Kinh tế thế giới: Vẫn rủi ro vì "nặng nợ"

THỤY KHA| 07/10/2014 01:02

Sự mất cân bằng của các khoản nợ công và chính sách không đồng nhất giữa các nền kinh tế lớn vẫn là mối đe dọa sự ổn định của kinh tế thế giới.

Kinh tế thế giới: Vẫn rủi ro vì

Sự mất cân bằng của các khoản nợ công và chính sách không đồng nhất giữa các nền kinh tế lớn vẫn là mối đe dọa sự ổn định của kinh tế thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đưa ra cảnh báo "Các khoản nợ quốc gia tiếp tục tăng đang đe dọa nền kinh tế quốc tế”.

Mặc dù tổng thâm hụt tài khoản vãng lai đã giảm đi một nửa so với năm 2006, thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ đã được thu hẹp, nhưng không biến thành thặng dư đáng kể cho các nước cho vay.

Cảnh báo của IMF trong Planet Financial Outlook cho thấy "sự mất cân bằng toàn cầu" trở thành mối đe dọa cho sự ổn định kinh tế.

"Sự mất cân bằng đã không giảm, trái lại còn mở rộng cùng với tốc độ tăng trưởng thấp trong nhiều nền kinh tế phát triển. Một số nền kinh tế nợ lớn tiếp tục cho thấy mối nguy hiểm có hệ thống có thể xảy ra", IMF cho biết.

Theo ước tính của IMF, các khoản nợ nước ngoài của Mỹ tăng từ 14% sản lượng hằng năm năm 2006 lên 34% trong năm 2013, Tây Ban Nha tăng từ 70% lên 103%, trong khi Ý tăng từ 24% đến 36%.

Các quốc gia có nợ nước ngoài lớn dễ bị tổn thương trước những cú sốc trên thị trường tài chính và gặp nhiều khó khăn trong việc đảo nợ. Mặc dù vậy, IMF cũng chỉ ra điểm sáng khi cho rằng đồng USD, trong vai trò một đồng tiền dự trữ, an toàn hơn nhiều so với năm 2006.

Báo cáo Geneva Report, ủy quyền bởi Trung tâm Tiền tệ và Ngân hàng Quốc tế do một nhóm các nhà kinh tế cao cấp gồm ba cựu giám đốc ngân hàng trung ương phụ trách.

Báo cáo này dự báo lãi suất trên toàn thế giới sẽ ở mức thấp trong "một thời gian rất, rất dài" để các hộ gia đình, công ty và chính phủ trả nợ và tránh các rủi ro khác.

Các cảnh báo đưa ra giữa lúc lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong vòng một năm. Mặc dù gánh nặng nợ khu vực tài chính đã giảm, đặc biệt là ở Mỹ, và nợ hộ gia đình đã ngừng tăng, báo cáo này vẫn nhấn mạnh đến sự gia tăng nhanh chóng của nợ khu vực công ở các nước giàu và nợ tư nhân tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.

Tổng gánh nặng nợ nần trên thế giới, gồm cả khu vực tư nhân, đã tăng từ 160% thu nhập quốc dân năm 2001 lên gần 200% năm 2009 và 215% vào năm 2013.

Luigi Buttiglione, một trong những tác giả của báo cáo và đứng đầu chiến lược toàn cầu của Quỹ Đầu tư Brevan Howard, cho biết: "Trong sự nghiệp, tôi đã thấy nhiều cái gọi là nền kinh tế thần kỳ như Ý trong những năm 1960, Nhật Bản, các "con hổ” châu Á, Tây Ban Nha và bây giờ có lẽ Trung Quốc - và tất cả đều kết thúc sau khi gia tăng nợ nần".

Các tác giả của báo cáo kỳ vọng lãi suất ở lại thấp hơn so với kỳ vọng thị trường bởi vì sự gia tăng nợ có nghĩa là người vay sẽ không thể chịu đựng được mức lãi suất tăng.

Để ngăn chặn tích tụ nợ nếu chi phí đi vay thấp, các tác giả tiếp tục mong đợi chính quyền trên toàn thế giới sử dụng các biện pháp trực tiếp hạn chế vay.

"Các quốc gia đang phát triển ở châu Á có lẽ phải hy sinh phần nào tăng trưởng của năm sau và tập trung giữ ổn định nền kinh tế trước những hậu quả tiềm ẩn từ việc tăng lãi suất của Mỹ”, theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri.

Dòng thoái vốn là một mối đe dọa mà các thị trường mới nổi đang đối mặt khi triển vọng FED nâng lãi suất lôi kéo các quỹ đầu tư. Trong ngắn hạn, một số thị trường mới nổi có thể phải chọn sự ổn định làm phương án ưu tiên, thay vì tăng trưởng.

Đồng USD đã tăng giá khi FED tiến gần hơn đến đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006, khiến các quỹ toàn cầu rút tiền khỏi chứng khoán địa phương nhằm đón trước khả năng tăng lãi suất ở Mỹ.

Vì vậy, nhiệm vụ mà các bộ trưởng tài chính G20 đang đối mặt khi họ cố gắng thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế chung của cả khối thêm 2% hoặc cao hơn trong vòng 5 năm tới. Các quan chức nhóm này đồng ý rằng, chính sách tiền tệ nên tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và đặc biệt xử lý áp lực giảm phát đang căng thẳng ở một số nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế thế giới: Vẫn rủi ro vì "nặng nợ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO