“Osin” ở Singapore: Bụt chùa nhà không thiêng

NGUYỄN THẾ TUẤN (từ Singapore)| 17/04/2013 01:40

Giúp việc nhà là một nghề phổ biến của lao động nước ngoài tại Singapore. Một thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ người giúp việc nhà tại Sing trên tổng dân số là 1/7 (hay cứ 7 gia đình người Singapore thì sẽ có 1 gia đình có người giúp việc).

“Osin” ở Singapore: Bụt chùa nhà không thiêng

Giúp việc nhà là một nghề phổ biến của lao động nước ngoài tại Singapore. Một thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ người giúp việc nhà tại Sing trên tổng dân số là 1/7 (hay cứ 7 gia đình người Singapore thì sẽ có 1 gia đình có người giúp việc).

Bất chấp Chính phủ Singapore đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích các gia đình sinh thêm nhiều con, dân số Singapore vẫn đang theo xu hướng ngày một già đi và tỷ lệ sinh ở mức rất thấp. Theo số liệu được Bộ Lao động Singapore công bố năm 2012, số lao động giúp việc nhà đã là 208.400 người và ngày càng tăng trong thời gian tới.

Tại Singapore, người giúp việc đến từ nhiều quốc gia châu Á đang phát triển gồm: Ấn Độ, Banglades, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines và sắp tới đây là cả Campuchia. Việc tuyển dụng người giúp việc sang Singapore theo một qui trình khá chặt chẽ, được thực hiện bởi các công ty chuyên môi giới tuyển dụng người giúp việc (Maid Agency) có giấy phép hành nghề của Bộ Lao động Singapore. Tất cả các “osin” đều phải từ 23 tuổi trở lên, vượt qua kỳ sát hạch tiếng Anh, kiểm tra sức khỏe và các tiêu chuẩn khác mới có thể được xét tuyển dụng.

Người giúp việc ở Singapore thường được ký hợp đồng lao động dạng “Work Permit” với chủ nhà trong thời gian 02 năm. Lao động từ các nước khác nhau sẽ có mức thu nhập khác nhau, dao động từ 230 đô-la đến 420 đô-la Singapore (SGD)/tháng. Sự chênh lệch về mức lương phụ thuộc bởi các yếu tố như kinh nghiệm, xuất xứ. Thậm chí Indonesia qui định luôn mức lương tối thiểu mà người lao động của họ được nhận khi đi giúp việc nhà tại nước ngoài.

Chủ nhà - tức người sử dụng lao động cũng bắt buộc phải vượt qua bài kiểm tra do Bộ Lao động Singapore tổ chức trực tuyến. Bài kiểm tra có các bộ câu hỏi về trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động, qui tắc ứng xử với người giúp việc và với nhà nước. Ai có chứng chỉ đã hoàn thành khóa học mới được tuyển người giúp việc. Phí trung bình phải trả cho công ty môi giới là 1.600 SGD cho một người giúp việc.

Người dân Sing vẫn nói vui với nhau trong lúc ngồi quán café rằng, chính phủ Singapore là chính phủ chỉ biết quan tâm đến tiền. Họ than phiền chính phủ cho phép lao động nước ngoài đến Sing thật nhiều chỉ để thu thuế hay còn gọi là “levy”. Hậu quả là người nước ngoài sang chiếm hết chỗ làm của họ. Nói vậy, nhưng thực tế dân Sing hiện nay có tâm lý phổ biến là chọn việc “ngon” và “sang”. Giúp việc nhà, làm việc ở chỗ không có điều hòa… đa phần bị dân Sing chê. Họ thất nghiệp và quay sang chì chiết chính phủ là không bảo vệ công dân.

Bên cạnh việc cho phép người giúp việc nước ngoài vào làm việc, chính phủ Singapore vẫn có chính sách ưu tiên đối với các gia đình có con dưới 12 tuổi hoặc cha mẹ già từ 65 tuổi trở lên. Mỗi gia đình thuộc diện này sẽ được hỗ trợ 200 SGD/tháng để trả công cho người giúp việc. Riêng ở chính sách này, có lẽ không có chính phủ nào thuộc khu vực Đông Nam Á theo được.

Thuế (levy) đối với người giúp việc do chủ nhà trả. Khoản thuế thân này hiện ở mức 295 SGD/tháng, tương đương mức lương của “Osin” nhà họ. Theo số liệu mới đây được công bố trên tờ Straits Times, riêng số người giúp việc người Indonesia tại Singapore đã lên đến con số 120.000. Nhờ đó, mỗi năm chính phủ Singapore thu về con số khổng lồ là hơn 600 triệu SGD mỗi năm. Con số trên cũng đủ chứng minh việc dân Singapore chỉ trích chính phủ “mê tiền” cũng không có gì là quá đáng.

Cũng có nhiều chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” xảy ra với người giúp việc giống bất kỳ nơi nào, nhưng làm “maid” ở Singapore vẫn là sự lựa chọn của rất nhiều chị em các nước lân cận. Vào ngày thứ Bảy hay Chủ nhật, nếu bạn đến con phố mua sắm danh tiếng Orchard Road đoạn từ Lucky Plaza sẽ thấy đông đặc phụ nữ ngồi tán gẫu. Nhiều người trong số họ chính là “osin” được nghỉ cuối tuần theo luật lao động ở đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Osin” ở Singapore: Bụt chùa nhà không thiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO