Thách thức với Tập Cận Bình: Cải cách hay khủng hoảng?

08/10/2012 05:55

Thập kỷ tiếp theo chính là cơ hội cuối cùng để Trung Quốc theo đuổi cải cách và ông Tập Cận Bình sẽ phải tận dụng được điều đó.

Thách thức với Tập Cận Bình: Cải cách hay khủng hoảng?

Thập kỷ tiếp theo chính là cơ hội cuối cùng để Trung Quốc theo đuổi cải cách và ông Tập Cận Bình sẽ phải tận dụng được điều đó.

Nhóm chuyên gia kinh tế thân cận với chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra lời cảnh báo nước này đang đối mặt với tình trạng bất ổn về kinh tế kéo theo bất ổn về chính trị . Gánh nặng đang đè nặng lên đôi vai của thế hệ lãnh đạo tiếp theo với người đứng đầu được dự đoán là Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

“Mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ẩn chứa nhiều rủi ro”. Đây là nhận định trong 1 báo cáo vừa được công bố trên website của Strategy and Reform (Chiến lược và cải cách) – 1 nhóm chuyên gia kinh tế Trung Quốc bao gồm các học giả, lãnh đạo công ty, các nhà tư vấn chính sách và cả 1 số quan chức chính phủ.

Theo đó, nhóm chuyên gia này nhấn mạnh, thập kỷ tiếp theo có thể sẽ là cơ hội cuối cùng để Trung Quốc theo đuổi cải cách và do đó Trung Quốc phải tận dụng.

Trung Quốc đang cận kề với đại hội đảng gắn liền với cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng trong đó ông Tập Cận Bình sẽ trở thành người kế thừa đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Trong khi đó, nền kinh tế đang tiến tới tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Sự bất mãn với tình trạng tham nhũng tràn lan, lấn chiếm đất đai cùng với nhu cầu về phúc lợi xã hội chưa được thỏa mãn đang đe dọa sẽ gây nên những bất ổn xã hội.

Những người ủng hộ cải cách đang hối thúc ông Tập cắt bỏ những ưa ái dành cho khối doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho người dân di cư từ nông thôn ra thành phố có thể ổn định cuộc sống đồng thời sửa chữa hệ thống tài khóa để có thể khuyến khích các chính quyền địa phương giảm bớt hoạt động trưng dụng đất đai.

Theo nhận định của ông Đặng Duyệt Văn, nhà báo đang công tác tại Study Times – tờ báo trực thuộc trường Đảng Trung Quốc, những vấn đề mà Trung Quốc đang gặp phải không thể được giải quyết chỉ trong 1 thập kỷ. Tuy nhiên, các lãnh đạo Trung Quốc cần phải thể hiện rằng họ thực sự muốn cải cách và đang đi đúng hướng.

Ông Tập Cận Bình nhận thức được điều này?

Mới đây, sự đoàn kết gần đây của Đảng Cộng sản nước này trong việc trừng phạt chính trị gia Bạc Hy Lai đã nhen nhóm lên hy vọng cho rằng Tập Cận Bình sẽ có thể thực hiện cải cách mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia và những người đứng trong hàng ngũ Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Tập nhận thức được những gì phải làm. Tuy nhiên, liệu thế hệ lãnh đạo mới có đủ quyết tâm để hành động quyết liệt hay không lại là chuyện khác.

Trong khi đó, các cuộc chuyển giao quyền lực trước đây cũng đã từng nhóm lên hi vọng sự thay đổi lớn sẽ đến với Trung Quốc, thậm chí bao gồm cả tự do chính trị. Tuy nhiên, cuối cùng thì mọi thứ chẳng có gì thay đổi.

Trước khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lên nhậm chức hồi cuối năm 2002, ông cũng đứng trước lời kêu gọi phải thực hiện những thay đổi đầu tham vọng. Một số chuyên gia phân tích còn mô tả ông với hình ảnh 1 người lãnh đạo cấp tiến với các hành động cải cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông Hồ Cẩm Đào lại tỏ ra là 1 người đầy thận trọng và có phần bảo thủ.

Do đó, 1 số người tỏ ra hoài nghi về tham vọng cải cách của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, 1 số chuyên gia khác lại cho rằng kỳ vọng cải cách đối với ông Tập là lớn hơn và cấp thiết hơn so với 10 năm trước.

Lợi thế để thực hiện cải cách

Rất nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng nếu như không có cải cách, đến cuối thập kỷ này, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ xuống đến mức gần 5%/năm – chỉ bằng 1 nửa so với mức trung bình 10% trong suốt thời kỳ từ năm 1978 đến nay. 1978 chính là năm mà Đặng Tiểu Bình bắt đầu thực hiện chương trình cải cách.

Justin Lin, giáo sư đến từ đại học Bắc Kinh, trong 2 thập kỷ tới, Trung Quốc có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng 8% với điều kiện họ áp dụng được các chính sách đúng đắn.

Trong khi đó, Tập Cận Bình lại có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện cải cách. Với vị thế “thái tử”– con trai của 1 cựu lãnh đạo thân cận với Mao Trạch Đông, ông Tập sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn so với 2 người tiền nhiệm với lý lịch tốt hơn rất nhiều.

Hơn nữa, kinh nghiệm lãnh đạo các miền duyên hải cũng có thể khiến ông Tập trở thành người có xu hướng mở cửa và cấp tiến.

Thời gian gần đây, Tập Cận Bình cũng đưa ra những dấu hiệu cho thấy ông hiểu rằng các biện pháp cải cách đang được mong chờ. Trong một cuộc nói chuyện với Hồ Đức Bình, con trai của nhà cải cách Hồ Diệu Bang, Tập Cận Bình cho biết ông khuyến khích cải cách 1 cách vững chắc.

Những lời đồn đại cho rằng Ban thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc muốn rút số thành viên từ 9 người xuống chỉ còn 7 người cũng là dấu hiệu phản ánh mong muốn quá trình đưa ra các chính sách được rút ngắn.

Tất nhiên, Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi cố gắng thay đổi khu vực nhà nước đang hùng mạnh với các tập đoàn nhà nước khổng lồ vốn đang được hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi. Ông Tập cũng phải thích nghi với 2 người tiền nhiệm – Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân – những người vẫn sẽ có tiếng nói mang đầy trọng lượng đối với các cải cách về mặt chính trị.

Theo Yao, Chủ tịch Viện nghiên cứu Unirule, trong lịch sử chính trị Trung Quốc chưa bao giờ có tình trạng như hiện nay. Chắc chắn, sự chênh lệch giữa kỳ vọng của xã hội và cấu trúc chính trị sẽ xuất hiện.

Tuy nhiên, đối với lần này, nếu như kỳ vọng không được đáp ứng, những lỗ hổng về cả kinh tế, chính trị và xã hội sẽ lớn hơn bao giờ hết và như vậy ông Tập sẽ lâm vào tình thế hết sức khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thách thức với Tập Cận Bình: Cải cách hay khủng hoảng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO