Pháp xem xét thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên

Nguồn Dân Trí| 10/11/2009 08:59

Trong khuôn khổ chuyến thăm Bình Nhưỡng, đặc phái viên của Tổng thống Pháp về vấn đề Triều Tiên hôm nay đã có cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Triều Tiên...

Pháp xem xét thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên

Trong khuôn khổ chuyến thăm Bình Nhưỡng, đặc phái viên của Tổng thống Pháp về vấn đề Triều Tiên hôm nay đã có cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Triều Tiên, nhằm tìm kiếm khả năng thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kung Sok Ung (phải) đón đặc phái viên Jack Jang tại sân bay ở Bình Nhưỡng ngày 9/11.

Theo một đoạn hình ảnh do đài truyền hình APTN tại Bình Nhưỡng đăng tải, Ngoại trưởng Pak Ui Chun đã bắt tay đón tiếp đặc phái viên Pháp Jack Lang và phái đoàn của ông trước khi họ ngồi xuống đàm phán.

Ông Lang là cựu Bộ trưởng văn hóa và được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bổ nhiệm là đặc phái viên về Triều Tiên. Theo APTN, ông đã gọi cuộc đón tiếp của Ngoại trưởng Pak là “giây phút lớn lao”.

Tuy nhiên, sau đó không bên nào có bình luận gì về nội dung các cuộc thảo luận giữa họ.

Trước đó, ông Lang cho hay sứ mệnh của ông trong chuyến đi 5 ngày tới Bình Nhưỡng (bắt đầu từ thứ 2) là để xem xét khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Triều Tiên. Pháp hiện là một trong hai nước châu Âu duy nhất (nước kia là Estonia) không có mối quan hệ chính thức với Triều Tiên. Ngoài ra, ông Lang cũng cho hay ông sẽ tìm kiếm khả năng thảo luận về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đã bị các nước phương Tây cô lập vì tham vọng hạt nhân của nước này. Đầu năm nay, Triều Tiên đã bị Hội đồng Bảo an LHQ ra lệnh trừng phạt vì thử tên lửa tầm xa, thử thiết bị hạt nhân dưới lòng đất và bắn thử hàng loạt tên lửa.

Nước này đã từ bỏ bàn đàm phán 6 bên về giải giáp hạt nhân để phản ứng lại chỉ trích và lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã “cởi mở” hơn, đề xuất đàm phán song phương trực tiếp với Washington. Hai nước Mỹ, Triều Tiên, ở hai chiến tuyến trong Cuộc chiến Triều Tiên 1950-53, không có mối quan hệ ngoại giao.

Mỹ cho hay họ sẽ đồng ý họp song phương, nhưng chỉ khi cuộc họp đó dẫn đến việc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên.

Tại Washington, 2 quan chức Mỹ cho biết chính quyền Obama đã quyết định nhận lời đề nghị của Triều Tiên và đã cử đặc phái viên của Tổng thống Obama về vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Bosworth, tới Bình Nhưỡng để đàm phán trực tiếp. 2 quan chức tiết lộ tin này vào cuối ngày hôm qua ở Washington yêu cầu được giấu tên, do quyết định vẫn chưa được công khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Pháp xem xét thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO