Kinh tế 24g qua: Nguy cơ thiếu vốn trầm trọng

30/03/2011 00:01

Hôm 29/3, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp và Bồ Đào Nha, với lý do nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của hai quốc gia này có thể bị thua lỗ theo những điều khoản trong cơ chế giải cứu mới (ESM) của Liên minh châu Âu (EU).

Kinh tế 24g qua: Nguy cơ thiếu vốn trầm trọng

Hôm 29/3, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp và Bồ Đào Nha, với lý do nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của hai quốc gia này có thể bị thua lỗ theo những điều khoản trong cơ chế giải cứu mới (ESM) của Liên minh châu Âu (EU).

Các ngân hàng châu Âu sẽ thiếu hụt thanh khoản dài hạn tới 3.200 tỷ USD trong 8 năm tới

Cụ thể, S&P hạ một bậc tín nhiệm của Bồ Đào Nha xuống BBB-, cao hơn một bậc so với cấp độ không đầu tư. Tuần trước, cũng tổ chức này đã hạ bậc tín nhiệm của Bồ Đào Nha từ A- xuống BBB. Với Hy Lạp, S&P hạ 2 bậc xếp hạng tín nhiệm xuống BB-. Quyết định của S&P đã khiến chi phí vay mượn của hai quốc gia này tăng vọt.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp kỳ hạn 10 năm tăng từ 12,499% lên 12,568%, trong khi lợi suất đối với trái phiếu Chính phủ Bồ Đào Nha tăng từ 7,818% lên 7,881%. Ngay sau quyết định của S&P, lợi suất trái phiếu Chính phủ Bồ Đào Nha đã tăng lên mức cao kỷ lục 7,97%.

Trong khi đó, mức lợi suất trái phiếu từ 7% trở lên được coi là không bền vững trong dài hạn. Theo đó, cả Hy Lạp lẫn Bồ Đào Nha sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn thời gian tới. Giới phân tích cho rằng, việc Bồ Đào Nha yêu cầu EU giải cứu chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cũng theo giới phân tích quốc tế, các ngân hàng châu Âu có khả năng buộc phải bán nhiều trái phiếu dài hạn hơn, khi chính phủ các nước khu vực này đang tìm cách ngăn chặn xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới và các ngân hàng sẽ phải cần nhiều vốn hơn để thực hiện tiêu chuẩn Basel III vào năm 2019.

Quy định thanh khoản của Basel III buộc các ngân hàng châu Âu phải huy động được nguồn vốn dài hạn lên tới 3.200 tỷ USD. Theo quy định của Basel III, sẽ được thực hiện vào năm 2019, yêu cầu các ngân hàng giữ đủ tiền mặt hoặc tài sản lưu động để đáp ứng các nghĩa vụ trong vòng 1 năm.

Theo mô hình kinh doanh hiện tại, các ngân hàng châu Âu sẽ thiếu hụt thanh khoản dài hạn tới 3.200 tỷ USD trong 8 năm tới. Để bù đắp lượng vốn thiếu hụt đó, các ngân hàng sẽ phải phát hành nhiều trái phiếu hơn với kì hạn trên 1 năm hoặc tăng tiền gửi của khách hàng.

Hôm qua (29/3), Chính phủ Nhật Bản đã ban hành một ngân sách lớn kỷ lục cho năm tài chính 2011, chuẩn bị cho hoạt động tái thiết đất nước. Cụ thể, ngân sách cho năm tài chính 2011 bắt đầu vào tháng 4, lên tới 92.410 tỷ Yên (1.141 tỷ USD) mặc dù có khả năng Chính phủ sẽ không được phép phát hành trái phiếu để huy động 40% chi phí cho ngân sách năm nay.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho biết, quốc gia châu Á này sẽ tạm hoãn kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp để có kinh phí hỗ trợ hoạt động tái thiết sau động đất.

Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản bất ngờ giảm xuống còn 4,6% trong tháng 2, thấp hơn dự báo của giới phân tích. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009, thời điểm tỷ lệ thất nghiệp đứng ở 4,5%. Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, số người thất nghiệp tháng 2 đứng ở mức 3 triệu, giảm 240.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới phân tích nhận định, số liệu mới nhất cho thấy Nhật Bản đang dần phục hồi sau khi tăng trưởng âm trong quý cuối cùng của năm 2010. Tuy nhiên, thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/03 đã tác động xấu đến hoạt động kinh doanh. Cuối tuần trước, Chính phủ Nhật ước tính, mức độ thiệt hại có thể lên tới 309 tỷ USD.

Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) thông báo, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút ròng 2,26 tỷ USD ra khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán tại Hàn Quốc trong tháng 2, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu.

Số liệu được BOK công bố cùng ngày cho thấy, thặng dư tài khoản vãng lai tháng 2 của Hàn Quốc mở rộng lên 1,18 tỷ USD từ mức 0,15 tỷ USD trong tháng 1, nhờ cán cân hàng hóa tích cực. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp kể từ tháng 3/2010, Hàn Quốc thặng dư tài khoản vãng lai nhờ sự tăng trưởng mạnh của lĩnh vực xuất khẩu.

BOK cho biết thặng dư tài khoản hàng hóa tháng 2 đạt 1,58 tỷ USD, cao hơn một chút so với mức 1,56 tỷ USD trong tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu cùng tháng tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 37,2 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 16,7% lên 35,6 tỷ USD.

Theo tờ Chứng khoán Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này có khả năng phải tăng lãi suất, nếu lạm phát tháng 3 vượt 5%. Tờ báo nhận định, mặc dù chính phủ nước này đã đạt được nhiều kết quả trong việc kiềm chế giá cả, nhưng lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới.

Các nhà phân tích tin rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) CPI tháng 3 nhiều khả năng sẽ vượt 5%, sẽ làm cho lãi suất thực âm, và việc tăng lãi suất là rất có thể. Trung Quốc đã tăng lãi suất 3 lần kể từ tháng 10/2010, khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ một cách nghiêm túc.

Tạp chí trên cũng nhận định, lạm phát có thể tiếp tục lên tới 6% vào tháng 6 và tháng 7. Tháng 4 và tháng 5 sẽ là thời điểm mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể nâng lãi suất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế 24g qua: Nguy cơ thiếu vốn trầm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO