Mỹ: Đại phẫu nền tài chính

LAM HỒNG| 17/12/2009 08:38

Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Cải tổ hệ thống tài chính và Bảo vệ người tiêu dùng. Đây là những thay đổi lớn nhất trong quy chế điều hành hệ thống tài chính kể từ thời đại suy thoái.

Mỹ: Đại phẫu nền tài chính

Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Cải tổ hệ thống tài chính và Bảo vệ người tiêu dùng. Đây là những thay đổi lớn nhất trong quy chế điều hành hệ thống tài chính kể từ thời đại suy thoái. Đây là sự kiện mà hãng tin Reuters gọi là “một thắng lợi cho chính quyền Obama cùng phe Dân chủ trong Quốc hội”. Còn chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, tuyên bố: “Ngày hôm nay, chúng ta nói rõ với Wall Street rằng, thời kỳ ăn chơi đã kết thúc”.

Luật lệ lưu thông mới

Trong thông điệp cuối tuần phát toàn quốc, ông Obama khẳng định, có nhiều dấu hiệu cho thấy “nền kinh tế Mỹ đã phục hồi từ những hỗn độn do chính các ngân hàng ở phố Wall gây ra”. Tuy nhiên, cùng với tin mừng này, ông Obama lại được dịp gia tăng chỉ trích giới lãnh đạo ngân hàng Mỹ vẫn ăn chia tiền thưởng khổng lồ với nhau trong khi tổ chức của họ và nền kinh tế nói chung đang lâm vào suy thoái. "Họ cũng không làm tốt công tác quản lý rủi ro, để đến nỗi xảy ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế”.

Theo Dự luật mới, FED được trao quyền giám sát hệ thống tài chính Mỹ

Ông Obama gọi những quy định trong dự án cải cách mới là “các luật lệ lưu thông mới” cho hệ thống tài chính Hoa Kỳ: “Một chế độ quản lý được soạn thảo chủ yếu là sau cuộc khủng hoảng kinh tế của thế kỷ XX, tức là cuộc đại suy thoái, hiện đã không thể đối phó nổi với tốc độ, tầm vóc và mức độ tinh vi của nền kinh tế toàn cầu thế kỷ XXI”.

Cùng với động thái này, Tổng thống Barack Obama kêu gọi Thượng viện nhanh chóng nối gót Hạ viện để phê chuẩn kế hoạch cải tổ khu vực tài chính. Kế hoạch cải tổ được cho là sâu rộng nhất kể từ thời Đại khủng hoảng kinh tế của thập niên 1930 đã được Hạ viện thông qua với 223 phiếu thuận và 202 phiếu chống.

Trọng tâm chương trình là trao quyền cho Cục Dự trữ Liên bang (FED) để cơ quan này giám sát toàn bộ hệ thống tài chính. Các ngân hàng và định chế tài chính lớn sẽ có thêm nhiều vốn hơn. Ngoài ra, chính phủ còn đề ra các đòi hỏi quy định trong vấn đề thanh toán bằng tiền mặt để các ngân hàng có thể uyển chuyển hơn và ít gặp rủi ro bị thua lỗ như trước đây. Dự luật này sẽ thiết lập một cơ quan mới để giám sát thẻ tín dụng, tiền cho vay mua nhà cùng hàng ngàn sản phẩm và dịch vụ tài chính khác, và gia tăng quyền hành của các giới chức chính phủ trong việc thẩm định những mối rủi ro có tính chất hệ thống.

Hết thời thị trường tự do

Quyết định của Hạ viện và Tổng thống Obama thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ từ giới chủ ngân hàng, quỹ bảo hiểm và nhiều nhóm lợi ích khác. Giới quan sát ví von, với kế hoạch này, ông Obama “giống như một người đang bước đi trên một sợi dây”. Một mặt, ông phải tránh tác động quá mạnh tới những lợi ích trong ngành tài chính, vì như thế sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới vai trò của ngành này trong nền kinh tế Mỹ vốn đang nỗ lực thoát khỏi suy thoái.

Mặt khác, ông cũng nhận thấy rằng, những rắc rối tài chính mà nước Mỹ đang phải đối mặt cùng với những cuộc khủng hoảng khác mà quốc gia này phải vượt qua trong nhiều năm trước đây chỉ có thể được giải quyết bằng những thay đổi căn bản. “Chúng ta phải công nhận rằng, thị trường tự do là động lực mạnh mẽ nhất cho sự thịnh vượng của nước Mỹ, nhưng không phải là thứ giấy phép miễn phí để có thể lơ là những hậu quả mà hành động của chúng ta có thể gây ra”, ông Obama phát biểu.

Phe Cộng hòa đã đồng thanh phản đối dự luật vì cho rằng, kế hoạch này gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế và làm tăng nạn thất nghiệp, gia tăng khoản phí không cần thiết cho ngành tài chính, làm cho các thủ tục hành chính thêm nặng nề và làm mất thêm công ăn việc làm vào thời buổi suy thoái nghiêm trọng như hiện nay. “Kế hoạch của Chính phủ là quá lớn và gây nhiều tranh cãi tới mức rất khó để có thể trở thành luật. Kế hoạch này sẽ gây ra những xáo trộn lớn trên thị trường tài chính”, ông Edward Yingling, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Mỹ, nhận xét.

Tuy nhiên, ông Obama đã mạnh mẽ chỉ trích những người chống đối và thẳng thừng nói rằng, họ là “tay sai của những nhóm quyền lợi đặc biệt”. Ông nói thêm, không thể để cho những người này “giết chết cải cách tài chính” và làm cho người Mỹ phải đối mặt với một vụ suy sụp kinh tế khác nữa.

Từ khi ra tay cứu trợ ngân hàng, ông Obama cũng đã đề xuất một dự luật nhằm giám sát chặt chẽ chuyện lương, thưởng tại các nhà băng được hưởng tiền cứu trợ. Trong đó, 9 định chế tài chính lớn nhất trong số những ngân hàng Mỹ được chính phủ nước này “giải cứu” đã trả thưởng trên 1 triệu USD mỗi người cho khoảng 5.000 lãnh đạo và nhân viên trong năm 2008. Vì vậy, quan điểm trong chính sách mới là lương, thưởng cho mỗi nhân viên và lãnh đạo trong một tập đoàn tài chính phải được điều chỉnh theo kết quả kinh doanh chung của công ty.

Đạo luật cải tổ tài chính sẽ cho phép giới làm luật quyền chia nhỏ công ty, để khi công ty bị thua lỗ, cổ đông hoặc những người góp vốn phải chịu khoản thua thiệt này. Đạo luật sẽ tăng thêm vai trò của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ trong việc phát hiện ra các sơ hở nhằm ngăn chặn các kế hoạch đầu tư mang tính lừa đảo. Hiện đang có ý kiến muốn luật hóa sản phẩm chứng khoán phái sinh. Hằng năm, trao đổi tại thị trường này lên tới 600 nghìn tỷ USD tại Hoa Kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ: Đại phẫu nền tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO