Nhãn hàng Trung Quốc đổ xô đến Anh làm thương hiệu

16/10/2012 06:58

Không nhằm mục đích thu hút người bản địa, các công ty Trung Quốc sẵn sàng chi hàng chục triệu USD xây cửa hàng tại nước ngoài chỉ để tăng danh tiếng của mình tại quê nhà.

Nhãn hàng Trung Quốc đổ xô đến Anh làm thương hiệu

Không nhằm mục đích thu hút người bản địa, các công ty Trung Quốc sẵn sàng chi hàng chục triệu USD xây cửa hàng tại nước ngoài chỉ để tăng danh tiếng của mình tại quê nhà.

Cửa hàng của Bosideng tại London (Anh)

London (Anh) luôn là điểm đến hấp dẫn với nhà giàu Trung Quốc chuộng hàng xa xỉ. Hãng thời trang lớn nhất Trung Quốc - Bosideng đã mở cửa hàng đầu tiên tại London vào tuần trước. Tuy nhiên, mục đích của họ không phải là thu hút khách hàng Anh, mà là tăng danh tiếng trên thị trường quốc tế cho Bosideng.

Ông Gao Dekang - nhà sáng lập kiêm chủ tịch của công ty này cho biết: "Tham vọng của chúng tôi là trở thành một nhãn hàng nổi tiếng. Và London chính là kinh đô thời trang của thế giới".

Với gần 11.000 cửa hàng tại Trung Quốc, Bosideng được coi là "Marks & Spencer" của nước này. Để thành công tại châu Âu, Gao đang tìm cách nâng thương hiệu của mình lên tầm cao cấp để cạnh tranh được với các nhãn hàng như Hugo Boss.

Năm ngoái, lợi nhuận của công ty này là 418 triệu bảng (672 triệu USD). Bosideng đã trích ra tới 30 triệu bảng đầu tư cho một cửa hàng ở Mayfair (trung tâm London). Họ còn dự định liên kết với một công ty Italy để thâm nhập thị trường này vào năm sau, đồng thời hoàn tất việc mua một cửa hàng trên Fifth Avenue (New York, Mỹ).

Bằng cách này, Gao hy vọng có thể tăng vị thế của mình trong mắt du khách Trung Quốc đến Anh hơn là thu hút khách hàng bản địa. Từ đó, khi quay về, những người này sẽ lại tích cực lui tới các cửa hàng của hãng ở Trung Quốc.

Paul French, nhà phân tích kinh tế Trung Quốc tại Hãng nghiên cứu Mintel (Anh) cho biết: "Hành động phóng tay này chỉ để chứng tỏ họ là dân chơi. Bosideng muốn tạo ra hình ảnh một nhãn hàng quốc tế cho mình, kể cả khi họ thực sự không phải vậy".

Ông cho biết công ty sữa Trung Quốc Yili cũng có hành động tương tự tại Olympics London vừa qua. Để thu hút khách nước mình, họ đã đặt hàng loạt quảng cáo viết bằng tiếng Trung trên nhiều xe bus tại đây.

Nhiều công ty Trung Quốc khác cũng rục tịch theo chân Bosideng đến London. Gao cho biết trong những ngày qua, ông đã gặp rất nhiều đại diện hãng bán lẻ nước mình đến đây học hỏi kinh nghiệm mở cửa hàng tại Anh.

Ông Tom Troubridge tại hãng kiểm toán PwC cho biết số lượng công ty Trung Quốc nhắm đến thị trường Anh ngày càng tăng. Troubridge nói: "Mỗi tuần, chúng tôi tiếp nhận khoảng hai đến ba yêu cầu tư vấn, nhiều gấp 4 lần so với 5 năm trước. Nhu cầu đặc biệt cao tại phân khúc hàng cao cấp, từ ôtô đến túi xách, thời trang nữ và rượu. Không phải vì họ nhận thấy có cơ hội phát triển tuyệt vời tại Anh, mà chỉ đơn giản là họ muốn mang danh tiếng của chúng về Trung Quốc".

Các công ty Trung Quốc đang nhắm tới khách hàng cao cấp trong nước để cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, Troubridge cho biết các công ty này thường yếu về thiết kế, sáng tạo và đột phá.

Trong khi đó, thương hiệu rất quan trọng trong nhận thức về chất lượng của người giàu Trung Quốc. Đó là lý do tại sao 90% quần áo của Bosideng được làm tại Anh.

Tuy nhiên, các hãng bán lẻ không phải là những doanh nghiệp duy nhất tìm cách tiếp cận người Trung Quốc ở nước ngoài. Troubrigde tiết lộ một khách hàng Trung Quốc còn muốn ông tư vấn cách mua một chuỗi khách sạn tại Anh để đáp ứng nhu cầu du lịch đang lên ở nước này. Họ cho rằng người Trung Quốc sẽ thoải mái hơn nếu ở trong những khách sạn do người nước mình sở hữu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhãn hàng Trung Quốc đổ xô đến Anh làm thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO