Phát triển trí tuệ nhân tạo: Trung Quốc muốn vượt Mỹ

LÊ DUY| 06/12/2017 03:35

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ với tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới về công nghệ, mà trong đó, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là ưu tiên hàng đầu.

Phát triển trí tuệ nhân tạo: Trung Quốc muốn vượt Mỹ

“Giúp” Tổng thống Mỹ sành sỏi tiếng Trung

Với lộ trình phát triển được vạch sẵn và việc chính phủ đầu tư mạnh mẽ cho AI, các startup công nghệ Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này. Một trong số những doanh nghiệp thành công nhất với AI có thể kể đến là iFlytek. Tại một buổi tọa đàm nằm trong thời gian chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Donald Trump, iFlytek đã thể hiện sự vượt trội của mình qua một đoạn clip ghi lại cảnh Tổng thống Mỹ nói tiếng Trung sành sỏi như người bản xứ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là việc giọng của ông Donald Trump trong đoạn video lại là sản phẩm được tạo ra bởi AI. Đoạn clip dài chưa đến 1 phút thực ra chỉ là bản demo giới thiệu khả năng tổng hợp giọng nói đáng kinh ngạc của iFlytek.

Hiện, trong mắt cánh truyền thông Trung Quốc, công ty chuyên về AI này vừa là nhà cách tân công nghệ vừa là đồng minh với chính phủ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. iFlytek cho biết, công nghệ của mình có thể theo dõi một chiếc xe hơi hay một căn phòng chật kín người mà vẫn phát hiện chính xác giọng nói từ một cá nhân cụ thể, và lưu lại tất cả những gì người đó nói ra.

Chức năng phát hiện hình ảnh và giọng nói bằng AI của iFlytek có thể hỗ trợ các bác sĩ chẩn bệnh, giúp giáo viên chấm thi và khiến các bác tài điều khiển xe hơi qua giọng nói. Nhiều công ty đa quốc gia cũng bày tỏ sự ấn tượng của mình với iFlytek. Delphi, nhà cung cấp ô tô lớn ở Mỹ, đã đưa sản phẩm của iFlytek vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Volkswagen cũng đang lên kế hoạch lắp đặt hệ thống phát hiện giọng nói từ iFlytek vào xe hơi của mình trong năm sau.

Ngoài ra, iFlytek còn có một phòng thí nghiệm chuyên phát triển hệ thống giám sát giọng nói cho lực lượng an ninh nội địa Trung Quốc. Hồi tháng 10, một nhóm hoạt động vì nhân quyền đã chỉ ra rằng công ty này đang giúp Chính phủ Trung Quốc thành lập hệ thống cơ sở dữ liệu sinh trắc giọng nói mà sẽ được sử dụng để theo dõi các nhà hoạt động cũng như những đối tượng khác.

Chính mối liên hệ mật thiết với chính phủ thế này đã giúp iFlytek cũng như nhiều công ty khác có ưu thế cạnh tranh hơn hẳn trong lĩnh vực AI.

Hậu thuẫn từ chính phủ

Sự hỗ trợ về mặt tài chính cũng như các quy định về quyền riêng tư có phần lỏng lẻo ở Trung Quốc đang giúp cho nhiều công ty tương tự như iFlytek tiếp cận với một nguồn dữ liệu sinh trắc học khổng lồ.

Phát triển trí tuệ nhân tạo: Trung Quốc muốn vượt Mỹ doanhnhansaigon

iFlytek có một phòng thí nghiệm chuyên phát triển hệ thống giám sát giọng
nói cho lực lượng an ninh nội địa Trung Quốc

Tháng 11 qua, một chuyên viên phân tích tại cơ sở nghiên cứu Sanford C. Bernstein cho biết, “luật quy định về quyền riêng tư ở Trung Quốc không quá khắt khe như tại phương Tây và người dân nước này cũng không phản đối mấy khi dữ liệu sinh trắc của họ bị thu thập, vì việc chính phủ giám sát thông tin là điều đương nhiên”.

Thế nên, các công ty Trung Quốc có ưu thế hơn hẳn đối thủ nước ngoài. Điển hình như việc iFlytek đã hoàn toàn chiếm thế thượng phong ở hạng mục phát hiện giọng nói và dịch thuật. Hay như năm nay, một startup tên Yifu đã giành giải nhất trong một cuộc thi lớn về nhận diện khuôn mặt được tổ chức bởi Chính phủ Mỹ. Chính iFlytek cùng nhiều công ty khác cũng nói rằng số lượng người sử dụng công nghệ khổng lồ tại Trung Quốc và việc chính phủ đặt mục tiêu dẫn đầu lĩnh vực AI đang tạo đòn bẩy tốt cho họ.

Chủ tịch iFlytek, ông Liu Qingfeng nói: “Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên AI cùng với Mỹ. Tuy nhiên, nhờ số lượng người sử dụng công nghệ lớn và chính sách từ quốc gia, AI sẽ phát triển nhanh hơn tại Trung Quốc và lan tỏa ra toàn thế giới”.

Link bài viết

Theo tờ The Global Times, năm ngoái, iFlytek đã giúp cảnh sát xác định những tay lừa đảo viễn thông và nhờ đó ngăn chặn việc mất gần 75 triệu USD. Bài báo cũng dẫn lời một nhân viên an ninh rằng việc thu thập dữ liệu giọng nói cũng giống như tìm dấu vân tay hay quay hình người khác bằng camera giám sát, do đó không vi phạm quyền riêng tư. Tổng giám đốc bộ phận kinh doanh ô tô của iFlytek, ông Liu Junfeng nói: “Chúng tôi đang hợp tác cùng Bộ Công an để truy tìm tội phạm”.

Tuy nhiên, nguồn dữ liệu mà iFlytek có được là từ đâu ra thì vẫn chưa được công bố rõ ràng. Được biết, một trong những ông chủ của iFlytek là China Mobile, doanh nghiệp cung cấp mạng điện thoại có vốn nhà nước với hơn 800 triệu thuê bao. iFlytek đã gắn sản phẩm của mình lên hàng triệu chiếc điện thoại của China Mobile và đảm nhiệm vận hành luôn cả số điện thoại đường dây nóng cho nhà mạng này. Và, khi được hỏi về nguồn dữ liệu thì China Mobile đã từ chối trả lời.

Trở thành đối tác của các ông lớn ô tô

Bên cạnh an ninh, iFlytek tin rằng ô tô cũng là một thị trường béo bở. Hiện, Trung Quốc đang xúc tiến phát triển xe tự lái, vốn phụ thuộc phần lớn vào công nghệ phát hiện giọng nói. Tháng 9 vừa rồi, iFlytek đã cho ra mắt một sản phẩm mới, được gắn trực tiếp vào bảng đồng hồ của xe hơi để nghe câu hỏi từ tài xế, giống như Siri của Apple vậy.

Christoph Ludewig, phát ngôn viên tập đoàn Volkswagen cho biết vài trăm ngàn trong số 4 triệu chiếc xe được bán hằng năm tại thị trường Trung Quốc của hãng này sẽ được lắp thiết bị phát hiện giọng nói từ iFlytek. Volkswagen cũng cho biết dữ liệu của tài xế sẽ hoàn toàn được ẩn danh. Ông Ludewig nói: “ Volkswagen sẽ bảo vệ khách hàng khỏi việc bị lạm dụng thông tin”.

Delphi, nhà cung cấp linh kiện xe hơi Mỹ, thì nói bản thân có mối quan hệ với iFlytek để đưa dịch vụ của mình sang Trung Quốc nhưng lại từ chối tiết lộ chi tiết thương vụ này. Ông Liu Junfeng thì nói vào năm sau, sản phẩm của iFlytek sẽ được lắp đặt trên một số chiếc xe Jeep bán tại Trung Quốc và công ty đang phát triển hệ thống nhận định giọng nói của mình với Daimler, chủ nhân của Mercedes-Benz.

Tuy nhiên, Fiat Chrysler - chủ sở hữu của Jeep lại cho biết rằng không có bất kỳ nhà cung cấp nào của mình sử dụng iFlytek cả. Ngoài ra, một nữ phát ngôn viên của Daimler nói rằng công ty này thường xuyên thảo luận với các nhà cung cấp tiềm năng, nhưng nếu nghe thấy cái tên iFlytek thì sẽ từ chối.

Ở góc độ khác, các nhóm hoạt động nhân quyền đang lo lắng rằng sự phát triển nhanh chóng của AI sẽ bị lạm dụng. Không bị “lung lay” trước những phản ứng của các tổ chức này, iFlytek cho biết việc thu thập dữ liệu sẽ không dừng lại, đặc biệt là khi nó đang đóng góp cho quá trình phát triển xe ô tô tự lái của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển trí tuệ nhân tạo: Trung Quốc muốn vượt Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO