Hong Kong - "thiên đường" ngạt thở

THÁI BẢO| 08/11/2016 00:13

Hong Kong là đặc khu kinh tế phát triển bậc nhất thế giới, nhưng lại tồn tại rất nhiều bất ổn xã hội, gây nhiều áp lực cho những con người sinh ra tại đây.

Hong Kong -

Là một đặc khu kinh tế phát triển bậc nhất thế giới, nhưng Hong Kong tồn tại rất nhiều bất ổn xã hội cũng chính vì sức hút của nó. Điều này khiến "thiên đường" này ngày càng trở thành vùng đất đầy áp lực cho những con người sinh ra tại đây.

Đọc E-paper

Tình trạng "ngạt thở" trên được thể hiện qua một khảo sát do báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (The South China Morning Post) đăng tải tuần trước. Theo đó, cứ 10 người Hong Kong thì có 7 người nghĩ rằng cuộc sống ở đây ngày càng tồi tệ, trong đó hơn 40% cho biết sẽ dọn đi nơi khác nếu có cơ hội. Khảo sát này do Viện Nghiên cứu và Tư vấn chính sách Civic Exchange thực hiện trên 1.500 người dân, trải dài từ tháng 9/2015 đến tháng 1/2016.

Hong Kong là nơi kinh tế phát triển và mức sống cao, nhưng song hành với nó là vô số áp lực. Dù khảo sát vừa qua cho thấy rất nhiều người đánh giá cao chất lượng y tế, nhưng 66% cảm thấy Hong Kong không phải là địa điểm tốt để trẻ em lớn lên, trong khi 61% đánh giá nơi này không thích hợp cho người già về hưu.

Tính trung bình, số lượng người được khảo sát tự đánh giá chất lượng cuộc sống của họ chỉ khoảng 5,8/10. Tệ hơn, đa phần không mấy hy vọng gì cho năm năm tiếp theo, với đánh giá chất lượng sống cho thời gian này còn thấp hơn (5,7/10).

Hong Kong là mảnh đất hiện đại, nhiều cơ hội giao thương, nhưng chính điều này đã tạo áp lực rất lớn lên nhà đất, bởi diện tích khoảng 88,3km2 này phải chứa khoảng 7,2 triệu dân. Rất nhiều bài viết về khu ổ chuột nổi tiếng tại Hong Kong, nơi những hộ gia đình sống chung nhiều thế hệ phải "nhồi nhét" trong các chung cư chật chội. Trong nhiều năm qua, báo chí quốc tế cũng phản ánh tình trạng người Trung Quốc đại lục tràn sang Hong Kong, gây áp lực về nhiều mặt.

Hôm 1/11, The South China Morning Post đăng tải một khảo sát khác của dự án chăm sóc cộng đồng thuộc Jockey Club cho thấy, hơn 72% trong số 1.600 người ở độ tuổi trên 18 mong muốn được hưởng các dịch vụ cuối đời bên ngoài, thay vì trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện.

Hơn 60% người được hỏi nói rằng họ chấp nhận sự "náo nhiệt", không thấy vấn đề khi hàng xóm đi qua đi lại trước nhà, nhưng khi về già và chờ chết, bệnh viện trở thành địa điểm quá đông đúc dẫn tới điều kiện chăm sóc tệ hại.

Tuy nhiên, cái khó cho kế hoạch cuối đời của người Hong Kong là họ cũng không muốn... chết ở nhà, vì lo sợ ảnh hưởng tới giá bất động sản. Đa phần số người không muốn dành đoạn cuối cuộc đời trong bệnh viện nói rằng họ chọn một đoạn kết đâu đó ở gần nhà mình, có thể là các dịch vụ an sinh xã hội công cộng, chứ không chết ở nhà. Dẫu sao đi nữa, đất Hong Kong cũng không có nhiều cho các dịch vụ dưỡng lão như thế. Áp lực của chính quyền Hong Kong vì thế càng lớn hơn...

>Trung Quốc: Bắc Kinh báo động đỏ về ô nhiễm môi trường

>Tháo chạy khỏi Trung Quốc vì ô nhiễm, chính sách

>Trung Quốc - "Nhà dưỡng lão" mới?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hong Kong - "thiên đường" ngạt thở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO