Mỹ và Iran: “Ai vung gậy, ai dâng cà rốt”?

THANH TÂM| 09/10/2009 08:20

Phương Tây đang co cụm đối phó với loạt thử tên lửa có đầu đạn hạt nhân của Iran, tiếp tục kéo căng sự đối đầu căng thẳng giữa Washington và Tehran 30 năm qua.

Mỹ và Iran: “Ai vung gậy,   ai  dâng cà rốt”?

Phương Tây đang co cụm đối phó với loạt thử tên lửa có đầu đạn hạt nhân của Iran, tiếp tục kéo căng sự đối đầu căng thẳng giữa Washington và Tehran 30 năm qua.

“Đột biến” - ngoại giao hay đường bay tên lửa?

Liên tiếp trong hai ngày 26 và 28/9, Iran lần lượt bắn thử tên lửa tầm ngắn và tầm xa. Tên lửa đất đối đất tầm xa Sanjjil-2 và Shahab-3 đều có thể chứa đầu đạn hạt nhân và bắn xa đến 1.300 - 2.000km... Theo lý thuyết, với những tên lửa này, Iran có đủ sức mạnh để tấn công căn cứ quân sự Mỹ tại Trung Đông, những thành phố châu Âu như Moscow, Athens và miền Nam nước Ý... Đây rõ ràng là hành động tuyên chiến với yêu cầu của phương Tây đòi Iran công khai chương trình hạt nhân.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili (giữa) tới phiên họp tại Geneva

Mahmoud Ahmadinejad cứ nhã nhặn hứa hẹn đủ điều, nhưng khi cần thì bắn tên lửa gần xa đủ kiểu. Còn chính quyền Obama hẳn có cảm thấy sự nhân nhượng của mình bị lợi dụng, nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn là đe dọa bằng lời. Trước đó, ông Obama đã tham dự cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa quan chức Mỹ và Iran kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao cách đây gần 30 năm. Với Hoa Kỳ, dưới thời của Tổng thống Barack Obama, nhiều nhà bình luận hy vọng chính sách Trung Đông và Iran của Washington sẽ tạo đột biến. Nhưng tại nước đối thủ là Israel trong vùng, chiến thắng bầu cử của phe thiên hữu Likud và trung hữu Kadima không tạo điều kiện dễ dàng cho chính sách "tan băng" với Tehran.

Chương trình hạt nhân của Iran cũng đe dọa tất cả các nước phương Tây. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thẳng thừng tuyên bố, nếu Iran không ngừng việc phát triển cơ sở hạt nhân, thì thế giới sẽ không khoan nhượng. Ông kêu gọi: “Chúng ta không thể chậm trễ vì máy ly tâm làm giàu uranium vẫn tiếp tục hoạt động”. Thủ tướng Anh còn bộc lộ vẻ khó chịu khi phát biểu căn cứ bí mật của Iran là “hành động lừa dối suốt nhiều năm nay”, và “thế giới sẽ không ngại coi Iran như kẻ thù”. Thậm chí, Nga, quốc gia vốn phản đối việc xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ tại Trung Đông, cũng đồng ý: Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA cần gửi điều tra viên đến Iran ngay. Tổng thống Dmitry Medvedev nói: “Những biện pháp trừng phạt ít khi đem lại kết quả như ý, nhưng đôi khi, đó là chuyện không thể tránh khỏi”. Duy chỉ có Trung Quốc là phản ứng nhẹ nhàng nhất, kêu gọi giải quyết bằng đối thoại hòa bình. Nước này không muốn trừng phạt một quốc gia vốn là nhà cung cấp dầu lửa hàng đầu và là nguồn lợi chính trong các khoản đầu tư liên quan tới năng lượng của Bắc Kinh.

P5+1 = mềm mỏng trước uranium

Chính quyền Obama đang chuẩn bị kế hoạch nhằm cắt đứt các quan hệ về kinh tế của Iran với phần còn lại của thế giới, nếu như cuộc hội đàm hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc thế giới thất bại. Cuộc họp cấp cao diễn ra ngày 1/10/2009 tại Geneva (Thụy Sĩ), giữa Iran và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức (5+1) thu hút nhiều quan tâm của dư luận. Giới quan sát đánh giá đây là một cuộc trắc nghiệm quan trọng về thái độ của Iran sau khi quốc gia này công bố đã có địa điểm làm giàu chất uranium thứ hai tại Qom.

Theo Reuters, Iran xác nhận tới dự cuộc họp Genève với thiện chí tìm cách thoát khỏi bế tắc hiện nay của hồ sơ hạt nhân. Washington mong muốn cuộc họp lần này là cơ hội cải thiện mối quan hệ với Tehran. Ngoại trưởng Pháp đang thăm Moscow cũng cho biết ý muốn đối thoại thay vì trừng phạt và hy vọng lần này hội nghị Genève sẽ thành công. Giọng điệu hòa giải trong cuộc thảo luận giữa Iran và nhóm P5+1 dường như làm giảm bớt căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các đồng minh phương Tây của Washington.

Theo tính toán của các chuyên gia, Iran có thể làm giàu uranium rồi chế tạo bom nguyên tử trong vài tháng, nhưng chưa thể đạt kỹ thuật làm đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, chính các chuyên gia đã từng dự đoán, đến những năm 2015 - 2020, Iran mới có thể phóng tên lửa tầm xa...

Trong một động thái được coi là quan trọng, một quan chức Mỹ cho biết, Iran đã đồng ý “trên nguyên tắc” cho phép gửi uranium của nước này đến Nga để tiếp tục chế tạo. Số uranium này sau đó sẽ được đưa trở lại Iran dưới dạng thích hợp cho sử dụng tại một lò phản ứng, nhưng không dưới dạng có thể chế tạo được bom. Tehran cũng tuyên bố sẽ mở cửa cơ sở làm giàu uranium gần thành phố linh thiêng Qom để thanh sát viên Liên Hiệp Quốc đến kiểm tra trong vài tuần tới.

Vụ bắt con tin năm 1979 và cuộc chiếm đóng Đại sứ quán Mỹ ở Tehran đã làm nổ ra mâu thuẫn kéo dài giữa Iran với Mỹ. Sau đó, Iran chịu sức ép đến từ lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Công dân Mỹ bị cấm không được làm ăn với Iran, và các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào ngành dầu khí Iran cũng không nhận được tín dụng từ Mỹ. Quyết định xây cơ sở hạt nhân bí mật của Iran là thách thức trực tiếp đến Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Tổng thống Mỹ Barack Obama hậu thuẫn, đồng thời gây sức ép trực tiếp khiến Mỹ phải từ bỏ các chính sách bất lợi đối với Iran.

Iran khẳng định có nhà máy hạt nhân phục vụ cho mục đích dân sự ở cách phía Nam thành phố thánh Qom. Nhưng hình chụp từ vệ tinh trong tháng 9, cung cấp bởi DigitalGlobe và GeoEye, lại cho thấy, cách phía Bắc Qom 20 dặm có giếng thông hơi và trạm tên lửa đất đối không. GlobalSecurity.org nghiên cứu hình ảnh chụp Iran từ vệ tinh hơn 5 năm nay và tuyên bố: Căn cứ bí mật này đào sâu vào núi, lớn cỡ một sân bóng đá, có sức chứa 3.000 máy ly tâm tinh chế uranium, và luôn được lực lượng quân sự tối cao canh phòng cẩn mật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ và Iran: “Ai vung gậy, ai dâng cà rốt”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO