Kinh tế châu Á tăng trưởng nhờ kích cầu và đầu tư tư nhân

Đ.N/DNSGCT| 18/09/2017 09:48

Báo cáo của IMF và ADB cho thấy tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2017 và 2018 chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa mạnh mẽ và khả năng chống đỡ rủi ro từ bên ngoài.

Kinh tế châu Á tăng trưởng nhờ kích cầu và đầu tư tư nhân

Theo báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế châu Á trong năm 2017 và 2018 sẽ chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa mạnh mẽ và khả năng chống đỡ rủi ro từ bên ngoài.

Đọc E-paper

Trong báo cáo bổ sung "Triển vọng phát triển của châu Á năm 2017", ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực lần lượt đạt 5,9% và 5,8% trong năm nay và năm tới.

ADB chỉ rõ tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á năm nay sẽ là 4,8% và sang năm sẽ là 5%. Báo cáo dự đoán các nước có mức tăng trưởng khá nhanh trong khu vực bao gồm Malaysia, Philippines và Singapore. Tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa tăng mạnh, đặc biệt là sự kích thích của tiêu dùng và đầu tư tư nhân. 

Theo Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, năm nay các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có sự khởi đầu tốt đẹp, xuất khẩu cải thiện sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2017. Dù mức độ phục hồi kinh tế trên toàn cầu vẫn tồn tại nhiều yếu tố không rõ ràng, nhưng ADB cho rằng các nền kinh tế trong khu vực hoàn toàn có khả năng ứng phó với mọi tác động tiềm tàng.

Trong khi đó, báo cáo của IMF cũng dự đoán thương mại toàn cầu đi lên và nhu cầu nội địa được tăng cường, với tăng trưởng kinh tế của năm nước ASEAN gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines sẽ đạt khoảng 5%. IMF và ADB đều nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 6,7% trong năm nay và 6,4% trong năm tới.

Báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương” của IMF chỉ rõ khu vực châu Á – Thái Bình Dương duy trì đà tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, triển vọng cũng chưa rõ ràng. Xét về lâu dài, châu Á cần ứng phó với hai thách thức lớn là sự già hóa dân số và năng suất tăng chậm.

IMF cho rằng các nền kinh tế phát triển ở châu Á cần tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư cho nghiên cứu phát triển, đồng thời nâng cao năng suất của ngành dịch vụ. Còn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần áp dụng những biện pháp để nâng cao năng lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở rộng du nhập công nghệ mới và thúc đẩy đầu tư trong nước.

>>Chủ nghĩa bảo hộ đe dọa kinh tế châu Á

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế châu Á tăng trưởng nhờ kích cầu và đầu tư tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO