Khủng hoảng nợ có nguy cơ lan rộng khắp châu Âu

29/04/2010 06:50

Bầu không khí lo ngại bao trùm khắp châu Âu sau khi Hy Lạp, Bồ Đào Nha đồng loạt tụt hạng tín nhiệm, bởi đây hai nước duy nhất đối mặt với những vấn đề đáng lo ngại về nợ công và tín dụng tại lục địa này.

Khủng hoảng nợ có nguy cơ lan rộng khắp châu Âu

Bầu không khí lo ngại bao trùm khắp châu Âu sau khi Hy Lạp, Bồ Đào Nha đồng loạt tụt hạng tín nhiệm, bởi đây hai nước duy nhất đối mặt với những vấn đề đáng lo ngại về nợ công và tín dụng tại lục địa này.

Bản đồ hiển thị mức độ thâm hụt ngân sách tại châu Âu. 13 trong số 27 nước thuộc EU có khoản nợ công chiếm từ 60% GDP trở lên. Những nước màu vàng nhạt có mức nợ chiếm từ 60% tới 100% GDP. Màu nâu dành cho những nước có mức thâm hụt chiếm hơn 100% so với GDP. Ảnh: New York Times.

Các thị trường chứng khoán trên thế giới đồng loạt mất điểm hôm nay do các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về việc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và thậm chí Ireland có thể không vay được hàng tỷ USD để trang trải khoản chi tiêu của chính phủ.

“Tình hình đang trở nên xấu hơn rất nhanh và chúng ta chưa biết ai sẽ có thể ngăn chặn viễn cảnh đáng sợ của Hy Lạp. Thực tế đó tạo nên một hiệu ứng lan tỏa”, Edward Yardeni, chủ tịch tổ chức Yardeni Research, phát biểu.

Lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhóm họp tới Berlin hôm nay để thảo luận với các nhà lập pháp Đức và Thủ tướng Angela Merkel về biện pháp giải cứu Hy Lạp.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ không chỉ riêng Hy Lạp cần được cứu, mà Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác tại châu Âu cũng sắp phải phát hành trái phiếu để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách. 13 trong số 27 nước thuộc Liên minh châu Âu có khoản thâm hụt ngân sách chiếm từ 60% trở lên so với tổng sản phẩm quốc nội.

“Tây Ban Nha phải phát hành trái phiếu nợ mới để trang trải khoản nợ hiện nay. Vì thế nước này lệ thuộc vào lòng tốt của những quốc gia khác”, Jonathan Tepper, một chuyên gia của tổ chức Variant Perception tại Anh, nhận định.

Các quốc gia trên khắp thế giới đều phát hành trái phiếu chính phủ để trang trải những khoản đầu tư vào dịch vụ công cộng và trả lương cho công chức. Ở những nước phát triển, khoản nợ đó được coi là tương đối an toàn vì chính phủ có thể tăng thuế để trả nợ. Nhưng do tiền thu thuế của nhiều nước giảm mạnh do kinh tế suy thoái, việc tăng thuế có thể kìm hãm đà tăng của nền kinh tế.

Trong bối cảnh tình hình nợ chính phủ của nhiều nước châu Âu ngày càng trở nên tồi tệ, giới đầu tư lo ngại một số quốc gia sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực trả nợ.

Nếu nền kinh tế tăng trưởng ổn định, áp lực tài chính sẽ giảm. Giới chức tài chính của Hy Lạp và các chuyên gia của IMF đang chạy đua với thời gian để đạt được thỏa thuận về khoản vay dành cho Hy Lạp trước ngày 19/5.

Trong một chừng mực nào đó, sự bất lực của châu Âu trong quá trình xử lý khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đang tạo nên tâm trạng hoang mang trong dư luận, đồng thời cho thấy những chia rẽ chính trị bên trong lục địa già. Mỗi bước đi của châu Âu đối với Hy Lạp đều bị đánh giá là quá ít ỏi hoặc quá muộn.

Đề xuất mới nhất của châu Âu và IMF về việc cho Hy Lạp vay 45 tỷ euro hầu như chẳng có tác dụng bình ổn tâm lý của giới đầu tư. Cũng trong tuần này Đức tuyên bố Hy Lạp phải giảm thâm hụt ngân sách trước khi thực hiện các cam kết khác. Tuyên bố đó càng làm dư luận tin rằng châu Âu không đoàn kết trong nỗ lực cứu Hy Lạp.

Ngày càng nhiều người tin rằng cộng đồng quốc tế phải tung ra khoản cứu trợ lớn hơn để giúp Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

“Con số sẽ rất lớn. 90 tỷ euro cho Hy Lạp, 40 tỷ euro cho Bồ Đào Nha và 350 tỷ euro cho Tây Ban Nha”, Piero Ghezzi, một nhà kinh tế của Barclays Capital, nhận định.

Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng Hy Lạp cần tới 150 tỷ euro trong vòng ba năm tới. Đó là con số mà giới đầu tư mô tả là “gây sốc và đáng sợ”.

Phó chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu hôm qua thừa nhận khu vực sử dụng đồng euro đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi hiệp định Maastricht ra đời vào năm 1997. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng tại Hy Lạp và Bồ Đào Nha đang gây nên bất ổn xã hội. Công nhân ngành giao thông vận tải ở cả hai nước đều biểu tình vào ngày 27/4 khiến các nhà ga tê liệt.

Các quan chức của Standard & Poor’s nói các biện pháp khắc khổ của Hy Lạp và Bồ Đào Nha có thể làm giảm đà tăng trưởng kinh tế.

Người lao động trong ngành vận tải công cộng Hy Lạp biểu tình bên ngoài trụ sở Bộ Tài chính ở thủ đô Athens vào ngày 27/4. Ảnh: AFP.

Như vậy hai nước đang đối mặt với một vòng tròn luẩn quẩn: Sự trì trệ của nền kinh tế buộc chính phủ phải cắt giảm chi tiêu, nhưng cắt giảm chi tiêu sẽ làm giảm tiền thuế. Tiền thuế càng ít thì khả năng trả nợ của họ cũng càng xa vời. Là một thành viên trong khu vực sử dụng đồng euro, hai nước không được phép in tiền để kích thích tăng trưởng kinh tế hoạt động xuất khẩu. Vì thế khoản nợ công ngày càng tăng và viễn cảnh đen tối cũng tới gần hơn.

Nhưng dù đang chịu sức ép lớn, Hy Lạp và Bồ Đào Nha vẫn chỉ là những nền kinh tế tương đối nhỏ. Tây Ban Nha mới đáng là mối lo lớn.

Với quy mô của nền kinh tế Tây Ban Nha, dư luận cho rằng cuộc khủng hoảng nợ ở đây sẽ tác động tiêu cực tới các thị trường trên thế giới. Nhìn bề ngoài thì khoản nợ của Tây Ban Nha có vẻ nằm trong tầm kiểm soát. Khoản nợ của nước này chiếm 54% tổng sản phẩm quốc nội, trong khi con số của Hy Lạp và Bồ Đào Nha lần lượt là 120% và 80%.

Nhưng trên thực tế, Tây Ban Nha đang hứng chịu mức thâm hụt kép – thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai - lớn hơn mọi quốc gia trên thế giới, trừ Iceland. Thực tế đó cho thấy Tây Ban Nha phụ thuộc quá lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài, đối tượng vốn không kiên định khi nền kinh tế gặp khó khăn. Khoản nợ của Tây Ban Nha sẽ lên tới 225 tỷ euro trong năm nay – tương đương với giá trị của nền kinh tế Hy Lạp.

Ngày càng có ít nhà đầu tư tỏ ý muốn mua trái phiếu của Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác. Với những khoản lỗ mà giới đầu tư châu Âu vừa hứng chịu do giữ trái phiếu Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong mấy tháng qua, người ta có lý do để tin rằng họ sẽ không dám chi những khoản tiền mà ba nước cần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khủng hoảng nợ có nguy cơ lan rộng khắp châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO