Khi búa liềm trở lại

PHƯƠNG CHI| 12/02/2014 09:11

Có lẽ từ sau các Olympic mùa Hè Moscow 1980 và Los Angeles 1984, chưa có kỳ thế vận hội nào bị chính trị hóa đến mức nặng nề như ở Sochi 2014...

Khi búa liềm trở lại

Có lẽ từ sau các Olympic mùa Hè Moscow 1980 và Los Angeles 1984, chưa có kỳ thế vận hội nào bị chính trị hóa đến mức nặng nề như ở Sochi 2014. Nếu như các nguyên thủ quốc gia phương Tây, từ Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Francois Hollande đều không đến dự lễ khai mạc, thì các nguyên thủ Ukraine (Victor Yanukovych), Nhật Bản (Shinzo Abe) đều tận dụng dịp này để hội đàm với tổng thống nước chủ nhà (Vladimir Putin) để bàn về quan hệ song phương.

Đọc E-paper

Sự chia rẽ cũng được thể hiện rõ trên mặt báo. Trong khi các tờ báo Nga đồng loạt ca ngợi lễ khai mạc Sochi 2014, coi đây là màn trình diễn khôi phục niềm tự hào của một siêu cường thì chỉ có duy nhất một tờ báo nước này chê lễ khai mạc là thất bại. Và không ngạc nhiên khi đó là tờ Vedemosti của phe đối lập Nga, vốn thường đăng bài chỉ trích Điện Kremlin.

Trong khi đó, khỏi cần nhắc cũng biết báo chí phương Tây nói thế nào về lễ khai mạc Sochi 2014, khi hầu hết đều xoáy sâu vào chi tiết hình ảnh búa liềm xuất hiện trở lại, có lẽ là lần đầu tiên ở một sự kiện mang tầm thế giới kể từ khi Liên Xô tan rã.

Trước đấy, báo chí phương Tây cũng vẫn nói nhiều về chuyện ông Putin chủ trương khôi phục lại một số giá trị từ thời Xô Viết, chẳng hạn như danh hiệu Anh hùng Lao động, đồng thời chỉ trích việc Kremlin mạnh tay với phe đối lập.

Điều đáng nói là trong khi đầu tư cực lớn cho lễ khai mạc, song dường như người Nga lại không chú ý tới những "tiểu tiết" trong khâu tổ chức đại hội. Rất nhiều lời phàn nàn đã được đưa ra kể từ khi Thế vận hội mùa Đông còn chưa bắt đầu, chẳng hạn như phòng ốc khách sạn quá sơ sài, phòng tắm không có nước, rèm cửa chưa lắp...

Hình ảnh hai chiếc bồn cầu đặt cạnh nhau, hay việc một vận động viên Mỹ phải phá cửa nhà vệ sinh vì khóa bị kẹt tràn ngập trên báo chí thế giới, như là minh chứng cho công tác tổ chức luộm thuộm của nước chủ nhà.

Mà nên nhớ, chi phí cho Sochi 2014 có lẽ là đắt đỏ nhất trong lịch sử Olympic khi nước Nga phải bỏ ra tới 51 tỷ USD, nhiều hơn cả chi phí mà Trung Quốc đã chi cho Thế vận hội mùa Hè năm 2008 (quy mô Olympic mùa Hè lớn hơn mùa Đông rất nhiều). Từ đó người ta đặt ra câu hỏi, liệu có sự thất thoát trong khâu xây dựng cơ bản cho Olympic ở một đất nước vẫn bị than phiền quá nhiều về tệ tham nhũng?

Bài học cho nước Nga và cũng là cho nhiều quốc gia khác, khi những sự kiện thể thao cũng được coi là "nhiệm vụ chính trị hàng đầu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi búa liềm trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO