Hồ sơ Panama: Truy đuổi "thiên đường thuế”

LAM HỒNG| 15/04/2016 05:34

Địa chấn "Panama Papers" lan rộng và cho thấy những nỗ lực tấn công các "thiên đường thuế” trên quy mô toàn cầu là chưa đủ.

Hồ sơ Panama: Truy đuổi

Địa chấn "Panama Papers" lan rộng và cho thấy những nỗ lực tấn công các "thiên đường thuế” trên quy mô toàn cầu là chưa đủ.

Đọc E-paper

Theo AFP, việc phân tích hàng triệu tài liệu bị tiết lộ từ tổ hợp luật sư Mossack Fonseca trong suốt 40 năm, từ cuộc điều tra rộng lớn của 107 hãng tin và cơ quan truyền thông thế giới, đã cho phép phá tan "thiên đường trốn thuế” của giới nhà giàu và quyền lực trên thế giới gồm 140 chính trị gia với 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy...

Theo đó, cơn địa chấn tai tiếng tẩu tán tài sản và rửa tiền "Panama Papers" lan rộng từ Trung Quốc, Nga, Anh, Ukraine, Tây Ban Nha, Congo... vạch trần hàng ngàn cá nhân và doanh nghiệp trên toàn thế giới thành lập các công ty bình phong và tài khoản ở nước ngoài ở những nước có thuế thấp. Đặc biệt, bê bối này đang làm vấy bẩn tên tuổi hàng loạt nhà lãnh đạo cao cấp trên toàn cầu: Tổng thống Argentina Macri có nguy cơ bị điều tra vì trốn thuế.

Chính phủ Iceland thông báo bầu cử trước kỳ hạn vì thủ tướng bị tai tiếng "trốn thuế” phải từ chức. Con trai tổng thống Congo bị tố ăn tiền bẩn từ thu nhập dầu khí của quốc gia này. Bạn thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin bị tố đã chuyển hơn 2 tỷ USD thông qua một mạng lưới các ngân hàng và các công ty nước ngoài. Anh rể của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, con Thủ tướng Pakistan, anh em họ của nhà độc tài Syria cũng bị cáo buộc có quan hệ mờ ám với văn phòng Mossack Fonseca...

Tham nhũng làm cho thế giới nghèo và kém bình đẳng. Khi các chính trị gia ăn cắp cũng đồng nghĩa là bòn rút các khoản đầu tư cho đường giao thông, y tế hoặc trường học. Họ lừa gạt người nộp thuế cũng là ngăn chặn các công ty trung thực từ việc đầu tư để phát triển đất nước của họ. Những tài khoản bí mật cũng có thể là nơi trú ẩn cho những hoạt động tài trợ cho tội phạm, khủng bố hay mua bán vũ khí cho những chế độ bị thế giới cô lập...

Phó giáo sư kinh tế tại Đại học California, Berkeley, Mỹ đã ước tính rằng 8% trong tổng số tài sản tài chính toàn cầu, tương đương khoảng 7,6 ngàn tỷ USD đang được che giấu tại các thiên đường thuế như Thụy Sĩ, Bermuda (Mỹ), quần đảo Cayman (thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh - Bắc Ireland), Singapore và Luxembourg. Số tài sản đó còn nhiều hơn cả tổng tài sản được sở hữu bởi những người nghèo đang chiếm một nửa dân số thế giới.

Vì vậy, cuộc chiến để phá tan những nơi trú ẩn trốn thuế và rửa tiền sẽ không kết thúc và đòi hỏi nỗ lực toàn cầu mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, một lý do giải thích cho việc có rất ít công dân Mỹ dính líu đến vụ "Panama Papers" vì từ lâu Chính phủ Mỹ đã ngăn chặn mạnh tay và hữu hiệu các hoạt động rửa tiền cũng như trốn thuế.

Sau các vụ tai tiếng liên quan đến các ngân hàng Thụy Sỹ, Mỹ đã gia tăng đáng kể các biện pháp trừng phạt nặng trong những năm gần đây để chống lại nạn gian lận và trốn thuế. Nhiều thiên đường thuế vì thế đã né tránh các "khách hàng" Mỹ vì lo ngại bị trừng phạt. Điển hình là trong vụ tai tiếng giúp các khách hàng Mỹ trốn thuế, hai ngân hàng UBS và Credit Suisse mỗi bên lần lượt bị phạt 780 triệu USD  và 2,6 tỷ USD.

"Panama Papers" đang buộc một loạt quốc gia tuyên bố sẽ tiến hành điều tra. Trong nỗ lực nhằm chặn việc che giấu tiền khỏi mắt các cơ quan thuế, Liên hiệp Châu Âu (EU) đã ra quy chế về gửi tiền tiết kiệm (ESD). Theo đó, các ngân hàng tại EU phải thu thuế trên các tài khoản ngân hàng của các công dân EU, khiến cho việc che giấu tiền ở châu Âu trở nên khó khăn hơn. Năm ngoái, EU đã công bố danh sách tổng hợp 30 "thiên đường" không hợp tác trong vấn đề liên quan đến thuế từ "danh sách đen" của ít nhất là 10 nước thành viên.

Nhiều quốc gia tại châu Á cũng đã cam kết đến năm 2018 sẽ trao đổi thêm các thông tin về thuế, như một phần trong sáng kiến Tự động Trao đổi Thông tin do OECD đưa ra. Singapre, Nhật Bản, Hồng Kông và Úc đều đã ký kết tham gia sáng kiến này. 

"Thế giới đầy rẫy những quốc gia và vùng lãnh thổ cung cấp các dịch vụ đặc biệt nhằm hỗ trợ che giấu tài sản", nhóm chuyên hoạt động chống tham nhũng Transparency International nói. Những nhà hoạt động nói nay đã đến lúc các quốc gia này cần cải tổ thế giới tài chính ngầm và cần trở nên minh bạch hơn.

Thế nhưng việc cải tổ các trung tâm ngân hàng trên toàn cầu không phải là điều dễ dàng. Các thiên đường thuế vẫn thu hút hàng tỷ USD mỗi năm và khoản lợi nhuận khồng lồ này sẽ làm lu mờ tất cả các rào cản luật pháp. Và một khi vẫn còn có cầu thì sẽ luôn có nguồn cung. Tiếp sau Panama sẽ là "thiên đường trốn thuế” nào bị lộ?

>50 tập đoàn hàng đầu Mỹ cất giữ 1.400 tỷ USD ở nước ngoài để trốn thuế

>Tổng thống Barack Obama: Trốn thuế là vấn đề lớn của toàn cầu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồ sơ Panama: Truy đuổi "thiên đường thuế”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO