MH370 thay đổi sâu sắc Malaysia

HÀ CÚC| 11/03/2015 06:07

Theo BusinessWeek, chuyến bay mất tích và sự phản ứng gây tranh cãi của chính phủ Malaysia đã có tác động đáng kinh ngạc đến đất nước này cả về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế.

MH370 thay đổi sâu sắc Malaysia

Một năm sau khi biến mất bí ẩn, chuyến bay Malaysia Airlines Flight 370 (MH370) vẫn là đề tài tranh luận lớn nhất của Malaysia. Theo BusinessWeek, chuyến bay mất tích và sự phản ứng gây tranh cãi của chính phủ Malaysia đã có tác động đáng kinh ngạc đến đất nước này cả về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế.

Minh bạch hóa

Trong hơn 50 năm qua, Malaysia được điều hành bởi liên minh cầm quyền, vốn nhận nhiều chỉ trích về sự thiếu minh bạch và hạn chế sự giám sát của truyền thông. Thiếu kinh nghiệm với báo chí bộc lộ rõ ràng ngay sau khi xảy ra vụ máy bay MH370 mất tích. Quan chức cấp cao của Malaysia đã lảng tránh và có nhiều phát biểu mâu thuẫn khi tổ chức họp báo quốc tế. Thái độ thiếu chuyên nghiệp này khiến dư luận trong và ngoài nước cho rằng Malaysia có thể che giấu điều gì về sự biến mất bí ẩn của chuyến bay này.

Ngay lập tức, trên Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác, người dân Malaysia bày tỏ sự ngạc nhiên và tức giận trước sự bất lực của Chính phủ. Chính phủ Malaysia chắc chắn nhận ra điều này như là một mối đe dọa tiềm ẩn, nhất là khi 10 tháng trước đó, giới trẻ, tầng lớp trung lưu người Malaysia gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới kết quả cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/2013.

Vì thế, Chính phủ Malaysia sau đó đã nhanh chóng công bố những thông tin họ biết hay không biết về chiếc MH370 - bao gồm cả việc chậm trễ đối phó với thảm họa. Điều này đã đánh dấu một bước ngoặt trong minh bạch hóa hoạt động của Chính phủ Malaysia. Kinh nghiệm này đã giúp Malaysia phản ứng nhanh chóng và chặt chẽ trong vụ chuyến bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine vài tháng sau đó.

Quan trọng hơn, một năm kể từ sự biến mất của MH370, phương tiện truyền thông độc lập và phe đối lập của Malaysia đã được tham gia nhiều hơn trong các vấn đề của chính phủ. Và họ đã tạo ra kết quả thực tế, trong đó có việc kiểm toán quỹ phát triển của Chính phủ Malaysia với các cáo buộc quản lý yếu kém.

Xu hướng thân Mỹ

Trong số 227 hành khách trên chuyến bay MH370 có 153 người Trung Quốc. Trong những ngày sau khi MH370 biến mất, quan chức Trung Quốc chỉ trích quyết liệt thái độ của chính phủ Malaysia. Đồng thời cho phép gia đình của các nạn nhân Trung Quốc công khai trách móc các Đại sứ Malaysia và thậm chí còn cho phép họ tổ chức một cuộc biểu tình ồn ào bên ngoài Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh.

Thái độ này khiến Chính phủ và người dân Malaysia không hài lòng, nếu không muốn nói là tức giận. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã không e ngại phát biểu rằng dữ liệu vệ tinh không hoàn thiện của Trung Quốc đã "làm rối" Malaysia trong việc tìm kiếm chiếc máy bay. Thái độ thù địch đánh dấu sự thay đổi đáng kể từ phía Malaysia.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew về dư luận toàn cầu với Mỹ và Trung Quốc (thực hiện trong tháng đầu tiên sau vụ mất tích của MH370), Malaysia là một trong hai quốc gia châu Á, mà người dân coi Trung Quốc như đồng minh chính và coi Mỹ là mối đe dọa chính. Quan hệ song phương với Trung Quốc rất gần gũi, thậm chí năm 2013, một quan chức Malaysia tuyên bố nước này đã sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông - một vi phạm trắng trợn đối với các nước khác trong khu vực.

Không lâu sau sự biến mất của chuyến bay MH370, một cựu Đại sứ Malaysia tại Bắc Kinh bình luận: "Trung Quốc đã bắt nạt Philippines và Việt Nam. Vì vậy, Malaysia đã rất thận trọng". Ông cũng cho biết Malaysia sẽ xem xét mối quan hệ giữa hai nước.

Trong khi đó, Chính phủ Malaysia cũng đã nỗ lực để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Thậm chí còn mời Mỹ do thám bằng máy bay để sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ Malaysia - một hành động rõ ràng chọc giận Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Mặc dù sự biến mất của MH370 không hoàn toàn tạo nên thay đổi về quan hệ ngoại giao này nhưng chắc chắn nó đóng vai trò quan trọng tác động tới suy nghĩ của các nhà ngoại giao Malaysia.

Tư nhân hóa nền kinh tế công

Được thành lập vào năm 1972, hãng hàng không nhà nước Malaysia Airlines từ lâu đã là một trong những GLCs (công ty có mối quan hệ với chính phủ) nổi bật nhất của Malaysia, chiếm tỷ trọng đáng kinh ngạc, 54% của Chỉ số Kuala Lumpur Composite Index, và thống trị các ngành công nghiệp trọng điểm. Họ được chính quyền kiểm soát và sở hữu, được hỗ trợ rộng rãi bằng các khoản vay ưu đãi từ chính phủ.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi MH370 biến mất, Malaysia Airlines đã ở trong tình trạng tài chính báo động nghiêm trọng, thua lỗ trong ba năm liên tiếp, trong khi hầu hết các hãng hàng không khác trên toàn thế giới đã tăng trưởng.

Sự sụt giảm nhanh chóng trong doanh thu theo sau sự biến mất của MH370 (và sau đó là MH17) đã đưa Hãng này đến bờ vực phá sản, giải thể. Để cứu vãn, Khazanah Nasional, Quỹ Thịnh vượng kiểm soát các hãng hàng không, đã giành quyền kiểm soát Malaysia Airlines, và lần đầu tiên thuê một CEO nước ngoài, cũng như cắt giảm 6.000 việc làm ở các đường bay quốc tế.

Đây là một bước đi thực tế cho một hãng hàng không góp phần xây dựng biểu tượng cho Malaysia, và động thái này đã dấy lên hy vọng rằng Chính phủ Malaysia sẽ sẵn sàng xã hội hóa các doanh nghiệp có mối liên kết với nhà nước, nhất là khi nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ đang gặp nhiều rủi ro khi giá dầu sụt giảm nghiêm trọng từ năm 2014.

>Malaysia: Máy bay MH370 đâm xuống Nam Ấn Độ Dương
>Du lịch Malaysia điêu đứng vì MH370
>Kim ngạch thương mại Việt Nam-Malaysia tháng 1 tăng gần 12%
>Malaysia Airlines: Hãng hàng không bị vận rủi đeo đuổi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
MH370 thay đổi sâu sắc Malaysia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO