Khi nợ xấu biến thành “kho báu”

10/10/2013 00:38

4 công ty quản lý tài sản trực thuộc nhà nước Trung Quốc (được biết đến với tên gọi AMC) đã đem về lợi nhuận.

Khi nợ xấu biến thành “kho báu”

4 công ty quản lý tài sản trực thuộc nhà nước Trung Quốc (được biết đến với tên gọi AMC) đã đem về lợi nhuận.

Lai Xiaomin – Chủ tịch của công ty quản lý tài sản Huarong – đã xác định được con đường của mình chỉ trong một buổi sáng, sau khi có cuộc gặp với các vị khách đến từ Goldman Sachs và Morgan Stanley.

Trụ sở của Huarong Asset Management

Huarong Asset Management là công ty quản lý nợ xấu lớn nhất của Trung Quốc. Kể từ khi Huarong được tái cấu trúc và trở thành một công ty thương mại từ tháng 10 năm ngoái, các ngân hàng của phố Wall ồ ạt gõ cửa công ty này.

Nhiều lãnh đạo cấp cao như Michael Evans (Phó Chủ tịch J. của Goldman Sachs) hay Shane Zhang (người đồng phụ trách mảng ngân hàng đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Morgan Stanley) đánh giá cao thành công của Huarong và quan tâm đến việc mua cổ phần của công ty này.

Lý do là gì? 4 công ty quản lý tài sản trực thuộc nhà nước Trung Quốc (được biết đến với tên gọi AMC) đã đem về lợi nhuận. Những công ty này được thành lập trong thời kỳ khủng hoảng ngân hàng cuối những năm 1990 để quản lý 1.400 tỷ nhân dân tệ (tương đương 229 tỷ USD) nợ xấu.

Năm 1999, Trung Quốc đã thành lập các công ty quản lý tài sản Huarong, Cinda, China Orient và China Great Wall để dọn sạch nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sau nhiều thập kỷ chính phủ tăng cường rót vốn cho các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Tỷ lệ nợ xấu lên tới 40%. Chính phủ Trung Quốc cấp cho mỗi AMC 10 tỷ nhân dân tệ và gia hạn 10 năm để giải quyết vấn đề.

Theo báo cáo được Cinda công bố hồi tháng 10 năm ngoái, trong năm 2011, 4 công ty này có tổng tài sản 560 tỷ và lợi nhuận 16 tỷ nhân dân tệ. Ở Cinda (công ty lớn thứ hai), lợi nhuận năm 2012 tăng 6%, lên 7,2 tỷ nhân dân tệ. Lợi nhuận năm 2012 của Huarong cũng tăng tới 68%, lên 5,9 tỷ nhân dân tệ.

Các AMC cũng đã giúp củng cố nền kinh tế Trung Quốc bằng cách biến 405 tỷ nhân dân tệ nợ quá hạn thành vốn cổ phần của các tập đoàn nhà nước lớn nhất và bán cho nhà đầu tư. Thoát khỏi các khoản nợ không thể trả, nhiều công ty vốn thua lỗ nặng (như tập đoàn nhôm Chalco, tập đoàn dầu khí China Petroleum & Chemical Corp.) đã hồi sinh trở lại.

Hơn thế nữa, điều này càng làm tăng giá trị cổ phần của các AMC. Khoảng 2 tỷ nhân dân tệ nợ xấu của Chalco được bán cho Cinda từ năm 2001 được chuyển thành 21% cổ phần của Cinda. Và, số cổ phần này có giá trị 2,2 tỷ nhân dân tệ khi Cinda niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông chỉ 3 tháng sau đó.

Ngoài việc chuyển nợ xấu thành vốn cổ phần, các AMC còn làm tăng giá trị của các tài sản xấu thông qua tái cấu trúc, cho vay bắc cầu và các công cụ khác.

Theo Tan Ming – chuyên gia phân tích đến từ Jefferies LLC, kể từ năm 1999, tổng vốn của các AMC đã tăng hơn gấp ba, lên 148 tỷ nhân dân tệ. Số vốn này giúp các AMC có thêm tiềm lực tài chính để giải quyết các tài sản xấu vốn vẫn còn tồn tại trong hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Trong những năm 1990, 4 AMC đã vay tổng cộng 570 tỷ nhân dân tệ từ NHTW Trung Quốc và huy động được 820 tỷ nhân dân tệ bằng cách bán trái phiếu.

Ông Lai Xiaomin, Chủ tịch của Huarong Asset Management Co

Trong thời kỳ 2003 – 2005, các công ty này nhận nhiều hơn nợ xấu từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Bank of China và Bank of Communications đồng thời mua tài sản xấu từ các ngân hàng nhỏ hơn trong thời kỳ sau năm 2005.

Các AMC cũng giúp xóa bỏ hàng nghìn tỷ nhân dân tệ nợ xấu khỏi sổ sách của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, cho phép họ biến hóa từ những định chế tài chính bên bờ phá sản sang một trong những ngân hàng sinh lời nhiều nhất trên thế giới. Theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng chỉ còn chưa đến 1% tính đến cuối tháng 6.

Từ năm 2010, theo kế hoạch tái cấu trúc đã được chính phủ Trung Quốc thông qua, Cinda sẽ hoạch tối giá trị của các tài sản xấu theo giá trị thị trường. Đây là một phần trong quá trình chuyển đổi thành công ty thương mại, cho phép công ty mới ghi nhận lợi nhuận vào sổ sách khi đã giải quyết xong nợ xấu.

Kể từ đó đến nay, gần 45% số trái phiếu của các AMC đã được hoàn trả. Những hoạt động thương mại của các AMC đều cho thấy tình trạng khỏe mạnh về mặt tài chính với tỷ lệ ROE nằm trong khoảng 14 – 21%. Cinda đã bán 16,5% cổ phần cho UBS, Standard Chartered, Quỹ bảo hiểm xã hội Trung Quốc và Citic Capital Holdings Ltd. Với giá 10,4 tỷ nhân dân tệ trong tháng 3/2012.

Hồi tháng 8, Goldman Sachs ước tính Trung Quốc có thể mất khoảng 3.000 tỷ USD vì tín dụng tăng trưởng quá nhanh trong 4 năm qua, đặc biệt là ở các bên cho vay không phải là ngân hàng.

Dẫn đầu bởi UBS và Standard Chartered, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã mua cổ phần của China Cinda Asset Management Co. - công ty quản lý tài sản đang có kế hoạch IPO trị giá 3 tỷ USD trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Theo nguồn tin thân cận, vụ IPO sẽ diễn ra vào tháng 12 tới.

Mua cổ phần của các công ty xử lý nợ xấu Trung Quốc có thể giúp các tập đoàn toàn cầu thu lợi nhuận từ “làn sóng” nợ xấu mới nổi lên sau đợt bùng nổ tín dụng với giá trị lên tới 6.500 tỷ USD kể từ cuối năm 2008.

Theo Ted Osborn, chuyên gia đến từ hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP và là một chuyên gia về nợ xấu, đến một thời điểm nào đó, Trung Quốc sẽ phải bắt tay vào việc bán nợ xấu phát sinh từ giai đoạn tín dụng bùng nổ trong thời kỳ 2009 – 2012. Giới đầu tư quốc tế ưa thích đầu tư vào AMC bởi họ nhận định đây là các công ty được chính phủ hỗ trợ và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Năm ngoái, Huarong cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư (cả nội địa và nước ngoài) để bán cổ phần ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Trong năm 2012, các lãnh đạo Macquarie Group Inc., Goldman Sachs, Morgan Stanley, Barclays Plc và SinoPac Financial Holdings Co. đã tới thăm văn phòng của Huarong ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, chưa có thỏa thuận nào được đưa ra.

Tính đến cuối năm 2012, Huarong mua 680 tỷ nhân dân tệ nợ xấu (phần lớn từ Ngân hàng Công thương TQ). Công ty này đã thực hiện chương trình hoán đổi nợ thành vốn cổ phần tại 393 công ty nhà nước và vẫn nắm giữ cổ phần có giá trị 46 tỷ nhân dân tệ tại 261 công ty.

Orient Asset Management mua hơn 710 tỷ nhân dân tệ tài sản xấu và chuyển đổi số nợ 25,3 tỷ nhân dân tệ thành vốn cổ phần tại 166 doanh nghiệp nhà nước. Tháng trước, Orient trở thành công ty đầu tiên trong số 4 AMC bán trái phiếu trên thị trường nước ngoài và huy động được 600 triệu USD.

Cinda đã thừa hưởng và mua 1.500 tỷ nhân dân tệ nợ xấu từ hơn 10 định chế tài chính tính đến cuối năm 2011 với phần lớn đến từ Ngân hàng xây dựng Trung Quốc (ngân hàng lớn thứ 2 TQ) và Ngân hàng phát triển Trung Quốc (ngân hàng chính sách lớn nhất TQ).

Tính đến cuối năm ngoái, Cinda nắm giữ cổ phần có trị giá ít nhất 45 tỷ nhân dân tệ của 136 công ty nhà nước. Rất nhiều trong số đó đã vượt qua khủng hoảng và đang chuẩn bị niêm yết cổ phiếu và do đó các khoản nợ cũng biến thành tiền mặt.

Bộ Tài chính Trung Quốc vẫn là cổ đông lớn nhất của Cinda với 83,5% cổ phần, trong khi quỹ hưu trí quốc gia nắm 8%. UBS nắm 5% trong khi Citic Capital và Standard Chartered nắm lần lượt 2% và 1,5%. Với 20.488 nhân viên và 31 chi nhánh trên khắp cả nước, Cinda đã huy động được 10 tỷ nhân dân tệ từ đợt bán trái phiếu đầu tiên của một AMC.

Kế hoạch của Cinda và Huarong bổ sung thêm dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng để bắt đầu một đợt giải quyết nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng tiếp theo.

Vị chuyên gia từ PwC nhận định đầu tư vào nợ xấu của Trung Quốc là chiến lược ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn xa lạ với thị trường Trung Quốc.  Hợp tác với các đối tác Trung Quốc sẽ giúp phòng chống rủi ro và nâng lợi nhuận bởi Trung Quốc có thể áp đặt các giới hạn mới đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các đợt bán trái phiếu trong tương lai. Các ngân hàng khác trên phố Wall như Citigroup Inc., JPMorgan Chase & Co và Lehman Brothers Holdings Inc. cũng mua nợ xấu từ AMC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi nợ xấu biến thành “kho báu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO