Hiệp định thương mại Nhật-EU: Nỗi đau đầu mới của Trump?

10/07/2017 06:22

Ngay cả khi Mỹ xa lánh các hiệp định thương mại đa phương, thì những nước khác vẫn sẵn sàng theo đuổi các hiệp định này.

Hiệp định thương mại Nhật-EU: Nỗi đau đầu mới của Trump?

Ngay cả khi Mỹ xa lánh các hiệp định thương mại đa phương, thì những nước khác vẫn sẵn sàng theo đuổi các hiệp định này. 

Vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo của châu Âu và Nhật Bản đã ký một hiệp định tự do thương mại giữa 2 nền kinh tế với hơn 600 triệu dân, 30% GDP toàn cầu và 40% tổng kim ngạch thương mại thế giới.

Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng ngay cả khi nước Mỹ xa lánh các hiệp định thương mại đa phương, thì những nước khác vẫn sẽ sẵn sàng theo đuổi các hiệp định này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với các phóng viên: "Chúng tôi đã thể hiện được một ý chí chính trị mạnh mẽ, với thông điệp rằng Nhật Bản và EU sẽ giương cao lá cờ tự do thương mại bất chấp các xu hướng bảo hộ.”

Dưới đây là 3 lý do tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ghét thỏa thuận mới này:

1. Hiệp định này có thể ảnh hưởng tới các công ty Mỹ

Thỏa thuận mới sẽ loại bỏ các rào cản đối với thương mại giữa EU và Nhật, nhưng đẩy một số công ty Mỹ vào thế bất lợi.

Đối với xe ô tô, châu Âu sẽ dần dần loại bỏ thuế nhập khẩu đánh vào ô tô Nhật Bản. Đổi lại, Tokyo đã đồng ý áp dụng các tiêu chuẩn mà EU đang thực hiện, giúp các nhà sản xuất ô tô Châu Âu dễ dàng thâm nhập thị trường Nhật Bản.

Điều đó có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô của Mỹ, vốn vẫn phải đối mặt với thuế suất 10% khi xuất khẩu sang EU. Họ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường Nhật Bản. Sau một thỏa thuận tương tự với Seoul vào năm 2011, xuất khẩu ô tô của Châu Âu sang Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần trong vòng 4 năm.

Trong khi đó, Hiệp định Hợp tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU và Hoa Kỳ đã bị đình trệ. Hiệp định này dự kiến sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô  tô Mỹ vào châu Âu.

Nhưng có ít triển vọng rằng những cuộc đàm phán TTIP sẽ được nối lại trong không khí căng thẳng hiện nay.

2. Thỏa thuận này đặt hiệp định khí hậu Paris vào vị trí trung tâm

Hiệp định EU-Nhật là hiệp định thương mại đầu tiên bao gồm cam kết cụ thể để thực hiện Hiệp định khí hậu Paris, vốn được ký kết vào năm 2016 với mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.

Vừa qua, Trump đã tuyên bố rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận Paris. Trên thế giới hiện nay chỉ có Nicaragua và Syria là chưa tham gia thỏa thuận này.

Điều này có thể gây khó khăn hơn cho Mỹ khi thực hiện đàm phán các hiệp định thương mại, bởi tiền lệ mà Châu Âu và Nhật Bản đã tạo ra.

Celine Bak, chuyên gia chính sách về khí hậu và là thành viên cao cấp tại Trung tâm Quản lý Quản trị Quốc tế (CIGI), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Canada, nói: "Đây là tín hiệu rằng các hiệp định thương mại trong tương lai sẽ coi hiệp định Paris như thành phần không thể hiếu.”

Nếu Mỹ không thể cam kết theo đuổi hiệp định Paris, các đối tác thương mại tiềm năng có thể tìm nơi khác, bà Bak nói.

3. Hiệp định này bao gồm nhiều nước

Trump không thích các hiệp định thương mại đa phương. Ông đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và 11 quốc gia khác xung quanh Vành đai Thái Bình Dương, ngay sau khi đảm nhiệm vị trí tổng thống Mỹ. Ông cũng thề sẽ đàm phán lại NAFTA và đe dọa hiệp định TTIP.

Thay vào đó, ông lại ưu tiên các hiệp định thương mại song phương.

Geoffrey Gertz, một thành viên của Viện Brookings, đã viết trong một bài báo: "Trump ưu tiên các hiệp định song phương do ông nghĩ rằng kinh tế toàn cầu là một cuộc chơi có tổng bằng 0 (người này lợi thì người khác thiệt)”.

Mỗi khi EU đàm phán thương mại, tổ chức này đại diện cho các lợi ích có thể đối nghịch nhau của 28 quốc gia thành viên (hiện giờ là 27 sau Brexit). Việc EU đàm phán thành công với Nhật Bản chỉ vài tháng sau khi ký thỏa thuận tương tự với Canada cho thấy loại hình hợp tác đa quốc gia vẫn có một tương lai sáng sủa.

Nate Olson, một chuyên gia về thương mại tại trung tâm nghiên cứu Stimson Center ở Washington, D.C., cho biết: "Thỏa thuận EU-Nhật Bản ngay trước thềm hội nghị G20 là một thách thức nghiêm trọng và nghiêm trọng đối với vai trò địa chính trị của Mỹ”.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết thỏa thuận có thể là nguồn cảm hứng cho các hiệp định thương mại đa phương trong tương lai.

Ông Abe nói: "Tôi đã liên tục cố gắng giải thích ý nghĩa của TPP đối với Tổng thống Trump, rằng TPP không phải là thắng hay thua, và nó mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Thật không may, tại thời điểm này, Mỹ đã rút lui".

>>Donald Trump và "cuộc chiến" với Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệp định thương mại Nhật-EU: Nỗi đau đầu mới của Trump?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO