chung. Bên cạnh đó, Twitter cũng đã chặn hoạt động của một loạt tài khoản có liên quan tới các nhóm cực đoan ủng hộ phe cánh hữu tại Mỹ do các phát ngôn thù ghét.
10. Virut Zika gây thiệt hại toàn cầu
Virus Zika bùng phát vào tháng 4/2015 tại Brazil, sau đó lây lan trên diện rộng khu vực Mỹ Latin và vùng Caribean. Tháng 2/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với đại dịch Zika. Hiện virus này đã gây ra nhiều hậu quả kinh tế tồi tệ ở các nước Mỹ Latin, thiệt hại ước tính lên đến 4 tỷ USD, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 23/2. Tạp chí y khoa Lancet dự báo có ít nhất 2,6 tỷ người, chủ yếu tại châu Á và châu Phi đối diện với dịch Zika.
![]() |
Ít nhất có 2,6 tỷ người, chủ yếu tại châu Á và châu Phi, đối diện với đại dịch Zika |
Trong bối cảnh du lịch và giao thương giữa các nước châu Á đang phát triển mạnh, việc bùng phát dịch bệnh này dự kiến sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn đến các nền kinh tế trong khu vực. Tính đến tháng 9, đã có hơn 300 người ở Singapore nhiễm virus Zika. Con số này tại Thái Lan lên đến 680 ca. Virus Zika tuy không gây tử vong nhưng lại có tác hại nguy hiểm tới thai nhi. Người mẹ mang thai nhiễm Zika thì đứa bé khi sinh ra dễ bị tật đầu nhỏ, não bộ phát triển không bình thường.
Dù vậy, hồi đầu tháng 10, chính quyền Thái Lan lại hạ thấp nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh và trấn an người dân và du khách rằng virut Zika không gây hậu quả nghiêm trọng như các bệnh lây lan khác, như Hội chứng hô hấp cấp (SARS). Tuyên bố trên xuất phát từ lo ngại đại dịch Zika sẽ gây thiệt hại cho ngành du lịch nước này.