Khi nhiều người Trung Quốc muốn sống ở nước ngoài

THÁI BẢO| 23/05/2017 05:05

Xu hướng định cư nước ngoài của nhiều người Trung Quốc đang lý giải một phần cho tham vọng "Một vành đai, Một con đường" mà Bắc Kinh đang đẩy mạnh.

Khi nhiều người Trung Quốc muốn sống ở nước ngoài

Xu hướng định cư nước ngoài của nhiều người Trung Quốc đang lý giải một phần cho tham vọng "Một vành đai, Một con đường" mà Bắc Kinh đang đẩy mạnh. 

Đọc E-paper

Diễn đàn cấp cao về hợp tác quốc tế "Một vành đai, Một con đường" khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 14/5. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì diễn đàn này, với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao thuộc 29 nền kinh tế và lãnh đạo các cơ quan/tổ chức quốc tế như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim và Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.

Tham vọng lớn

Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Road) là sáng kiến do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu lần đầu vào năm 2013. Đây được xem là kế hoạch tham vọng gồm hai tuyến đường thương mại song song, một trên đất liền và một trên biển. Nó đi qua 68 quốc gia, liên quan tới 4,4 tỷ người và chiếm khoảng 40% tổng giá trị GDP toàn cầu.

Theo lời những người đứng đầu chính quyền Trung Quốc, mục tiêu của nó là mang lại lợi ích chung trên toàn cầu, hứa hẹn giúp đỡ hàng triệu người thoát nghèo. Hiện có hơn 100 quốc gia trên 5 châu lục bày tỏ nguyện vọng tham gia sáng kiến có giá trị đầu tư hơn 100 tỷ USD do Trung Quốc khởi xướng này.

Bên cạnh những lý do về thương mại, giới quan sát đánh giá đây là một phần quan trọng trong kế hoạch khẳng định vị thế lãnh đạo toàn cầu của chính quyền Trung Quốc. Nó được cho là sẽ đem lại hai lợi ích chính là chính trị và kinh tế.

Nhà phân tích Nick Marro tại Cơ quan nghiên cứu về Tình báo kinh tế Anh (EIU) nhận xét trên CNN: "Trung Quốc đang tìm cách sử dụng Một vành đai, Một con đường như một phương thức vận chuyển hàng hóa dư thừa trong nước ra nước ngoài".

>>Vì sao Singapore đứng ngoài "con đường tơ lụa" của Trung Quốc?

Giải quyết bài toán khó

Hầu hết những phân tích từ báo chí phương Tây và Ấn Độ đều bi quan về thực trạng hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc. Nước này đã qua giai đoạn phát triển bùng nổ với những thống kê tăng trưởng hai con số. Trong vài năm gần đây, tăng trưởng của Trung Quốc "chỉ" đạt hơn 7% mỗi năm, một biểu hiện bị cho là kết quả tất yếu của một chu kỳ.

Các cuộc cách mạng công nghiệp dẫn tới sản phẩm của Trung Quốc trở nên dư thừa ở nhiều lĩnh vực, trong đó có thể kể đến thép. Lấy ví dụ, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người thường xuyên lên án việc Trung Quốc phá giá thép, ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ.

Nói cách khác, xét về mặt kinh tế, việc chủ động thúc đẩy hội nhập quốc tế, chú trọng mục tiêu lãnh đạo kinh tế toàn cầu là cách để Trung Quốc giữ đồng CNY ổn định, sử dụng rộng khắp, và "đặt nhà máy của mình ở nước khác". Một cách vô tình hay hữu ý, việc "tràn ra khắp thế giới" lại cũng chính là một xu hướng của người Trung Quốc.

Ngày 16/5, hãng tin AP đưa ra một phân tích cho thấy, người Trung Quốc đứng đầu thế giới về việc đầu tư vào các chương trình thị thực cho phép họ sống ở nước ngoài.

Trong thống kê ở 13 nước có dạng thị thực "vàng", tức đổi đầu tư của người nước ngoài lấy quyền công dân cho họ, hơn 100.000 người Trung Quốc đã chi ra 24 tỷ USD trong 10 năm qua. Không người dân ở một quốc gia nào khác trên thế giới "mua thị thực" nhiều như người Trung Quốc, theo kết quả này.

Đặc biệt nhóm người Trung Quốc nêu trên chuộng việc ở lại nước Mỹ nhất. Ít nhất họ đã đổ 7,7 tỷ USD đầu tư vào 40.000 thị thực Mỹ trong 10 năm trở lại đây. Đó thậm chí chỉ là con số không bao gồm lạm phát, không bao gồm những thành viên khác được đón sang sinh sống cùng người đứng ra theo đuổi chương trình thị thực.

Thị trường Trung Quốc bùng nổ những năm qua kéo theo nhiều hệ lụy, mà điển hình là cơn sốt giá cả nhà đất và tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Đa phần người Trung Quốc muốn sang nước ngoài đều ít nhiều ảnh hưởng bởi lý do áp lực cuộc sống ở Trung Quốc như chăm sóc, giáo dục con cái, và cả áp lực về ô nhiễm.

Nhưng ngược lại, cơn sốt nhà đất tại Trung Quốc đã giúp nhiều người có đất ở thời điểm nhiều năm trước, nay hoàn toàn có thể bán nhà để chi ít nhất 500.000 USD đầu tư vào các nước như Mỹ, Bồ Đào Nha, Hy Lạp... nhằm đổi lại là cơ hội nhập tịch.

>>Trung Quốc và tham vọng "một vành đai, một con đường"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi nhiều người Trung Quốc muốn sống ở nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO