Ngân hàng của Trung Quốc đe dọa vị thế của Mỹ?

GIANG LANG| 19/03/2015 05:21

Ba nước châu Âu gồm Đức, Pháp và Ý tuyên bố họ sẽ gia nhập dự án thành lập Ngân hàng Phát triển hạ tầng Châu Á của Trung Quốc (AIIB), theo hãng tin Reuters ngày 17/3.

Ngân hàng của Trung Quốc đe dọa vị thế của Mỹ?

Bằng nhiều cách, Mỹ đang tích cực đẩy sức ép về dự án Ngân hàng Phát triển hạ tầng Châu Á (AIIB) của Trung Quốc, trong bối cảnh AIIB đang ít nhiều phản ánh việc Mỹ mất dần sức ảnh hưởng tới tài chính thế giới.

Ba nước châu Âu gồm Đức, Pháp và Ý tuyên bố họ sẽ gia nhập dự án thành lập AIIB, theo hãng tin Reuters ngày 17/3. Như vậy sau nước Anh, bộ ba nền kinh tế châu Âu nói trên đã giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của AIIB, vốn trước đó có 26 thành viên, chủ yếu ở châu Á và Trung Đông như Bắc Kinh báo cáo hồi đầu năm nay.

Kình địch của Mỹ

Tạp chí Financial Times nhận xét AIIB có cách hoạt động tương tự Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Như vậy, nếu IMF là tổ chức do Mỹ dẫn đầu, AIIB chính xác là một đối trọng do Trung Quốc lập nên.

Nói cách khác, báo chí quốc tế đã xem việc bốn nước châu Âu đồng ý gia nhập AIIB là một đòn đau cho Mỹ trên bàn ngoại giao. Châu Âu vốn là đồng minh của Mỹ, nhưng giờ các nền kinh tế lớn nơi đây đang “quay lưng” với Mỹ.

“Uy tín và tầm ảnh hưởng của chúng tôi trên trường quốc tế đang bị đe dọa”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew thừa nhận, “Không phải bỗng dưng các nền kinh tế mới nổi đi tìm cơ hội đầu tư ở nơi khác. Họ đang thất vọng vì sự trì trệ của Mỹ trong việc cải cách IMF”.

Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi (BRICS) muốn có tiếng nói lớn hơn tại IMF, trong khi Mỹ với những khúc mắc do sự trì trệ từ đảng Cộng hòa, không thể cung cấp giải pháp cải cách quyền bỏ phiếu cần thiết.

Ngoài việc “tự bắn vào chân”, Mỹ cũng được cho là đã không đúng khi cố tình đương đầu với Trung Quốc trong các dự án của Bắc Kinh, thay vì tham gia và ở gần hơn để kiểm soát.

Ted Truman, cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề quốc tế, cho biết chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã mắc lỗi chiến thuật trong việc cố gắng phớt lờ AIIB.

"Mỹ ở mức độ nào đó đang rút khỏi thế giới và sự thật rằng vai trò của chúng ta trên thế giới sẽ tiếp tục co lại và rất khó để chúng ta chấp nhận nó”, ông nói trên Financial Times.

Tích cực phản kháng

Tầm vóc của AIIB với riêng Mỹ trong cuộc đua tranh giành sức ảnh hưởng kinh tế toàn cầu được thể hiện qua chính sự quan tâm của Washington về dự án này.

Ngày 17/3, Reuters dẫn tin từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết ông Jack Lew đã “nhắc nhở” các đồng minh châu Âu rằng hãy “cẩn trọng trước lúc ký vào thỏa thuận hợp tác cùng AIIB”.

Washington đặt nghi vấn về khả năng quản trị của Trung Quốc tại AIIB, cũng như các vấn đề về bảo vệ môi trường, xã hội.

Sau đó một ngày, Mỹ tuyên bố sẽ hợp cùng Nhật và Liên minh châu Âu (EU) gây sức ép lên Trung Quốc qua những đòi hỏi về an ninh mạng trong mạng lưới ngân hàng, theo Reuters.

Vấn đề “an ninh mạng” tại Trung Quốc là một cái cớ hợp lý để Mỹ xoáy vào. Đơn giản việc này không liên quan đến AIIB, nhưng là điểm tranh cãi trong khâu bảo đảm an ninh ngân hàng mà Trung Quốc phải cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo đó, chính sách bảo mật của Trung Quốc đang được xem là rào cản kỹ thuật cho các công ty nước ngoài. Chính sách này được hiểu là chống khủng bố, tuy nhiên nó khiến nhiều công ty công nghệ nước ngoài, đặc biệt Mỹ, không có chỗ đứng.

“EU quan ngại về sự thiếu minh bạch trong việc phát triển các biện pháp và các tác động tiềm năng đối với các công ty của EU”, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết.

Những tranh cãi pháp lý sẽ mất nhiều thời gian để có câu trả lời sau cùng. Có điều ngay từ lúc này, việc Trung Quốc kéo được các đồng minh châu Âu của Mỹ, trong đó có Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là một thành quả mà Bắc Kinh đang tạm dẫn trước trong cuộc đối đầu địa chính trị với Mỹ thông qua kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng của Trung Quốc đe dọa vị thế của Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO