Netflix: Không dễ nhân danh tiện ích cho người dùng

BÍCH TRÂM| 24/05/2017 06:26

Tính năng mới của Netflix cho phép khán giả bỏ qua phần giới thiệu mở đầu của một số bộ phim nhất định bị đánh giá là thiếu tôn trọng lịch sử phim ảnh.

Netflix: Không dễ nhân danh tiện ích cho người dùng

Tính năng mới của Netflix cho phép khán giả bỏ qua phần giới thiệu mở đầu của một số bộ phim nhất định bị đánh giá là thiếu tôn trọng lịch sử phim ảnh. 

Đọc E-paper

Hồi đầu tháng 5 này, Netflix cho ra mắt một tính năng mới cho dịch vụ truyền hình của mình. Theo đó, khán giả có thêm sự lựa chọn là bỏ qua loạt tiêu đề chuyển động mở đầu (title sequences), với nội dung thường bao gồm tựa đề, nhà sản xuất, đạo diễn, dàn diễn viên... của một số bộ phim điện ảnh nhất định.

Cụ thể, khi nhấn nút "Play", người xem sẽ thấy lựa chọn "Skip Intro" hiện lên ở góc dưới bên phải màn hình. Mặc dù khán giả không bị buộc phải lựa chọn tính năng này, nhưng đây là một đề xuất hấp dẫn, vì họ có thể tiết kiệm được vài phút trong quá trình xem phim.

Trên thực tế, Netflix đã bắt đầu cung cấp tính năng này cho các chương trình phim truyền hình nhiều tập hồi tháng 3, và không ai phàn nàn gì về nó. Vì khi đã xem nhiều tập của một phim truyền hình trong suốt các dịp cuối tuần, việc xem đi xem lại phần giới thiệu mở đầu có thể sẽ là một "gánh nặng" với người xem.

Lúc đó, Netflix khá khôn khéo khi chỉ mới áp dụng tính năng này cho những chương trình truyền hình do Hãng tự sản xuất. Còn những chương trình khác vẫn giữ nguyên cách làm cũ.

Tuy nhiên, chức năng mới này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới làm điện ảnh, một phần vì nó xuất hiện một cách "ngẫu hứng" chứ không phải trong toàn bộ các bộ phim điện ảnh.

"Có thể bỏ qua 3 phút mở đầu phim Forrest Gump với hình ảnh ẩn dụ của một chiếc lông chim bay trong gió, 30 giây đầu nhiều ý nghĩa của Cướp biển vùng Caribbean hoặc không bắt đầu thưởng thức bộ phim kinh điển E.T. theo cách mà đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg mong muốn. Mặt khác, bạn lại không thể bỏ qua phần tương tự khi xem phim The African Queen hoặc Schindlers List. Có một phương pháp chung nào giải thích cho cách làm "ngẫu hứng" này không? Hay Netflix chỉ áp dụng tính năng mới cho những bộ phim kinh điển, được quá nhiều người biết đến? Chúng ta chỉ có thể suy đoán, vì các nhà điều hành Netflix vốn rất kín tiếng về các số liệu", nhà phê bình phim Noah Gittell nêu vấn đề trong một bài viết trên The Guardian.

>>Thị trường điện ảnh: Cuộc chiến giữa các vị... phát hành

Noah Gittell cho rằng, khi bỏ qua phần giới thiệu đầu phim, khán giả đang bỏ qua một thứ có nhiều giá trị nghệ thuật. Theo đó, phần nội dung này là một "con đường độc đáo và đầy màu sắc để giới thiệu về bộ phim" và "xứng đáng được xem như một hình thức nghệ thuật". Trong nửa đầu thế kỷ XX, phần giới thiệu đầu phim chỉ được thể hiện đơn giản giống như những trang đầu của một quyển sách.

Chúng chỉ đơn thuần thể hiện danh sách tên diễn viên và những người tham gia vào quá trình làm phim mà không kèm theo bất kỳ hiệu ứng hay tính chất, màu sắc đặc trưng gì.

Tuy nhiên vào năm 1955, mọi thứ đã thay đổi khi đạo diễn Otto Preminger nhờ nhà thiết kế đồ họa Saul Bass thiết kế loạt tiêu đề chuyển động trong phần giới thiệu mở đầu cho bộ phim The Man with the Golden Arm, kể về cuộc đấu tranh vượt qua cơn nghiện ma túy của một nghệ sĩ nhạc jazz. Đạo diễn Otto Preminger tin rằng "sự gắn kết của khán giả với một bộ phim nên được bắt đầu từ những khuôn hình đầu tiên".

Đáp ứng thành công yêu cầu của vị đạo diễn, Saul Bass trở thành người đầu tiên đảm nhận phần việc thể hiện ý nghĩa của một bộ phim ngay từ lúc giới thiệu ban đầu - nhiệm vụ chưa hề có tiền lệ tính đến thời điểm đó. Từ đó, Saul Bass tiếp tục làm việc với nhiều đạo diễn điện ảnh danh tiếng khác và tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến các nhà thiết kế tiêu đề chuyển động mở đầu phim sau này.

Ngày nay, tinh thần nghệ thuật của Bass vẫn có thể được cảm nhận qua một số bộ phim sinh động của đạo diễn Steven Spielberg, chẳng hạn như Catch me if you canThe adventures of Tintin. Sau Bass, nhà thiết kế David Fincher là một trong những bậc thầy nổi tiếng trong lĩnh vực đặc biệt này.

Nếu hàng loạt tiêu đề chuyển động mở đầu phim sắp bị "khai tử", quyết định ra mắt tính năng mới lần này của Netflix giống như một triệu chứng hơn là nguyên nhân, Noah Gittell nhận định. Bởi trong nhiều thập kỷ qua, các phần giới thiệu đầu phim đã dần bị thu hẹp thời lượng.

Trong số 9 bộ phim được đề cử Oscar 2017 ở hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất, chỉ có mỗi phim Lion là có phần mở đầu dài hơn thời lượng dùng để giới thiệu tên phim. Moonlight - tác phẩm giành chiến thắng cuối cùng, thậm chí còn không có phần mở đầu mà ngay lập tức dẫn khán giả vào thẳng nội dung.

Nhà phê bình Gittell cho rằng, việc xem một bộ phim cũ mà không có loạt tiêu đề mở đầu cũng giống như việc xóa đi lịch sử của chính nó, hoặc "bóp méo" nó cho phù hợp với xu hướng xem phim hiện đại ngày nay.

"Chúng ta không thể nào rút ngắn thời lượng một vở kịch của Arthur Miller lại một vài phút hay rút gọn bức tranh Mona Lisa lại một vài inch. Các phương tiện truyền thông ngày nay được thiết kế để mở rộng sự chú ý của con người theo chiều rộng chứ không phải theo chiều sâu. Và phim ảnh - loại hình nghệ thuật đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn từ khán giả - đang gặp khó khăn trong "cuộc chiến" tranh giành sự chú ý này", Noah Gittell nói.

>>Những bài toán đau đầu của điện ảnh xứ kim chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Netflix: Không dễ nhân danh tiện ích cho người dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO