Ở chiều ngược lại, các nước đang phát triển nói chung và các quốc gia phương Đông nói riêng đang tích cực hội nhập, kêu gọi đa phương.
Mỹ - Trung đối đầu
Ngày 3/1/2019, Chính phủ Mỹ đã đưa ra khuyến cáo công dân nước họ thận trọng khi tới Trung Quốc sau vụ Bắc Kinh bắt giữ những người nước ngoài. Đây là một động thái được cho là trả đũa vụ Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei Trung Quốc, theo yêu cầu của Mỹ.
Diễn biến trên cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn khá căng thẳng. Điểm đáng lưu ý trong cuộc chiến thương mại hiện nay là những định hướng chiến lược và tuyên bố của lãnh đạo 2 nước đang có xu hướng ngược chiều nhau.
Cụ thể, sau một thời gian gần như hạn chế sự xâm nhập của các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty công nghệ, Trung Quốc dường như đang tỏ rõ động thái muốn mở cửa thị trường nhiều hơn. Tại các diễn đàn quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn nhắc đi nhắc lại quan điểm rằng xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa là tất yếu, đồng thời phê phán chủ nghĩa bảo hộ là không tốt cho nền kinh tế toàn cầu, dù thực tế nước này là một trong những quốc gia bảo hộ mạnh mẽ nhất suốt thời gian qua.
Ngược lại, sau nhiều năm ủng hộ tích cực xu hướng toàn cầu hóa, kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, định hướng chiến lược của Hoa Kỳ gần như thay đổi hẳn. Với phương châm "Nước Mỹ trên hết" mà ông Trump không những đã lặp đi lặp lại tại các hội nghị quốc tế, mà còn tỏ rõ hành động bằng cách đánh thuế lên các sản phẩm của các đối tác thương mại, kêu gọi các công ty Mỹ quay về đất nước cùng với việc thông qua chính sách giảm thuế khổng lồ từ cuối năm 2017.
Chẳng những vậy, trong khi Trung Quốc tích cực gia tăng sự hiện diện tại nhiều khu vực trên thế giới thông qua sáng kiến "Vành đai, con đường", cố gắng khẳng định vị thế tại các tổ chức quốc tế, khởi xướng thành lập những định chế tài chính mới như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB), thì ngược lại phía Mỹ liên tiếp rút ra khỏi các liên minh, tổ chức hợp tác quốc tế lâu đời, từ Liên minh Bưu chính Thế giới đã tồn tại 144 năm, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, từ bỏ Hiệp định hạt nhân với Iran, Hiệp ước về tên lửa tầm trung với Nga và không tham gia Hiệp định TPP dù đã mất một thời gian dài đàm phán dưới thời Tổng thống Obama.
Thậm chí Mỹ cũng đe dọa sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu tổ chức này không có những cải cách để giảm những điều kiện gây bất lợi cho phía Mỹ.
Xu hướng ngược chiều
Thật ra, chiến lược của Trung Quốc và Mỹ chỉ là hình ảnh thu nhỏ xu hướng ngược chiều giữa phương Tây và phương Đông, giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi hoặc đang phát triển. Các nước phương Đông và các nước đang phát triển sau một thời gian dài đóng cửa, nay ngày càng ưa thích xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa nhiều hơn.
Hội nhập và toàn cầu hóa trong khi mang lại những lợi ích không nhỏ cho người dân tại các nước đang phát triển, thì ngược lại đã lấy không ít việc làm tại các nước phát triển phương Tây, khi các công ty đa quốc gia chuyển dịch nhà máy tới các nước nghèo hơn để tiết kiệm chi phí sản xuất , nhân công và bảo vệ môi trường.
Ngay cả quốc gia khép kín như CHDCND Triều Tiên, gần đây cũng nỗ lực cải cách nền kinh tế, cải thiện mối quan hệ với Mỹ, thỏa thuận từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy những giải pháp hỗ trợ và mở cửa nền kinh tế cho tương lai. Hình ảnh Chủ tịch Kim Jong Un trong bài phát biểu năm mới, diện vest, đeo cà vạt thay vì bộ quần áo kiểu Mao Trạch Đông thường mặc, được cho là một phần nỗ lực của Triều Tiên để thể hiện Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo chính trị hiện đại và gợi ý đến khả năng mở cửa quốc gia này trước phương Tây.
Rõ ràng các cụm từ như "đa phương", "hội nhập" hay "toàn cầu hóa" ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong những phát biểu của các nhà lãnh đạo phương Đông nói riêng và các nước đang phát triển nói chung. Tuy nhiên, người dân phương Tây lại không nghĩ như vậy. Hội nhập và toàn cầu hóa trong khi mang lại những lợi ích không nhỏ cho người dân tại các nước đang phát triển, thì ngược lại đã lấy đi không ít việc làm tại các nước phát triển phương Tây, khi các công ty đa quốc gia chuyển dịch nhà máy tới các nước nghèo hơn để tiết kiệm chi phí sản xuất, nhân công và bảo vệ môi trường.
Vòng đàm phán Doha của WTO được khởi xướng từ năm 1999 nhằm thúc đẩy thương mại hóa toàn cầu cho đến nay vẫn chưa kết thúc và gần như đang trong tình trạng giậm chân tại chỗ khi vấp phải những phản ứng, chỉ trích kịch liệt từ người dân các nước phát triển.
Mới đây nhất, phong trào biểu tình "Áo khoác vàng" diễn ra tại Pháp và lây lan sang các nước láng giềng cũng bắt nguồn từ chính sách tăng thuế nhiên liệu, mà theo ông Trump đó là hệ quả từ thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Và ông ngầm khẳng định việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là quyết định đúng đắn, khi người dân những nước phát triển không thể cứ mãi trả chi phí bảo vệ môi trường thông qua các chính sách tăng thuế cho những nước thuộc "thế giới thứ ba".
Kết quả trưng cầu dân ý của nước Anh vào năm 2016 đã buộc Anh phải rút khỏi Liên minh Châu Âu, mở đầu cho xu hướng ly khai đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ và tình trạng khép cửa trở lại tại những nước phát triển.