Nỗi lo bong bóng dotcom thứ hai

02/04/2014 07:28

Thời vàng son của cổ phiếu công nghệ là tháng 2/2000 khi cổ phiếu ngành này được giao dịch với mức giá cao ngất ngưỡng. Lịch sử đang lặp lại, nhưng liệu bong bóng dotcom lần này có sớm xì hơi giống như năm 2000?

Nỗi lo bong bóng dotcom thứ hai

Thời vàng son của cổ phiếu công nghệ là tháng 2/2000 khi cổ phiếu ngành này được giao dịch với mức giá cao ngất ngưỡng. Lịch sử đang lặp lại, nhưng liệu bong bóng dotcom lần này có sớm xì hơi giống như năm 2000?

Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào 4 lĩnh vực: mạng xã hội, công nghệ sinh học, thanh toán/bán lẻ trực tuyến và một loạt các công nghệ phần cứng mang tính đột phá.

Hiện nay, các công ty công nghệ như Facebook, Twitter, Arm Holdings, Tesla… đang được giao dịch với mức giá cao không thể tin nổi. Facebook đã trả 19 tỉ USD cho WhatsApp, tương đương 354 triệu USD cho mỗi nhân viên.

Số công ty được định giá cao - tức được định giá gấp hơn 20 lần lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) ước tính và hơn 10 lần doanh số bán lẫn giá trị sổ sách - đang ở mức cao nhất kể từ vụ xì hơi bong bóng dotcom vào năm 2000.

Nhà đầu tư phấn khởi

Việc các nền kinh tế ảm đạm trong nhiều năm liền đã khiến cho nhà đầu tư không biết bám víu vào đâu. Vì thế, họ đã xem cổ phiếu công nghệ mới như động lực tăng trưởng. “Nhà đầu tư giờ đang hy vọng và mơ tưởng nhiều hơn là quan tâm đến các rủi ro và lẽ đương nhiên họ sẽ đặt kỳ vọng vào ngành công nghệ”, Mark Haefele, người đứng đầu mảng đầu tư tại UBS Wealth Management, nhận xét.

Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào 4 lĩnh vực: mạng xã hội, công nghệ sinh học, thanh toán/bán lẻ trực tuyến và một loạt các công nghệ phần cứng mang tính đột phá như xe ôtô chạy bằng điện của Telsa, công nghệ in 3D và bộ vi xử lý giá rẻ của Arm.

Điều đáng chú ý là câu chuyện về các công ty công nghệ lần này không phải là sự lặp lại của bong bóng dotcom năm 2000. Thời kỳ đó, các công ty niêm yết chỉ cần gắn thêm đuôi .com vào tên của mình thì giá cổ phiếu đã tăng tới 74% chỉ trong vòng 10 ngày, theo một cuộc khảo sát thời hậu bong bóng dotcom. Các kế hoạch kinh doanh được viết trên khăn trải bàn cũng thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm.

Ngược lại, các công ty ngày nay đều có doanh thu thực sự và đang tăng trưởng tốt. Amazon, chẳng hạn, có doanh thu năm 2013 tăng 22%, đạt 74,45 tỉ USD, trong khi lợi nhuận hoạt động tăng 10% đạt 745 triệu USD. Triển vọng ngành công nghệ cũng sáng sủa, hứa hẹn kết quả kinh doanh tốt hơn trong tương lai.

Các mạng xã hội giờ có hàng trăm triệu người sử dụng (Facebook đã đạt con số hơn 1 tỉ người dùng). Công nghệ sinh học đã cho ra một số kết quả ban đầu, chứ không chỉ là những lời hứa hẹn. Tương lai của xe ôtô chạy điện cũng xán lạn hơn.

Rõ ràng, tăng trưởng của cổ phiếu ngành công nghệ là thực. Tuy nhiên, có một câu hỏi cần đặt ra là liệu các nhà đầu tư có quá hào hứng với cổ phiếu dotcom mà trả cao hơn giá trị thực của chúng.

“Thị trường đang đói các ý tưởng có thể mang lại tăng trưởng. Chúng ta đang quay trở lại các năm 1996, 1997 khi thị trường bước sang một câu chuyện mới”, Alain Bokobza, đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu của Société Générale, nhận xét.

Thế nhưng, điều đó không có nghĩa nhiều trong số các công ty công nghệ thời nay rồi sẽ thất bại hay tất cả các công ty đó đều đã bị định giá quá cao. Pierre Lagrange, đồng sáng lập quỹ đầu cơ GLG, cho rằng có triển vọng lớn đối với nhiều loại cổ phiếu mang tính đột phá như Facebook.

Nhưng ông cũng khuyến cáo việc ngày càng nhiều nhà đầu tư bám víu vào các ý tưởng lớn như “Đại dữ liệu” có nghĩa là bất kỳ công ty nào không đạt được kỳ vọng của họ về doanh thu thì sẽ hứng chịu kết cục không mấy đẹp đẽ (cổ phiếu sẽ rớt giá thê thảm, chẳng hạn).

Ai thực ai hư?

Nhiều nhà quản lý quỹ đang vứt bỏ các công cụ định giá truyền thống. Họ không còn chú trọng đến chỉ số lợi nhuận như EPS hay tốc độ tăng trưởng khi đánh giá doanh nghiệp. Thay vào đó, họ ước đoán một công ty có thể nắm được bao nhiêu % tổng mức vốn hóa thị trường trong vòng 10 năm tới.

Theo một nhà quản lý quỹ đầu cơ (không muốn nêu tên), nếu có 10% cơ hội rằng Telsa có thể giành được 10% giá trị thị trường của ngành ôtô thì mức giá giao dịch cổ phiếu hiện tại của Telsa là hợp lý (ông Lagrange lại tỏ ý nghi ngờ về cách lập luận này).

Một điệp khúc thường xuyên của nhà đầu tư là nếu một công ty có thể tăng trưởng như cách của Google thì nó trị giá cao hơn nhiều so với giá cổ phiếu hiện tại. Không ít người cho rằng cổ phiếu công nghệ mới sẽ là kẻ phá bĩnh đối với công ty truyền thống, khiến cho các công ty này không thể “chống trả” nổi, như cách Facebook đã làm đối với các mạng xã hội ra đời trước đó. Một số cổ phiếu có thể là “hiện thân” của Google trong mảng bán lẻ hoặc sản xuất ôtô; còn những cổ phiếu khác sẽ có thể giống như những tờ vé số trật.

Vậy làm sao để nhận diện đâu là “những tờ vé số trật”, đâu là cổ phiếu đáng giá thực sự? Lấy một ví dụ của mạng xã hội. Các nhà đầu tư khi đổ xô mua vào cổ phiếu Facebook hay Twitter đều tin rằng mạng xã hội là tương lai của ngành quảng cáo nhờ vào lực lượng người sử dụng trung thành lên tới hàng trăm triệu người. Chính niềm tin này đã khiến cho kỳ vọng về giá cổ phiếu Facebook, Twitter càng cao hơn, nhất là khi các công ty đang tăng trưởng tốt.

Doanh số bán tại Facebook, chẳng hạn, đã tăng 55% đạt gần 8 tỉ USD năm 2013. Doanh thu của Twitter cũng tăng hơn gấp đôi, đạt 665 triệu USD.

Cả hai công ty này đều đã gia tăng được thị phần trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu. Mặc dù vậy, một câu hỏi đặt ra là Facebook sẽ phải chiếm bao nhiêu % thị trường thì mới có thể đáp ứng được kỳ vọng cao của nhà đầu tư.

Các chuyên gia phân tích Phố Wall dự đoán đến năm 2017, Facebook sẽ đạt doanh số bán khoảng 23 tỉ USD và có mức EPS là 2,86 USD/cổ phiếu. Cả doanh số bán lẫn lợi nhuận đều đạt mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) khoảng 30%. Với mức giá cổ phiếu hiện tại khoảng 71 USD, Công ty đã được định giá gấp 25 lần EPS. Đây cũng không phải là con số kỳ vọng quá cao.

Nếu 20 tỉ USD doanh số bán của Facebook đến từ quảng cáo và chi tiêu thị trường quảng cáo kỹ thuật số vẫn tiếp tục tăng (hãng nghiên cứu eMarketer dự báo chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu năm 2017 là 179 tỉ USD, tăng từ mức 119,5 tỉ USD của năm 2013), Facebook sẽ phải giành cho được 11% thị trường. Hiện tại, Facebook nắm giữ 6%. Điều đó có vẻ không phải là một nhiệm vụ quá khó khăn đối với một công ty đang có 1,2 tỉ USD người sử dụng hằng tháng.

Đối với Twitter, doanh số bán dự kiến năm 2017 ở mức 4 tỉ USD, tương đương mức tăng trưởng kép hằng năm CAGR 60% và chỉ chiếm 2% thị phần trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số, so với con số 0,5% hiện tại. Thế nhưng, hiện nay, cổ phiếu Twitter lại được định giá gấp 50 EPS dự kiến năm 2017. Đây là một kỳ vọng khá cao, rất khó đạt được. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng Twitter dù gì vẫn là một công ty trẻ hơn Facebook, hơn nữa thị trường quảng cáo kỹ thuật số đủ lớn có thể giúp Twitter tạo ra mức tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, không ai dám chắc rằng những năm tiếp theo, không xuất hiện một kẻ phá bĩnh khiến cho Facebook hoặc Twitter phải lao đao. Sự biến mất của mạng xã hội MySpace là một ví dụ. Liệu Facebook và Twitter có cùng chung số phận với MySpace? “Liệu sẽ có những người một ngày nào đó tỉnh giấc và nhận thấy mình đã để lòng tham trấn át nỗi sợ hãi?”, ông Haefele, UBS Wealth Management, nhận xét.

>Chuyên gia lo ngại về bong bóng cổ phiếu Facebook
>Google, Apple, Facebook gây náo loạn Phố Wall

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi lo bong bóng dotcom thứ hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO