Kinh tế thế giới phập phồng vì dự báo

30/06/2009 07:05

Kinh tế thế giới tuần qua chứng kiến nhiều dự báo tăng trưởng tốt xấu khác nhau. Theo đó, thị trường cũng thi nhau thăng giảm theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Dẫu rằng kết thúc tuần bằng tín hiệu lạc quan từ chứng khoán châu Á, nhưng không ít nhà đầu tư vẫn phập phồng.

Kinh tế thế giới phập phồng vì dự báo

Kinh tế thế giới tuần qua chứng kiến nhiều dự báo tăng trưởng tốt xấu khác nhau. Theo đó, thị trường cũng thi nhau thăng giảm theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Dẫu rằng kết thúc tuần bằng tín hiệu lạc quan từ chứng khoán châu Á, nhưng không ít nhà đầu tư vẫn phập phồng.

OECD dự đoán nền kinh tế các nước công nghiệp tăng trưởng âm 4,1% trong năm 2009 và tăng trưởng 0,7% trong năm 2010.

Trong báo cáo đưa ra hôm 22/6, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, suy thoái kinh tế năm 2009 sẽ trầm trọng hơn so với dự báo hồi tháng 3 và cảnh báo việc nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường các nước đang phát triển sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người nghèo và tỷ lệ thất nghiệp.

WB dự đoán kinh tế thế giới năm 2009 sẽ suy giảm 2,9%. WB cũng tỏ ra lo ngại về việc thoái vốn tại các nước đang phát triển. Sau khi lên tới đỉnh 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2007, dòng vốn vào các nước đang phát triển đã lần hồi tụt xuống, năm 2009 ước chỉ đạt 363 tỷ USD.

Phản ứng ngay sau báo cáo của WB, thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh. Chỉ số S&P 500 giảm 3,1% xuống mức 893,04 điểm, thấp nhất trong hai tháng qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 200,72 điểm, tương đương 2,4%, xuống 8.339,01 điểm. Thị trường chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh nhất kể từ ngày 13/05 đến nay.

Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở châu Á cũng tràn ngập sắc đỏ. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 2,3%, xuống 99,57 điểm.

Các chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 2,82%, Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,89%, Kospi của Hàn Quốc giảm 2,8%, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,12%.

Hôm 24/6, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lần đầu tiên trong 2 năm qua đã nâng dự báo về triển vọng kinh tế thế giới. OECD dự đoán nền kinh tế các nước công nghiệp tăng trưởng âm 4,1% trong năm 2009 và tăng trưởng 0,7% trong năm 2010.

OECD cho rằng, kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 2,8% trong năm 2009 và 0,9% trong năm 2010. Kinh tế Nhật dự báo tăng trưởng âm 6,8% trong năm 2009, trước khi tăng trưởng 0,7% vào năm 2010. Trung Quốc năm 2009 sẽ tăng trưởng 7,7% và năm 2010 là 9,3%.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số đơn đặt hàng lâu bền trong tháng 5 đã tăng 1,8% hơn mong đợi.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đưa ra nhận định kinh tế nước này đang ổn định trở lại. Trong khi, Ngân hàng Trung ương Mỹ (BoA) tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục, từ 0,0% đến 0,25%.

Các thông tin tích cực đã nhanh chóng giúp chứng khoán lấy lại được phong độ. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7% lên mức 900,94 điểm tại thị trường New York. Chỉ số Nasdaq tăng 1,6%.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,8% lên mức 100,45 điểm. Chỉ số Nikkei 225 tăng 0,43%. Chỉ số Hang Seng tăng 1,58%. Chỉ số Kospi tăng 0,24%. Chỉ số Shanghai Composite tăng 1,02%.

Số liệu điều chỉnh mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 25/6 cho biết, tăng trưởng GDP quý 1/2009 của nước này là âm 5,5%, do lượng hàng tồn kho giảm bớt, giá nhà đất và chi phí kinh doanh giảm nhẹ. Con số công bố hồi tháng trước là âm 5,7%.

Giá cả nhà và chi phí tiêu dùng trong quý 1 đã ổn định, dấu hiệu cho thấy suy thoái có thể sớm chấm dứt. Chi phí tiêu dùng, vốn chiếm 70% GDP của Mỹ đã tăng 1,4% vào quý 1. Thâm hụt thương mại ước tính là 296,8 tỉ USD, giảm hơn so với mức dự đoán 302,6 tỉ USD hồi tháng trước.

Chứng khoán Mỹ trong ngày 25/6 đã có màn bứt phá ngoạn mục. Chỉ số S&P 500 tăng 2,1%, mức mạnh nhất trong vòng 3 tuần, lên 920,26 điểm. Tại châu Á, màu xanh tiếp tục lan tỏa khắp các thị trường chính. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1% lên 101,82 điểm. Chỉ số Nikkei 225 tăng 2,15%, Hang Seng tăng 2,11%, Shanghai Composite tăng 0,09%...

Hôm 26/6, Bộ các vấn đề trong nước Nhật Bản cho biết, trong tháng 5/2009, chỉ số giá tiêu dùng không tính thực phẩm tươi sống giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2008. Đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ năm 1971.

Cũng trong ngày 26/6, số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho hay, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của người dân nước này trong tháng 5 đạt 6,9%, mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Thông tin này đã khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm sau hai phiên tăng liên tiếp trước đó. Chỉ số S&P 500 giảm 0,15% xuống mức 918,90 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống mức 8.438,39 điểm. Trong khi, chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm phiên cuối tuần. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương tăng 1,4% lên mức 103,24 điểm.

Tính chung cả tuần, chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm, chỉ số S&P 500 giảm 0,25%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,18%, chỉ số Nasdaq tăng 0,59%. Trong khi, chứng khoán châu Á duy trì được đà tăng. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,2%, Nikkei 225 của Nhật tăng 0,9%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kong tăng 3,8%.

Hôm 27/6, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Kaoru Yosano và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Jeung Hyun khi tham dự cuộc đối thoại tài chính song phương tại Tokyo đã nhất trí cho rằng, kinh tế hai nước đã thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế thế giới phập phồng vì dự báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO