Quyền lực chuyển từ Tây sang Đông

HÀ CÚC| 25/09/2009 07:09

Các nền kinh tế đang phát triển đang nắm trong tay nhiều sức mạnh để thể hiện quyền quyết định trong những vấn đề toàn cầu.

Quyền lực chuyển từ Tây sang Đông

Các nền kinh tế đang phát triển đang nắm trong tay nhiều sức mạnh để thể hiện quyền quyết định trong những vấn đề toàn cầu.

Một năm sau cuộc khủng hoảng, kinh tế thế giới đang có chiều hướng dần phục hồi. Hiện nay, kinh tế thế giới đặt nhiều hy vọng vào nhóm nước mới trỗi dậy, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, những nước đã tìm lại được tăng trưởng kinh tế, trong lúc các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn chưa dám khẳng định suy thoái đã kết thúc. Vì vậy, các nước đang phát triển muốn thể hiện và khẳng định thế và lực mới tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Pittsburgh (Mỹ) (diễn ra vào 24 và 25/9). Tại đây, lãnh đạo các nước châu Á đặt ra yêu cầu phải có tiếng nói có trọng lượng hơn đối với những vấn đề tài chính toàn cầu.

Nhóm G20 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và Indonesia tin rằng, những thay đổi mới trên bản đồ kinh tế thế giới sẽ dẫn tới vị thế mới về địa chính trị Đông - Tây. Trung Quốc, với tiềm lực kinh tế và quân sự đang lên sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi quyền lực này.

Hồi tháng 6, lãnh đạo các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã tới Yekaterinburg (Nga) tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 9. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ gặp vô vàn khó khăn và đồng USD ngày càng mất giá, sự hợp tác trong SCO đang đẩy khối kinh tế này phát triển ở mức mạnh mẽ nhất thế giới và đồng rúp lẫn đồng nhân dân tệ được xem xét để trở thành đồng tiền dự trữ chung cho cả thế giới. SCO đang thực sự tạo ra cơ hội để thay đổi cán cân quyền lực thế giới. Thay đổi trật tự thế giới mới cũng là điều được truyền thông quốc tế nhắc nhiều trong hội nghị các bộ trưởng tài chính và giám đốc ngân hàng trung ương của G20 ở London mới đây.

Quyền lực của các nước đang phát triển tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng được tăng cường với việc chấm dứt tình trạng chỉ Mỹ và châu Âu luân phiên nắm chức vụ lãnh đạo của hai tổ chức này. Nhưng thay đổi lớn nhất ở IMF sẽ xảy ra sau 2011, là lúc xem lại cơ cấu bỏ phiếu. Nó có thể khiến Mỹ mất quyền phủ quyết, trong khi Trung Quốc và các nước đang lên khác có tiếng nói lớn hơn. Đổi lại, Trung Quốc được yêu cầu cho IMF vay số tiền dự trữ của họ. Người ta cũng sẽ thúc đẩy để đưa SDR thành loại tiền thực, thay thế đô la Mỹ.

Những thay đổi về vai trò và khả năng của IMF mang tính lịch sử và có lẽ là kết quả quan trọng nhất từ hội nghị G20.
Hiện nay, châu Á và các nền kinh tế đang phát triển đóng vai trò quyết định tới đàm phán tự do thương mại toàn cầu. Châu Á cũng đối mặt với những câu hỏi về biến đổi khí hậu khi không đạt các mục tiêu cắt giảm khí thải. Pittsburgh đánh dấu là cơ hội cuối cùng của các nhà lãnh đạo thế giới tạo ra lực đẩy mới trước hội nghị của Liên Hiệp Quốc diễn ra vào tháng 12 tới tại Copenhagen, Đan Mạch. Các nước hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận mới thay thế Nghị định Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012.

Với chừng đó sức mạnh, Ấn Độ cùng với Brazil, Nga và Trung Quốc hy vọng hội nghị Pittsburgh sẽ đánh dấu sự thay đổi quyền biểu quyết tại IMF và WB cho các nước đang phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyền lực chuyển từ Tây sang Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO