Thaksin làm “đại sứ thương mại”?

07/07/2011 08:49

Ngày 6/7, báo Bangkok Post dẫn nguồn một quan chức Đảng Puea Thai tiết lộ sau khi thành lập chính quyền liên minh và nội các, bà Yingluck Shinawatra sẽ bổ nhiệm anh trai mình làm “đại sứ thương mại” để quảng bá hàng hóa Thái Lan ở nước ngoài.

Thaksin làm “đại sứ thương mại”?

Ngày 6/7, báo Bangkok Post dẫn nguồn một quan chức Đảng Puea Thai tiết lộ sau khi thành lập chính quyền liên minh và nội các, bà Yingluck Shinawatra sẽ bổ nhiệm anh trai mình làm “đại sứ thương mại” để quảng bá hàng hóa Thái Lan ở nước ngoài.

Sự trở lại của ông Thaksin có thể dẫn tới làn sóng bạo động mới ở Thái Lan - Ảnh: Reuters

Nguồn tin này khẳng định ông Thaksin có thể hỗ trợ chính quyền bà Yingluck thúc đẩy thương mại mà không dính dáng trực tiếp đến chính trị trong nước. Vai trò này cũng sẽ cho phép ông Thaksin tự do đi lại khắp thế giới.

Đúng là trên thực tế, ông Thaksin có quan hệ tốt với quan chức nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng như lãnh đạo các nước. Kinh nghiệm thương mại, kinh doanh của ông cũng có thể giúp Thái Lan tăng cường quan hệ thương mại với các nước. Bangkok Post dẫn lời luật sư của ông Thaksin là Noppadon Pattama cho rằng thân chủ của mình có đủ phẩm chất để đảm nhận chức vụ đại sứ thương mại. “Đây không phải là một chức vụ chính trị. Nếu được bổ nhiệm, ông ấy có thể đi đến các nước khác bằng hộ chiếu do Montenegro cấp” - luật sư Noppadon nhấn mạnh.

Thông tin này đã lập tức gây xôn xao dư luận tại Thái Lan và vấp phải những phản ứng khá gay gắt. Bà Yingluck đã lập tức lên tiếng phủ nhận thông tin này. “Không có chức vụ nào cho Thaksin cả. Ông ấy chỉ đóng vai trò hỗ trợ tinh thần và tư vấn - AFP dẫn lời bà Yingluck - Ông ấy hoàn toàn ổn ở nước ngoài và không mong đợi một chức vụ nào”. Luật sư Noppadon cũng đổi giọng: “Thaksin có thể giúp đất nước với tư cách một công dân. Ông ấy không cần chức vụ”.

Trên thực tế, sau khi bà Yingluck và Đảng Puea Thai thắng cử, việc ông Thaksin có trở về nước và giữ một chức vụ trong chính quyền hay không đã trở thành chủ đề nhạy cảm và “nóng” nhất tại Thái Lan. Những người “áo đỏ” vốn vẫn xem ông là vị cứu tinh của Thái Lan nên đều muốn ông trở về. Trong khi đó, Đảng Dân chủ và những người “áo vàng” quyết liệt chống lại và cáo buộc chính quyền mới của Đảng Puea Thai là sẽ sớm đưa ra một lệnh ân xá để mở đường cho ông Thaksin trở về nước.

“Vấn đề là xem liệu ông Thaksin rồi đây có trở về Thái Lan hay không. Em gái ông ta rất có thể sẽ thúc đẩy quốc hội nước này thông qua một lệnh ân xá chính trị, bởi lẽ một trong những lời cáo buộc chính đối với ông Abhisit, thủ tướng vừa thất cử, là ông ta đã bỏ tù hàng trăm đối thủ của mình thuộc Đảng Puea Thai, khi nhân danh Luật an ninh nội địa và tội xúc phạm hoàng gia. Những người này tất sẽ được hưởng luật ân xá, nhưng chắc chắn lệnh ân xá này phải trả giá bằng một sự thỏa hiệp của quân đội, vốn sẽ chống lại sự trở về của Thaksin.

Trước mắt, tôi không nghĩ rằng bà Yingluck lại tự chuốc lấy nguy cơ cho mình vào lúc này để đưa anh trai về nước. Đó sẽ là mối đe dọa cho tính độc lập và hợp pháp của bà, bởi làm thế bà càng cho thấy bà lệ thuộc vào anh trai mình”.

SOPHIE BOISSEAU
(Nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm châu Á về khoa học chính trị của Pháp)

Từ khi tranh cử đến nay, bà Yingluck thường né tránh các câu hỏi liên quan đến sự trở về của ông Thaksin. Một số nguồn tin giấu tên từ Đảng Puea Thai cho biết đảng này sẽ đề xuất lệnh ân xá khi có đủ sự ủng hộ của trên 300 thành viên quốc hội mới, dù có phải chờ ít nhất hai năm.

Lý do là dễ hiểu, bởi nếu Puea Thai vội vã tìm cách đưa Thaksin trở lại hoặc bổ nhiệm ông vào một vị trí trong chính phủ, hầu như chắc chắn phe “áo vàng” sẽ lại đổ ra đường phố biểu tình. Sự ổn định mong manh mà chiến thắng vang dội của Puea Thai đem lại sau cuộc bầu cử ngày 3-7 sẽ bị phá vỡ. Quân đội chắc chắn cũng không muốn thấy kẻ bị họ lật đổ năm 2006 trở lại để báo thù, và hoàn toàn có thể sẽ lại nhảy vào can thiệp với một cuộc đảo chính mới lần thứ 19.

Do vậy, Puea Thai sẽ không dại gì để sớm “tự sát chính trị”, như nhận định của Charl Kengchon thuộc Viện nghiên cứu Kasikorn ở Bangkok được Reuters dẫn lại. Ông cho rằng trước mắt Puea Thai cần ưu tiên cho sự ổn định và thực hiện các cam kết kinh tế đã đưa ra khi tranh cử. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc ĐH Chulalongkorn cho rằng nhiệm vụ thiết yếu đối với bà Yingluck là cần tự tách mình xa ông anh trai và thuyết phục ông tiếp tục ở nước ngoài. Bà cần phải đình chỉ vô thời hạn lệnh ân xá cho ông Thaksin về nước. Một số nhà phân tích còn nhấn mạnh bà Yingluck cần phải cân bằng giữa lợi ích của Đảng Puea Thai với lợi ích quốc gia.

Để có thể hòa giải dân tộc, hàn gắn những rạn nứt trong xã hội, chắc chắn tân thủ tướng Thái Lan sẽ phải rất cẩn trọng khi giải quyết “vấn đề Thaksin”. Bất kỳ một động thái ưu ái nào đối với cựu thủ tướng bị lật đổ này, dù là bổ nhiệm một chức vụ thương mại, không dính dáng đến chính trị, cũng sẽ châm ngòi cho ngọn lửa bạo động và hỗn loạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thaksin làm “đại sứ thương mại”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO