Hiệu ứng Thổ Nhĩ Kỳ: Không chỉ là tỷ giá

KHẢ HÂN| 27/08/2018 06:00

Sau ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ đang trực tiếp gây áp lực lên các nền kinh tế khác. Đặc biệt không chỉ là ảnh hưởng do tỷ giá mà phía sau còn tiềm ẩn những rủi ro khác.

Hiệu ứng Thổ Nhĩ Kỳ: Không chỉ là tỷ giá

Hàng loạt đồng tiền rớt giá

Đồng rand của Nam Phi (ZAR) chỉ trong ngày 13/8 đã có lúc giảm đến 9,6% so với USD, khiến cặp tỷ giá USD/ZAR biến động mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đồng rand hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016 và đã giảm gần 30% so với tháng 2 vừa qua.

Đồng peso của Argentina chỉ trong vòng 7 ngày, từ 7/8 đến 15/8 mất giá 13,3% so với USD, đẩy tốc độ mất giá kể từ tháng 5 đến nay lên gần 50%. Ngân hàng Trung ương Argentina thời gian qua liên tiếp tăng lãi suất hàng chục phần trăm nhưng dường như không ngăn chặn được đà lao dốc của đồng peso.

Ở châu Á, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ hay Indonesia đều chịu chung số phận. Đồng rupee của Ấn Độ giảm 1% so với USD chỉ trong ngày 13/8. Đến 16/8, đồng tiền này tiếp tục rớt xuống mức 1 USD ăn 70,4 rupee và hiện đã mất giá 10% so với đầu năm. Đồng rupiah của Indonesia cũng giảm 1% trong ngày 13/8. Và so với mức cao nhất đạt được trong tháng 1, đồng rupiah tính đến nay đã giảm đến 10,6%, mức thấp nhất từ tháng 10/2015. Hiện 1 USD đổi được gần 14,6 rupiah.

Những diễn biến trên xảy ra tại các quốc gia dường như không liên hệ gì với nhau, nhưng thực tế đều bắt nguồn từ một nguyên nhân là khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, chỉ trong ngày 10/8, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã rớt 13% so với USD, đánh dấu mức giảm 20% trong tuần đó và giảm hơn 40% kể từ đầu năm.

Vào thứ hai ngày 13/8, hàng loạt đồng nội tệ của các nền kinh tế khác lao dốc theo hiệu ứng Thổ Nhĩ Kỳ, mà 4 đồng tiền kể trên là những trường hợp điển hình. Đồng lira rớt giá mạnh đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo các đồng tiền khác vì lo ngại hậu quả tương tự, đồng thời tìm đến trú ẩn nơi các đồng tiền an toàn như đô la Mỹ, yên Nhật hay franc Thụy Sĩ.

Không loại trừ khả năng có thêm các nước khác sẽ rơi vào tình huống tương tự Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là tại các nền kinh tế cận biên và mới nổi, do đó càng kích thích nhà đầu tư nước ngoài rút vốn đầu tư.

Cụ thể như đồng tiền phổ biến thứ hai thế giới là euro gần đây đã chạm đáy so với đồng franc Thụy Sĩ, trong khi so với yên Nhật lại xuống thấp nhất 10 tuần và so với đồng USD cũng rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017.  Được biết các ngân hàng Tây Ban Nha, Italy và Pháp - những quốc gia thuộc khu vực sử dụng đồng euro, hiện đang nắm giữ khối nợ ngoại tệ khổng lồ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiệu ứng domino

Không loại trừ khả năng có thêm các nước khác sẽ rơi vào tình huống tương tự Thổ Nhĩ kỳ, đặc biệt là tại các nền kinh tế cận biên và mới nổi, do đó càng kích thích nhà đầu tư nước ngoài rút vốn đầu tư. Đặc biệt những quốc gia có nền kinh tế đang trục trặc, đồng nội tệ chịu áp lực mất giá liên tục suốt từ đầu năm đến nay như Argentina, Indonesia, Ấn Độ sẽ tiếp tục chịu áp lực nhiều nhất.

Đáng lưu ý là ngay cả Việt Nam cũng khó có thể là trường hơp ngoại lệ. Một báo cáo phát hành ngày 17/8 của tổ chức IHS Markit cho biết, 6 quốc gia châu Á nằm trong top 20 có nguồn hàng xuất khẩu sang  Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó đứng đầu là Trung Quốc, năm quốc gia còn lại là Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam. Theo đó, cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ gây ra hiệu ứng rớt giá đồng nội tệ tại các nền kinh tương tự, mà còn tác động tới thương mại song phương giữa các nước này với các đối tác khác.

Ngoài vấn đề tỷ giá và thương mại, cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có những tác động nhất định đến chính sách tiền tệ của các nước đang chịu ảnh hưởng. Đơn cử như Indonesia, để chống lại sự giảm giá mạnh của đồng rupiah, ngày 15/8, ngân hàng tung ương nước này buộc phải tăng lãi suất thêm 0,25%, lên 5,5%.

Có thể thấy sau cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác gần đây, đặc biệt là với Trung Quốc, đã đẩy các nền kinh tế mới nổi và cận biên khác phải chịu nhiều thách thức, đồng tiền mất giá, thương mại và chính sách tiền tệ chịu nhiều tác động, thì cuộc khủng hoảng tiền tệ mới nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ càng khiến kinh tế khó khăn chồng chất khó khăn.

Để chống lại sự lao dốc của đồng lira, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn, và kêu gọi tinh thần dân tộc, yêu cầu người dân bán USD để hỗ trợ lira. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dường như chỉ mới bắt đầu, các nền kinh tế đang đối mặt với vấn đề nợ  nước ngoài, kinh tế vĩ mô yếu kém và dự trữ ngoại hối thấp có thể là nạn nhân gánh lấy thiệt hại nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệu ứng Thổ Nhĩ Kỳ: Không chỉ là tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO