Mỹ La Tinh bị áp đặt vận mệnh, thành sân sau của Trung Quốc

LÊ QUÂN/DNSGCT| 09/06/2015 09:49

Thời kỳ mà châu Âu và Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Nam Mỹ đã trôi qua, thay vào đó là Trung Quốc.

 Mỹ La Tinh bị áp đặt vận mệnh, thành sân sau của Trung Quốc

Thời kỳ mà châu Âu và Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Nam Mỹ đã trôi qua, thay vào đó là Trung Quốc. Cơn khát nguyên liệu đã khiến những chiếc vòi bạch tuộc của Bắc Kinh vươn xa đến châu Phi nghèo khó nhưng giàu tài nguyên, và nay đến lượt châu Mỹ Latinh. Khu vực “sân sau” của Mỹ nay bắt đầu trở thành “vườn nhà” của Trung Quốc.

Đọc E-paper

Chuyến viếng thăm các nước Mỹ Latinh của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kết thúc hôm 25-5 tại Chilê, đã củng cố thêm mối quan hệ kinh tế cho khu vực đang gặp nhiều khó khăn này. Tuy nhiên cuộc nhân duyên dường như không “môn đăng hộ đối”.

Theo tổng kết vào cuối năm 2014 của Trung tâm nghiên cứu Inter-American Dialogue ở Washington và Trường Đại học Boston, từ năm 2005 Trung Quốc đã cho các nước hoặc doanh nghiệp Mỹ Latinh vay trên 119 tỉ USD, riêng trong năm 2014 là 22,1 tỉ USD. Đứng đầu là Venezuela (56,3 tỉ), tiếp theo là Brazil (22 tỉ), Argentina (19 tỉ).

Khu vực này có lợi ích gì cho Trung Quốc? Châu Mỹ Latinh có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu gần như vô tận, và là nơi tiêu thụ hàng tiêu dùng Trung Quốc. Nhưng bà Margaret Mayer, Giám đốc chương trình Trung Quốc và Mỹ Latinh ở Trung tâm Inter-American Dialogue, cho rằng mối quan hệ là bất bình đẳng.

Thư ký Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và vùng Caribbean thuộc Liên Hiệp Quốc, bà Alicia Barcena nhấn mạnh: “Chỉ có năm mặt hàng, đều thuộc lĩnh vực thứ cấp như nông nghiệp, năng lượng, hầm mỏ… chiếm 75% xuất khẩu của khu vực sang Trung Quốc năm 2013. Trong khi đó gần 90% đầu tư Trung Quốc sang châu Mỹ Latinh là nhằm khai thác, đặc biệt là quặng mỏ và dầu khí”.

Trước tình hình giá nguyên vật liệu sụt giảm, tăng trưởng của châu Mỹ Latinh bỗng khựng lại và sự bất bình đẳng càng thấy rõ. Về phía Trung Quốc, theo ông Joao Augusto de Castro Neves của cơ quan tư vấn Eurasia Group, từ ưu tiên cho nhập nguyên liệu nay đã chuyển sang xuất khẩu hàng tiêu dùng, và như vậy các dự án hạ tầng là rất cần thiết.

Nhân chuyến công du các nước châu Mỹ Latinh vào tháng 7-2014, ông Tập Cận Bình đã mô tả quan hệ giữa Trung Quốc và châu lục này là “một cộng đồng chung vận mệnh”. Nhưng theo tạp chí Tài chính & Phát triển, Bắc Kinh đã chủ động làm nên định mệnh ấy.

Đầu tư vào Brazil tăng 25 lần chỉ để mua nguyên liệu thô

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean khẳng định gần 90% đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này từ năm 2010 đến 2013 là để khai thác tài nguyên.

Một ví dụ cụ thể là trường hợp Brazil. Kim ngạch thương mại giữa Brasilia và Bắc Kinh từ 3,2 tỉ USD năm 2001 đã tăng vọt lên 83 tỉ USD trong năm 2013, tăng gấp 25 lần. Trung Quốc đói nguyên liệu, còn Brazil có nhiều quặng sắt, dầu lửa, đậu nành, đường, cà phê.

Trong chuyến thăm ngày 19-5, Thủ tướng Trung Quốc hứa hẹn khoản đầu tư 50 tỉ USD trong công nghiệp nặng cho Brazil doanhnhansaigon
Trong chuyến thăm ngày 19-5, Thủ tướng Trung Quốc hứa hẹn khoản đầu tư 50 tỉ USD trong công nghiệp nặng cho Brazil

Nhưng do cơ sở hạ tầng cũ kỹ, việc vận chuyển hàng hóa chậm chạp và phí bị đội lên. Để mua được nguyên vật liệu giá rẻ, Trung Quốc đề nghị tài trợ cải thiện hệ thống giao thông.

Giải pháp đôi bên cùng có lợi này dường như quá tốt đẹp, chỉ còn cần bàn bạc cụ thể. Nhưng báo Le Temps của Thụy Sĩ cho biết, chính do vấn đề này nên xung đột lợi ích đã lộ rõ.

Venezuela rơi vào vòng xoáy nợ nần với Trung Quốc

Không phải quốc gia Mỹ Latinh nào cũng có được ưu thế khi đàm phán, nhất là khi đang rơi vào khủng hoảng như Venezuela.

Ngày 19-4, Tổng thống Nicolas Maduro thông báo Bắc Kinh vừa cho vay thêm 5 tỉ USD. Tổng cộng từ năm 2008 đến nay, Venezuela đã nợ Trung Quốc trên 56 tỉ USD. Với trữ lượng dầu khí khổng lồ, Venezuela trả nợ bằng dầu lửa, và lao vào vòng xoáy nợ nần.

Trước đó vào tháng 1-2015, sau chuyến viếng thăm bất ngờ Bắc Kinh, ông Maduro loan báo Trung Quốc sẽ đầu tư 20 tỉ USD. Món tiền này là quả bóng oxy cho chính quyền Caracas, đang gặp khó khăn vì dầu thô, chiếm đến 90% xuất khẩu của đất nước, từ một năm qua đã bị mất đến trên 50% giá trị.

Mặc cho những lời hứa hẹn của tổng thống, các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục khan hiếm, dòng người vẫn nối dài trước các cửa hàng. Sữa, thịt, xà bông thiếu vắng trong các siêu thị do nhà nước quản lý.

Lạm phát đạt mức 68,5% trong năm 2014, tiếp tục tăng lên, nhưng Ngân hàng Trung ương không còn công bố con số chính thức.

Trung Quốc và chủ nghĩa thực dân mới

Nhu cầu của Trung Quốc về nhôm, đồng và kẽm đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2007, tiêu thụ chì tăng gấp ba và nickel gấp bốn lần. Về nông sản, Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà nhập khẩu đậu nành hàng đầu thế giới.

Nếu tại Brazil, Bắc Kinh đã hất cẳng Washington trong vai trò đối tác hàng đầu, thì nhìn chung Trung Quốc có thể qua mặt Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại thứ nhì của châu Mỹ Latinh. Một thế giới đa cực không có nghĩa là một thế giới bình đẳng.

Từ năm 2009, Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng đầu các nguyên liệu, nông sản của Brazil, Chilê, Peru, Mexico và Colombia, và là nhà cung cấp đứng hàng thứ nhì của các nước trên, chủ yếu là hàng công nghiệp (hàng dệt may, giấy, xe hơi, hàng điện tử…).

Hiện tượng này cũng tương tự như đã xảy ra ở châu Phi: hàng xuất khẩu từ châu lục này sang Trung Quốc gồm 70% là dầu lửa, 15% quặng mỏ; trong khi hàng Trung Quốc bán cho châu Phi đến 90% là hàng công nghiệp.

Ảnh hưởng của Trung Quốc không đơn thuần trên lĩnh vực kinh tế mà còn về chính trị. Nguồn lợi từ việc xuất nguyên liệu thô giúp các chính quyền cánh tả tài trợ cho các chương trình xã hội để lấy lòng dân chúng. Thế nên rất khó khăn khi đặt lại vấn đề đa dạng hóa sản xuất, tìm thêm đầu ra. Đây là một nghịch lý: các chính sách chống nghèo đói, tăng thêm dịch vụ xã hội… được tài trợ bởi phương thức sản xuất khai thác tài nguyên.

Độc canh, xuất khẩu nguyên liệu thô lại tước đoạt của người dân phương tiện sản xuất, tái lập bất bình đẳng, lệ thuộc và đặt lại vấn đề về chủ quyền của các dân tộc. Chính sách xã hội được coi trọng hơn các mục tiêu vĩ mô của nền kinh tế. Ngoài ra, các chương trình phúc lợi và những lời hứa tương lai ngày càng khó bù đắp nổi cho tài nguyên bị mất đi và thảm họa môi trường.

Những tiếng nói phản đối

Trước tình hình đó, có hai lực lượng đang nổi lên ở châu Mỹ Latinh. Lực lượng thứ nhất gồm đa số chính phủ cánh tả và một số phong trào xã hội, không ngừng kêu gọi đưa ra một chiến lược chung trước Trung Quốc.

Lực lượng thứ hai gồm các phong trào khác nhau (nông dân, thổ dân…) muốn đặt lại vấn đề, với những điều kiện nào thì buôn bán với Trung Quốc mới mang lại lợi ích cho các dân tộc và đất nước Mỹ Latinh, có sự cân bằng giữa tăng trưởng, tiêu thụ và chất lượng cuộc sống?

Nhà tư vấn Castro Neves nêu ra những trở ngại đã từng chứng kiến tại châu Phi, nơi người Trung Quốc luôn cố áp đặt các điều kiện không thể chấp nhận được về lao động và môi trường. Tại châu Mỹ Latinh, khi mà sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng nhiều, người ta đã có một số ác cảm.

Đấu tranh chống Dự án kênh đào xuyên hai đại dương của Trung Quốc tại Nicaragua doanhnhansaigon
Đấu tranh chống Dự án kênh đào xuyên hai đại dương của Trung Quốc tại Nicaragua

Tại Nicaragua, những người bảo vệ môi trường và cộng đồng địa phương từ nhiều tháng qua đấu tranh chống Dự án kênh đào xuyên hai đại dương của Trung Quốc. Ở miền Nam Peru, một công nhân đã thiệt mạng hôm qua trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình tố cáo các vụ sa thải tùy tiện tại một mỏ của Công ty Trung Quốc Shougang.

>Trung Quốc đang làm gì ở châu Phi?

>Trung Quốc và con đường trở thành 'số 2' thế giới

>Báo chí Anh nói về mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN 

>Khi người Trung Quốc áp đặt "luật chơi"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ La Tinh bị áp đặt vận mệnh, thành sân sau của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO