Lá phiếu khuây khỏa

LAM HỒNG| 08/05/2012 04:21

Lần đầu tiên trong 20 năm qua, thành viên của Đảng Xã hội đã đắc cử tổng thống.

Lá phiếu khuây khỏa

Lần đầu tiên trong 20 năm qua, thành viên của Đảng Xã hội đã đắc cử tổng thống.

Ông François Hollande đắc cử Tổng thống Pháp

Đọc E-paper

“Ít khó chịu” cho người Pháp

Điều trớ trêu là người Pháp bỏ phiếu cho ông Francois Hollande chỉ vì một lý do đơn giản: ông không phải là Nicolas Sarkozy

Ứng cử viên Đảng Xã hội Pháp, Francois Hollande, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng hai hôm Chủ nhật 6/5, với 52% số phiếu thu được so với 48% số phiếu của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Ông Sarkozy đã thừa nhận thất bại và nói: “Francois Hollande là tổng thống của Pháp và ông ấy cần phải được tôn trọng”. Đây là kết quả không gây ngạc nhiên cho dư luận vì nó đã được biết trước từ khi vòng bầu cử bắt đầu, ít nhất là tất cả đã biết ông Sarkozy... bị loại và “trừ phi có phép lạ, ông Sarkozy mới có thể quay trở lại điện Elysée”.

Ngay trước bầu cử tổng thống Pháp, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 17/4 công bố thâm hụt công của Pháp năm nay sẽ lên đến 4,6% GDP so với mức 4,4% mà Chính phủ Pháp đã cam kết; còn năm 2013, thâm hụt này dự kiến sẽ là 3,9% GDP, cao hơn mục tiêu thâm hụt chỉ 3% như đã cam kết.

Với kết quả quá yếu kém này, ông Sarkozy đã phải trả giá bằng lá phiếu của cử tri Pháp dành cho ông Hollande. Nói cách khác, dù không yêu thích ông Hollande nhưng do đã chán ngấy ông Sarkozy nên cử tri Pháp đã chọn giải pháp “ít khó chịu hơn” là bỏ phiếu cho ứng cử viên của Đảng Xã hội.

Ở góc độ xã hội và văn hóa, cố vấn cao cấp của Viện Pháp quốc tại Paris, ông Dominique Moisi, bình luận: “Người ta có cảm giác là Sarkozy đã làm mất tính cách thiêng liêng của chức vụ Tổng thống bằng cách lẫn lộn giữa lĩnh vực tư và công. Cảm giác là có một yếu tố thông tục, dân dã trong cung cách của ông thực sự không phù hợp với một địa vị một thời do Tướng Charles de Gaulle đảm đương”. Sau 5 năm cầm quyền, nhiều người Pháp cho rằng ông Sarkozy không thực hiện được các lời hứa, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Và đa số cử tri đều cho rằng “ông không đủ điều kiện để làm Tổng thống”.
Dồn rủi ro cho Eurozone
Ê-kíp viết chương trình cho ông Hollande tranh cử gồm 60 cam kết đã cho thấy: “Các ngân hàng phải được đưa về phục vụ nền kinh tế. Tôi sẽ tách bạch các hoạt động ngân hàng nào hữu ích cho đầu tư và công ăn việc làm với các hoạt động chỉ nhằm đầu cơ... Sẽ phải chấm dứt những sản phẩm tài chính độc hại chỉ làm giàu cho những kẻ đầu cơ, song lại đe dọa nền kinh tế. Tôi sẽ đảm bảo tiền lãi tiết kiệm sao cho vừa cao hơn tỷ lệ lạm phát đồng thời cũng đồng hành với tốc độ tăng trưởng...”.

Ông Hollande đã giành chiến thắng nhờ khai thác những vấn đề khó khăn kinh tế của nước Pháp và điểm yếu của đương kim Tổng thống Sarkozy khiến dân chúng phẫn nộ.

Tuy nhiên, các phân tích gia nói, cuộc bầu cử có những tác động tới toàn thể khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). The Economist nhận định, nếu đắc cử Tổng thống, ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande với lời kêu gọi tăng chi tiêu sẽ bất lợi cho nước Pháp và cả châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và nợ nần hiện vẫn tiếp tục làm lung lay khối đồng euro gồm 17 nước thành viên, cùng với các nước châu Âu khác như Anh và Đức.

Nợ công của Pháp hiện ở mức cao và có xu hướng tăng, Pháp không đạt thặng dư ngân sách suốt 35 năm qua, các ngân hàng thiếu vốn, tình trạng thất nghiệp dai dẳng. Trong khi đó, những chính sách của Hollande không có tác dụng nhiều cho các vấn đề này, đặc biệt là khi các nước láng giềng của Pháp đang trải qua giai đoạn cải cách triệt để.

Hollande nói nhiều về công bằng xã hội, nhưng hầu như không bàn gì đến việc tạo ra của cải. Mặc dù cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách, nhưng Hollande lại thông qua tăng thuế mà không phải cắt giảm chi tiêu.

Một số phân tích gia cho rằng, thắng lợi của ông Hollande gần như tình cờ. Ông chưa bao giờ giữ một chức vụ bộ trưởng trong chính phủ. Một năm trước đây, đông đảo người Pháp đã trông đợi một ứng cử viên khác của Đảng Xã hội, cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn. Nhưng cơ may chính trị của ông Strauss-Kahn đã tan thành mây khói sau khi ông phải đối mặt với vụ truy tố vì tội danh tấn công tình dục tại New York, mặc dù sau đó đã được bãi nại.

Đến nay, Đức và Pháp là hai nước châu Âu đang nỗ lực lớn nhất để giữ khu vực đồng euro. Thậm chí, lãnh đạo hai nước này, Angela Merkel và Nicolas Sarkozy, còn được báo chí gọi là “Merkozy”.

Chiến thắng của ông Hollande sẽ khiến Đức trở thành nước duy nhất ủng hộ chương trình thắt lưng buộc bụng. Mặc dù việc này có thể tốt cho tăng trưởng, nhưng thị trường trái phiếu lại không được lợi gì và sẽ đẩy nhanh sự kết thúc của đồng euro.

“Một Tổng thống Pháp phản đối cải cách sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự sẵn sàng của châu Âu nhằm theo đuổi các cải cách khắc khổ để cứu vãn Eurozone. Điều này khiến ông ấy (Hollande) trở thành một nhân vật nguy hiểm”, The Economist dẫn bình luận của một chuyên gia.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp còn có nguy cơ tác động đến trục hợp tác Paris - Berlin trong tiến trình xây dựng châu Âu. Theo giới quan sát, thủ tướng Đức Merkel đang tăng cường phối hợp và thảo luận với đồng nhiệm Ý Mario Monti về các vấn đề châu Âu. Đến mức báo chí Ý bình luận rằng Roma có thể thay thế Paris trong mối quan hệ ưu tiên của Đức tại châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lá phiếu khuây khỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO