Rào cản cuối cùng trong đàm phán TPP

LAM HỒNG| 07/05/2015 06:09

Đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã gần đi đến đích nhưng rào cản tại nơi khởi phát đàm phán này là Mỹ vẫn chưa được dỡ bỏ.

Rào cản cuối cùng trong đàm phán TPP

Đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã gần đi đến đích nhưng rào cản tại nơi khởi phát đàm phán này là Mỹ vẫn chưa được dỡ bỏ.

Đọc E-Paper

Tổng thống Barack Obama sẽ ký một trong các giao dịch thương mại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đây là hiệp định với 12 quốc gia tham gia, chiếm 40% GDP và một phần ba thương mại của thế giới.

Dự báo, đến năm 2025, TPP sẽ mang lại cho kinh tế thế giới 220 tỷ USD mỗi năm. Các khía cạnh địa - chính trị của thỏa thuận TPP gần như không phải tranh cãi khi Mỹ đang xoay trục về châu Á, giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng ở châu lục phát triển năng động nhất hiện nay.

Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh quân sự nhằm đe dọa các nước láng giềng và đang cố gắng để xây dựng ảnh hưởng trong khu vực với các dự án cơ sở hạ tầng như Ngân hàng Đầu tư Châu Á, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố hoàn toàn ủng hộ việc sớm hoàn tất đàm phán về TPP.

Thậm chí, ông còn ví việc có TPP sẽ "quan trọng như có thêm một chiếc tàu sân bay" để thông qua đó gia tăng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đồng minh và những đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đảng Cộng hòa và Tổng thống Obama lập luận rằng, bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu, thỏa thuận TPP sẽ làm cho nước Mỹ giàu có hơn. Theo Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế, đến năm 2025, TPP sẽ làm tăng thu nhập của Mỹ 0,4% mỗi năm.

Khảo sát của Gallup cho thấy 58% người Mỹ coi TPP là một cơ hội và chỉ có 33% xem nó như là một mối đe dọa. Thậm chí, tỷ lệ cử tri Đảng Dân chủ về khía cạnh tích cực của TPP đã tăng từ 36% lên 61%.

Tuy nhiên, nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán TPP đã gặp trở ngại khi các nhà lập pháp của đảng Dân chủ tìm cách ngăn chặn.

Các chính trị gia của đảng Dân chủ đưa ra các lo ngại rằng hàng nhập khẩu từ các nước có chi phí thấp như Việt Nam sẽ làm tổn thương người lao động Mỹ trong các ngành công nghiệp như ô tô và dệt may.

Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren cho rằng: "Obama đang nói dối sự thật về TPP". Bà Warren đã viết: "Chính phủ không muốn người khác đọc được thỏa thuận thương mại lớn này, và hiện nay đây vẫn là vấn đề tuyệt mật. Tại sao vậy? Câu trả lời tôi nhận được là nếu người dân Mỹ thấy được nội dung (của TPP), họ sẽ phản đối".

Ngay cả cựu Ngoại trưởng, ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016, bà Hillary Clinton cũng tỏ ý không đồng tình, cho rằng mọi hiệp định thương mại với nước ngoài trước hết phải tạo ra được việc làm, làm tăng đồng lương và sự thịnh vượng cho người dân Mỹ.

Thực tế, rất khó để đổ lỗi cho các giao dịch thương mại này. Mỹ không có thỏa thuận tự do thương mại với Ấn Độ, nhưng nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.

Đảng Dân chủ thấy Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), do cựu Tổng thống Bill Clinton ký vào năm 1993, là một thảm họa đối với người lao động của Mỹ.

Mặc dù vậy, cho đến nay, các nhà kinh tế đều thống nhất rằng NAFTA không ảnh hưởng nhiều đến thị trường lao động tại Mỹ. Tổng thống Obama lý giải: "Chúng ta sẽ không ngăn cản kinh tế thế giới ngay trước cửa nhà mình được. Đó là một phản xạ xấu. Chúng ta cũng không thể cứ mãi quay lại nhìn quá khứ được".

Để thuyết phục thêm, Tổng thống Mỹ đưa con số 95% người tiêu dùng trên thế giới nằm ở bên ngoài nước Mỹ và các thị trường đang phát triển mạnh nhất hiện nay nằm ở châu Á.

Cuối tháng 4, Tiểu ban Tài chính Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép tổng thống được quyền tiến hành các cuộc đàm phán về hiệp định tự do trao đổi mậu dịch theo "Thủ tục nhanh - Fast track", khiến TPP tiến gần hơn tới hiện thực.

Khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có thẩm quyền phê chuẩn hoặc không phê chuẩn TPP mà không có quyền sửa chữa, điều chỉnh các điều khoản đó.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.

Dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật "Quyền thúc đẩy thương mại" (TPA) vào đầu tháng 5, trong khi các đại diện thương mại của 12 nước tham gia đàm phán TPP sẽ nhóm họp vào cuối tháng 5.

>Đại sứ Mỹ: TPP sẽ đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư, đối tác số 1 của Việt Nam
>TPP giúp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp, cải thiện chất lượng sản phẩm
>TPP: Năng lực cạnh tranh là yếu tố quyết định
>TPP: Khoảng trống về "thao túng tiền tệ"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rào cản cuối cùng trong đàm phán TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO