![]() |
Pháp, Đức - hai đất nước được xem là ngọn cờ đầu của Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua là tâm điểm của những cuộc tấn công tàn sát.
"Thế giới đang trong một cuộc chiến bởi vì nó lạc mất hòa bình. Đó là cuộc chiến vì lợi ích, là cuộc chiến kim tiền, một cuộc chiến vì các nguồn năng lượng thiên nhiên, cuộc chiến để thống trị con người. Một số người sẽ nghĩ đó là chiến tranh tôn giáo. Không phải như vậy. Tất cả các tôn giáo đều mong muốn hòa bình. Những người khác muốn chiến tranh", đài CNN ngày 28/7 dẫn lời Giáo hoàng Francis trên chuyến đi đến Krakow (Ba Lan).
Châu Âu trong tâm bão
Phát biểu của Giáo hoàng Francis xuất hiện sau một vụ tấn công tại nhà thờ nổi tiếng của Pháp ở thị trấn Saint-Etienne-du-Rouvray, vùng Normandy ngày 26/7. Những kẻ tấn công đã đột nhập nhà thờ, bắt giữ 6 người và giết chết một vị linh mục, được xác định là cha Jacques Hamel, năm nay 86 tuổi.
Reuters ngày 29/7 cho hay cảnh sát Pháp cho biết kẻ khủng bố thứ hai tên Abdel Malik Petitjean, 19 tuổi. Trước đó, danh tính của kẻ khủng bố thứ nhất đã được xác định là Adel Kermiche, cũng 19 tuổi. Vụ việc này diễn ra chỉ vài ngày sau vụ xả súng ở thành phố Munich, bang Bavaria của Đức làm 9 người chết. Nó được cho là lời cảnh báo đanh thép về tình hình an ninh của Pháp và châu Âu nói chung.
Các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra và chưa ai chắc chắn về động cơ của những vụ việc vừa qua, nhưng nó vẫn đáng sợ vì cách thức thực hiện. Trong vụ ở nhà thờ Pháp, nghi phạm đã hạ sát vị linh mục bằng việc cắt cổ họng, một hình thức man rợ và thường thấy nơi tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Ở vụ Munich, nghi phạm cũng đánh bom liều chết.
Các nhà điều tra gọi đây là hình thức tấn công khủng bố theo kiểu "sói đơn độc". Theo đó, các nghi phạm học tập cách làm của các tổ chức khủng bố, sử dụng ít người, công cụ không chuyên nghiệp và bất chấp tính mạng bản thân.
Cách thức này sẽ gây khó khăn cho cơ quan an ninh vì rất khó phát hiện đâu là kẻ muốn khủng bố, đâu là người bình thường. Từ trong bóng tối, những phần tử khủng bố hoặc mang tư tưởng khủng bố đang gây bất an cho người dân, từ đó tác động lên chính phủ các nước.
Bất ổn do đâu?Dân chúng bày tỏ sự tiếc thương với linh mục Jacques Hamel - người bị sát hại tại nhà thờ ở Saint-Etienne-du-Rouvray, vùng Normandy, Pháp hôm 26/7 - Nguồn: Lemonde
Ý đồ của IS trong việc đánh bại châu Âu ngay trong lòng châu Âu đã thể hiện rõ và ngày càng dày đặc, qua các vụ khủng bố ở Paris, Nice, và cả Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng lo hơn, các cuộc khủng bố ấy bản thân nó cũng đóng vai trò trong việc "khơi dậy cảm hứng" cho những vụ việc tương tự, mà IS sử dụng để tuyên truyền tư tưởng của họ.
Chính vì thế, chuyện khủng bố không còn đơn thuần xuất phát từ chủng tộc hay tôn giáo nữa. Các phần tử này thường có gốc gác ở Trung Đông, như nghi phạm Abel Kermiche được biết đã từng muốn đến Syria đầu quân cho IS nhưng thất bại.
Tại sao một số lượng lớn người châu Âu - chủ yếu thanh thiếu niên, lại muốn đầu quân cho IS? Đây đang là câu hỏi nhức nhối cho nhà cầm quyền các nước. Khi thế giới chấn động bởi vụ tấn công Paris hồi tháng 11/2015, báo AnhThe Telegraph đã lý giải rằng, bối cảnh xã hội và sự bất công chính là một nguyên nhân.
Theo đó, việc người Pháp có tâm lý nghi ngại đã sinh ra sự không công bằng trong đối xử với người đạo Hồi, khiến người xuất thân đạo Hồi khó được hạnh phúc, sinh ra thù oán. Thù oán ấy kéo theo khủng bố và tái tạo mối nghi ngại trong lòng người Pháp, tất cả hợp thành một vòng xoáy thù hận không lối thoát.
Chính vì thế, khi lên tiếng về vụ tấn công tại nhà thờ - trước đây là địa điểm đóng quân của đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít năm 1944 - gồm nhiều linh mục sẵn sàng tử vì đạo, Giáo hoàng Francis cho rằng vấn đề không chỉ là khủng bố. Chưa chắc các nghi phạm vừa qua muốn lập công với IS hay bất kỳ tổ chức nào, mà đơn giản họ có thể chỉ đang nuôi dưỡng quá nhiều thù hằn, trong đó có sắc tộc, tôn giáo, pha lẫn những bức bối xã hội.
>Khủng bố - "Kẻ hủy diệt" ngành du lịch của nhiều quốc gia
>Bỉ thiệt hại gần 1 tỷ USD vì loạt vụ khủng bố ở Brussels
>Dư âm vụ khủng bố tại Paris