![]() |
Bộ Tài chính Mỹ mới công bố kế hoạch trị giá 700 tỷ USD để loại bỏ các tài sản xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng.
![]() |
Kế hoạch này mang tên “Chương trình đầu tư tư nhân công cộng” sử dụng quỹ từ Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang và Tổ hợp Bảo hiểm Tiền gửi (FDIC) để làm “sạch hóa” các khoản nợ cũng như trái phiếu xấu đã phát hành trong nhiều năm qua. Quỹ này đảm bảo cho các nhà đầu tư tư nhân, chia sẻ rủi ro với chính phủ và chính phủ chia sẻ lại lợi nhuận từ các đầu tư này.
Dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ mua lại ít nhất 1 ngàn tỷ USD tài sản xấu trong hệ thống ngân hàng, giúp các ngân hàng tập trung hơn cho các khoản vay gia đình và kinh doanh. Với kế hoạch mới, Tổng thống Obama tỏ ra có nhiều lạc quan về khả năng kinh tế Mỹ phục hồi.
Tuy nhiên, ông Obama cũng cảnh báo về sự sụp đổ hệ thống rộng lớn và rơi vào suy thoái nếu các thể chế tài chính lớn như American International Group (AIG) hay Citibank thất bại.
Nhật Bản: Giới chủ tự cắt giảm tiền lương
Theo nhật báo kinh tế Nikkei, ít nhất 200 lãnh đạo tập đoàn được niêm yết trên thị trường chứng khoán đã tự động giảm bớt đến 50% lương, làm gương cho nhân viên, đang được kêu gọi hy sinh, chia sẻ thời gian làm việc. Bên cạnh đó, hơn 2.000 giám đốc tập đoàn xe hơi Toyota đã hứa mỗi người mua một chiếc xe hơi của hãng, để giúp gia tăng lượng xe bán ra.
Ngoài ra những người làm việc trong tập đoàn, từ tổng giám đốc cho đến thư ký, đều tuân theo những quy định tiết kiệm như nhau, và được kiểm tra rất nghiêm ngặt từ số lượng bút chì cho đến việc sử dụng điện, nước.
Hiện nay, tiền lương trung bình hàng năm của chủ nhân một tập đoàn Nhật Bản với doanh số thường niên hơn 500 triệu USD, chỉ khoảng 543.000USD, ít hơn tới 75% so với lương các đồng nhiệm ở Hoa Kỳ, và ít hơn 55% so với các chủ nhân Pháp. Vì lý do đó, dư luận Nhật Bản hiện nay không trút giận dữ lên các chủ tịch tập đoàn, mà chỉ nhắm vào các lãnh đạo chính trị, đứng đầu là thủ tướng Taro Aso.
Ấn Độ: Xe rẻ nhất thế giới lăn bánh
Sau hàng loạt trì hoãn liên quan đến việc kiện tụng và di dời nhà máy, cuối cùng Tata Motors (Ấn Độ) đã chính thức bán ra chiếc xe Nano rẻ nhất thế giới. Tại Ấn Độ, giá xe vẫn là 100.000 rupi, tương đương 2.000USD cho phiên bản tiêu chuẩn của Tata Nano - không điều hòa, không cửa điện, không radio.
Chiếc xe được tung vào thời điểm ngành công nghiệp xe hơi thế giới cũng như Ấn Độ rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, Tata Motors dự kiến bán được 30.000 - 50.000 chiếc Nano trong năm đầu tiên. Sản lượng, thiết kế của Tata Nano là khoảng 3.000 xe/tháng.
Trước đó, Tata đã phải hủy dự án xây dựng nhà máy tại Tây Bengal trước các cuộc biểu tình bạo lực hồi năm ngoái, để chuyển tới Gujarat. Nhà máy này hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng nên chưa thể hoạt động hết công suất trước năm 2010. Hai nhà máy khác của Tata, ở Pune và Pantnagar, tạm thời sẽ sản xuất xe Nano.
Trung Quốc: 100 tỷ USD đầu tư cho hệ thống 4G
Khủng hoảng tài chính đang tạo cơ hội cho lĩnh vực viễn thông TQ có những đột phá nhằm có vị trí dẫn đầu trong khu vực. Theo nguồn tin từ China Mobile, Công ty sẽ triển khai mạng lưới thử nghiệm TD-LTE đầu tiên tại Thượng Hải và sẽ đưa vào sử dụng thử tại Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010.
Đây cũng là mạng lưới thương mại thử nghiệm 4G đầu tiên của China Mobile. Khi ứng dụng công nghệ 4G, các dịch vụ dữ liệu có thể đạt mức tải xuống 100 megabyte/giây. Tháng 10/2008, Datang Mobile và China Mobile đã cùng nhau giới thiệu dịch vụ TD-LTE đầu tiên của TQ.
Trước đó, hãng Potevio dự định bán rộng rãi các thiết bị TD-LTE trong khoảng tháng 3/2010. Theo nghiên cứu của HSBC Asia-Pacific, TQ hiện đang chiếm ưu thế trong thị trường viễn thông thế giới.
Dự báo, TQ chiếm tới 50% các khoản đầu tư viễn thông thế giới trong vòng hai năm tới, tương đương 50 tỷ USD mỗi năm. Các nhà cung cấp viễn thông lớn của TQ như China Mobile và Huawei đều đang hướng đến công nghệ tiên tiến nhất là 4G với tổng đầu tư hơn 100 tỷ USD mỗi năm.