Lại chuyện giảm phát ở Nhật

Nguồn VnEconomy| 24/11/2009 07:35

Giữa lúc cả thế giới đang canh cánh mối lo về sự trở lại của lạm phát, thì kinh tế Nhật Bản lại đương đầu nguy cơ giảm phát.

Lại chuyện giảm phát ở Nhật

Giữa lúc cả thế giới đang canh cánh mối lo về sự trở lại của lạm phát, thì kinh tế Nhật Bản lại đương đầu nguy cơ giảm phát.

Trong vòng 15 năm trở lại đây, kể từ khi bong bóng tài sản tại Nhật Bản nổ tung vào đầu thập niên 1990, gọng kìm giảm phát đã có một số thời kỳ siết chặt kinh tế nước này.

Trong chuyến thăm Tokyo hôm 13/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh rằng, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Nhật Bản giữ một vai trò đặc biệt trên thị trường toàn cầu.

Những con số thống kê công bố trong gần đây cũng cho thấy kinh tế Nhật Bản đặc biệt, nhưng ở một phương diện khác. Thời gian này, phần lớn các nước trên thế giới đều quan tâm tới nguy cơ lạm phát leo thang trở lại, nhưng Nhật Bản lại có nỗi lo hoàn toàn ngược lại - lo giảm phát.

Theo dữ liệu công bố cách đây chưa lâu, Nhật Bản có thể đang trong quá trình thoát khỏi giai đoạn suy thoái nhất trong nhiều thập kỷ của nước này. GDP quý 3 của Nhật tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, những thống kê khác lại cho thấy một bức tranh ảm đạm hơn.

Trong quý 3, giá cả hàng hóa và dịch vụ tại Nhật đã giảm 2,6%, mức giảm mạnh nhất từ năm 1958 tới nay. Trong vòng 7 tháng qua, giá cả tại Nhật liên tục giảm.

“Sự đi xuống của giá cả gần đây là không hợp lý và đáng lo ngại. Đây là một trong những vấn đề chính sách lớn nhất hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Hirohisa Fujii phát biểu hôm 20/11. Phó thủ tướng Nhật Naoto Kan thậm chí còn thẳng thắn hơn về chuyện này khi tuyên bố, Nhật Bản hiện đang trong tình trạng giảm phát.

Lạm phát ở mức thấp vẫn được xem là bình thường và có tác dụng tốt đối với các nền kinh tế, trong khi một thời kỳ giảm phát kéo dài lại bị coi là công thức cho tình trạng kinh tế bi đát. Giá cả suy giảm kéo theo lợi nhuận của các doanh nghiệp, tiếp đó là tiền lương của người lao động, rồi tới chi tiêu của người dân, và hoạt động đầu tư của các công ty. Giảm phát có thể tạo thành vòng xoáy giống như những gì thế giới đã trải qua trong thời kỳ Đại suy thoái 1930.

Một trong những nhân vật kinh tế đáng kính nhất tại Nhật chính là ông Korekiyo Takahashi, cựu Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính của nước này, người được xem là có công kiềm chế sự bùng nổ của giảm phát ở đầu những năm 1930, trước khi nước Mỹ hãm phanh được sự trượt dốc của giá cả.

“Một khi sự giảm phát về giá cả dẫn tới sự giảm phát tài sản, rồi việc này dẫn tới những tổn thất khác nữa, nền kinh tế rút cục sẽ suy sụp”, chuyên gia kinh tế trưởng Masaaki Kanno của công ty chứng khoán JPMorgan Securities nhận định.

Trong vòng 15 năm trở lại đây, kể từ khi bong bóng tài sản tại Nhật Bản nổ tung vào đầu thập niên 1990, gọng kìm giảm phát đã có một số thời kỳ siết chặt kinh tế nước này.

Cho tới thời điểm hiện nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn phủ nhận khả năng nền kinh tế nước này có thể rơi vào một vòng xoáy giảm phát chết người. Tuần trước, BoJ đã cải thiện dự báo triển vọng nền kinh tế và duy trì lãi suất đồng Yên ở mức 0,1%.

“BoJ không muốn đưa ra bất kỳ biện pháp chính sách mạnh nào, vì họ không cho rằng, tình trạng hiện nay là nghiêm trọng”, ông Kanno, chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan Securities nói.

Tuy nhiên, theo ông Jasper Koll, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Tantallon Research Japan, khi tính tới sự xuống dốc của giá cả, thì sự phục hồi kinh tế mới manh nha của Nhật Bản sẽ yếu ớt hơn mức tăng trưởng GDP mà những con số thống kê đã chỉ ra.

“Chỉ số giá tiêu dùng giảm 2,5%, tiền lượng giảm 2%, tiền thưởng mùa đông năm nay giảm 14%, và chỉ số chứng khoán Nikkei đang đi xuống. Tất cả sự tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đang chứng kiến chỉ là sự tăng trưởng về mặt số học”, ông Koll nói.

Tệ hơn, ngoài mối lo giảm phát, Nhật Bản còn đang phải đương đầu với những thách thức kinh tế khác, đặc biệt là sự tăng giá của đồng Yên. Trong vòng 3 tháng trở lại đây, tỷ giá đồng Yên so với USD đã tăng 6%. Thông thường, giá cả đi xuống trong môi trường đồng tiền mạnh. Bởi vậy, đồng Yên tăng giá khiến lợi nhuận tuyệt đối và tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật bị bào mòn, đồng thời khiến các công ty của nước này gặp khó khăn nhiều hơn khi cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.

Giáo sư R. Taggart Murphy thuộc Đại học Tsukuba ở Tokyo cho rằng, để giải quyết vấn đề giảm phát, Nhật Bản lúc này cần tăng cường hoạt động kích thích tài khóa. Tuy nhiên, giáo sự này cũng chỉ ra, tăng chi tiêu chính phủ ở Nhật Bản ở thời điểm hiện nay là không dễ, vì nợ công của Nhật đã rất lớn, đang tiến sát mốc 200% GDP.

“Thậm chí cả khi đảng cầm quyền Dân chủ Nhật Bản quyết định mục tiêu chính sách hàng đầu của họ là chống giảm phát, thì tôi cũng không rõ họ sẽ làm thế nào để đạt được mục tiêu đó”, ông Murphy nói.

Cũng theo ông Murphy, xét cho cùng, giảm phát là một triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân của những trận ốm kinh tế. “Nguyên nhân sâu xa ở đây chính là sự suy giảm trong sức sống của nền kinh tế, chẳng hạn như không có đủ vốn đầu tư cho những công ty mới…”, ông nói.

Nói cách khác, nếu Nhật Bản đạt được những tiến bộ để vượt qua sự tăng trưởng kinh tế èo uột đã trở thành kinh niên của mình, thì tình trạng giảm phát ở nước này rốt cục sẽ được khắc phục mà không cần tới những biện pháp can thiệp trực tiếp của các nhà hoạch định chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lại chuyện giảm phát ở Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO