Thế giới đổi trục quay

THANH TÂM| 04/05/2010 09:45

Những quốc gia đang phát triển đang đặt phương Tây vào thế đối đầu trong cuộc chiến về giá cũng như phát minh mới. Cuộc chiến này dẫn đến nhiều thay đổi trong hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Thế giới đổi trục quay

Những quốc gia đang phát triển đang đặt phương Tây vào thế đối đầu trong cuộc chiến về giá cũng như phát minh mới. Cuộc chiến này dẫn đến nhiều thay đổi trong hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Các nước phương Tây từng có chủ trương chuyển xưởng sản xuất sang phương Đông nhưng giữ lại các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, châu Á ngày càng lấn sân và không cho phương Tây giữ được ưu thế: không chỉ cung cấp nhân công dồi dào giá rẻ, châu Á còn liên tục đưa ra nhiều sản phẩm cải tiến trong ngành truyền thông, ngân hàng, sản xuất xe hơi, chăm sóc sức khỏe...

Nhóm các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đang thiết kế lại toàn bộ chu trình sản xuất - kinh doanh nhằm giảm 90% giá thành sản phẩm. Vì thế, thế giới có cơ hội chứng kiến xe hơi 3.000USD và laptop 300USD tràn ngập thị trường. Chiếc xe Nano của hãng Tata, Ấn Độ rẻ nhất thế giới, chỉ còn giá 2.000USD...

Không chỉ cạnh tranh trong sân sau nhà, các doanh nghiệp trẻ châu Á còn vươn ra thị trường thế giới. Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới của Liên Hiệp Quốc, có khoảng 21.500 công ty đa quốc gia đặt trụ sở chính tại các nước đang phát triển. Trong đó, nổi bật nhất là Bharat Forge, Ấn Độ, chuyên đúc khuôn; BYD, Trung Quốc, sản xuất pin; Embraer, Brazil, chuyên động cơ phản lực...

Năm 2008, Công ty Viễn thông Trung Quốc Huawei đăng ký bằng sáng chế nhiều nhất thế giới. Từ 2006 - 2008, số lượng công ty của BRIC lọt vào danh sách Finantial Times 500 doanh nghiệp hàng đầu, tăng từ 15 lên 62, gấp bốn lần.

Các nước giàu đang mất dần vị trí dẫn đầu về phát minh và sáng tạo công nghiệp. Các chuyên gia đã đúc kết ba nguyên nhân chính dẫn đến “sự đổi ngôi ngoạn mục” giữa Tây và Đông này. Một, khái niệm về phát minh đã thay đổi: không cần những sản phẩm mới do các bộ óc thiên tài xây dựng, phục vụ cho nhóm nhỏ nhà giàu, mà quan trọng là cải tiến tiện lợi và phù hợp với đông đảo tầng lớp bình dân...

Hai, các nước giàu tăng cường hoạt động R&D tại châu Á. Họ kỳ vọng trong vài năm tới, 70% tăng trưởng kinh tế thế giới đến từ những thị trường mới nổi và 40% số đó từ Trung Quốc, Ấn Độ. Các doanh nghiệp đứng đầu danh sách Fortune 500 (Mỹ) có 98 trung tâm R&D tại Trung Quốc, 63 tại Ấn Độ. Hãng GE tốn 50 triệu USD xây cơ sở R&D khổng lồ tại Bangalore, Ấn Độ. Cisco chi 1 tỷ USD xây đại bản doanh thứ hai trên thế giới tại Bangalore. Trung tâm R&D của Microsoft tại Bắc Kinh chỉ nhỏ hơn đại bản doanh ở Mỹ.

Ba, tự thân các quốc gia đang phát triển tìm thấy hướng đi cho mình. Những công ty địa phương ấp ủ nhiều giấc mơ khổng lồ và được dẫn dắt bởi tham vọng chinh phục thị trường thế giới, cũng như lo ngại bị những quốc gia nhỏ hơn như Việt Nam và Campuchia cạnh tranh quyết liệt.

Hơn thế nữa, vì thị trường châu Á vốn có nhiều khó khăn như thu nhập người dân bất ổn định, ô nhiễm môi trường, hỗ trợ của chính quyền kém, nạn ăn cắp bản quyền, hàng giả - hàng nhái tràn đồng..., nên các doanh nghiệp đành phải cố gắng “cái khó ló cái khôn” bằng cách giảm giá thành sản phẩm tối đa và cho ra đời phát minh mới liên tục.

Hàng hóa và dịch vụ giá rẻ cũng làm hài lòng những người tiêu dùng phương Tây đang gặp cảnh khốn khó vì thu nhập èo uột dạo gần đây. Những phát minh của châu Á giúp giảm giá hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn ngốn 17% GDP Hoa Kỳ... Nhật học kỹ thuật sản xuất hàng loạt của Mỹ rồi cải biến thành sản xuất tinh gọn để hướng dẫn lại cho những nhà sản xuất xe phương Tây. Ngày nay, các nước BRIC cũng đang đi theo con đường của Nhật để giúp tất cả thế giới giàu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới đổi trục quay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO