Thế giới sẽ như thế nào trong năm mới?

HÀ CÚC| 06/02/2016 00:00

Trong năm mới, thế giới sẽ như thế nào?

Thế giới sẽ như thế nào trong năm mới?

Các hãng thông tấn cuối năm thường tổng kết các sự kiện tiêu biểu trong năm - những sự kiện gây ảnh hưởng đến toàn thế giới qua góc nhìn báo chí, như khủng bố, di dân, chiến tranh loạn lạc... Thế nhưng, bạn cũng có thể nhìn ra thế giới qua những mảnh ghép nhỏ hơn, để không chỉ thấy những sự kiện đã qua, mà còn thấy cả một phần tương lai của mình. 

Đọc E-paper

Putin lên lịch

Quyết tâm trong trận chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và đòn trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ khiến hình ảnh chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin hấp dẫn người Nga hơn bao giờ hết. Đa số người Nga (56%) đã gọi Tổng thống của mình là Nhân vật của năm, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Putin lên đến 90%.

Thậm chí, vị tổng thống quyền lực này còn là cảm hứng để các nhà sản xuất nước hoa đặt cho mùi hương mới "Leaders Number One" (Nhà lãnh đạo số 1). Đây cũng là lý do các nhà sản xuất lịch tự tin in 200 ngàn bản bộ lịch Putin 2016. Trong bộ lịch này, mỗi tháng có một bức ảnh đầy cảm hứng của nhà lãnh đạo quyền lực của nước Nga: ngực trần câu cá, vạm vỡ nâng tạ, dũng mãnh lặn biển, săn thú... (CNN)

Cần hai Trái đất

Nếu khai thác tài nguyên vượt quá khả năng tái tạo của Trái đất thì nơi cư ngụ của con người sẽ rơi vào trình trạng quá tải, không thể tái tạo đủ những gì con người khai thác. Global Footprint Network (GFN) cảnh báo như vậy khi đưa ra chỉ số "Dấu chân sinh thái của nhân loại" đã tăng 2% trong thời gian một năm, từ 2005 - 2006, và tăng 22% so với thập kỷ trước.

Mới chỉ sau chưa đầy 8 tháng, nhân loại đã sử dụng hết lượng tài nguyên trong 1 năm của Trái đất. Nguyên nhân là do dân số tăng và mức tiêu dùng trung bình cũng tăng theo. Các nhu cầu này có thể kể đến như: nhu cầu về rau củ quả, thịt, cá, gỗ, vải và quần áo, lượng khí thải CO­2... Nếu chúng ta tiếp tục sống với nhu cầu lớn hơn khả năng cung cấp được của Trái đất, thì đến năm 2030 phải cần đến hai Trái đất. (AFP)

Kết thúc kỷ nguyên than

Mỏ than Kellingley Colliery cuối cùng của nước Anh, đã đóng cửa vào những ngày cuối năm 2015, được mô tả là dấu hiệu kết thúc một "thời đại than đá”. Mỏ than này đóng cửa để đáp ứng mục tiêu của nước Anh là trước năm 2025 sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện chạy bằng than, kết thúc một ngành công nghiệp từng được coi là có tầm thiết yếu quốc gia.

Cũng như nước Anh, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, nhu cầu dùng than của thế giới trong năm 2014 đã giảm lần đầu tiên trong hai thập niên qua. Cụ thể, nhu cầu than trên thế giới trong năm 2014 giảm 0,9% so với năm 2013, xuống còn 7.920 triệu tấn. IEA cũng hạ dự đoán nhu cầu than trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 bớt đi hơn 500 triệu tấn quy đổi than và cho rằng "kỷ nguyên vàng" của than dường như đã qua. (CNN)

Châu Á, đất lành của nữ tỷ phú

Theo báo cáo của UBS/PwC, số lượng tỷ phú nữ châu Á tăng từ 3 trong năm 2005 lên 25 trong năm 2014, nâng tổng số nữ tỷ phú tại khu vực lên 145. Đáng chú ý là hơn một nửa trong số này là doanh nhân thế hệ đầu tiên, tự mình tạo dựng gia sản. Trong khi đó, có tới 81% nữ tỷ phú thành danh ở Mỹ là do kế thừa tài sản, và tỷ lệ này lên tới 93% ở châu Âu.

Báo cáo này cũng cho thấy, thế hệ doanh nhân thứ hai tại châu Á thường làm giảm giá trị của doanh nghiệp thế hệ đầu tiên tạo ra được. Để ngăn chặn điều này, các quyết định kinh doanh phải "chuyển từ phòng ăn sang phòng họp". Nghĩa là, các doanh nghiệp châu Á nên từ bỏ mô hình gia đình trị, thay vào đó phải áp dụng mô hình quản trị hiện đại hơn.

Tính chung, số nữ tỷ phú trên thế giới đã tăng 6,6 lần, từ 2 người vào năm 1995 lên 145 người vào năm 2014. Tuy nhiên, số nam tỷ phú vẫn cao hơn 5,2 lần so với số nữ tỷ phú, với tổng 1.202 người vào năm 2014. (Bloomberg)

Bác sĩ trực tuyến

Sáu lượt ghé thăm bác sĩ ở Mỹ có một lượt là được thực hiện trực tuyến trong năm qua. Vì thế, Công ty Deloitte và PricewaterhouseCoopers (PwC) dự báo, việc gặp bác sĩ qua mạng sẽ sớm phổ biến cùng với sự bùng nổ của internet và các thiết bị sức khỏe cá nhân. Đó là những chiếc đồng hồ, smartphone có khả năng ghi nhận nhịp tim, huyết áp và các chỉ số khác theo thời gian thực.

Tất cả thông tin này có thể được cập nhật nhanh chóng đến bác sĩ, giúp họ theo dõi chi tiết sức khỏe của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng biết chính xác mình đang đưa thuốc gì vào người và tác dụng ra sao...

Theo nghiên cứu của Hiệp hội GSMA, đến cuối thập kỷ này, cả thế giới sẽ có 9 tỷ kết nối di động, trong số đó có 6 tỷ kết nối được sử dụng trên smartphone. Đồng hồ thông minh và smartphone vì thế hứa hẹn có thể tạo nên cuộc "cách mạng y tế”, thay đổi hình thức mà Imhotep, dược sĩ đầu tiên trên thế giới, chế thuốc cho giới hoàng gia Ai Cập, cách đây khoảng 4.600 năm. (PwC)

Tự sướng không... sướng

Hiện số lượng người tử vong vì chụp hình "selfie" thậm chí còn cao hơn số người chết do bị cá mập tấn công. Mỗi năm trên toàn thế giới có trung bình 5 người chết vì bị cá mập cắn, một con số rất nhỏ, trong khi đã có khoảng 12 trường hợp được xác định là tử vong trong lúc đang chụp hình tự sướng mà nguyên nhân nhiều nhất là sơ ý trượt chân trong lúc tạo dáng.

Nguyên nhân nguy hiểm thứ hai khi đang "selfie" có thể làm chết người là không may bị xe đụng, hoặc cố tình chụp ảnh khi đang lái xe khiến tai nạn xảy ra. Thậm chí, hồi tháng 7 vừa rồi có một người đàn ông tên Fassler ở San Diego còn gan lỳ tới mức chụp ảnh "selfie" với rắn chuông và hậu quả là bị nó đớp trúng bắp tay, rất may là không thiệt mạng. (Reuters)

>Loạt smartphone chào năm mới 2016 của ZTE

>Đón gió lành cùng năm mới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới sẽ như thế nào trong năm mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO