Hai kịch bản Covid-19 trong tương lai của Tổ chức Y tế thế giới

PV| 27/08/2021 06:17

TS. Takeshi Kasai - Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã đưa ra 2 kịch bản Covid-19 trong tương lai: sống chung với virus hoặc nỗ lực hạn chế virus lây truyền.

Hai kịch bản Covid-19 trong tương lai của Tổ chức Y tế thế giới

Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương. Ảnh: WHO

TS.Takeshi Kasai cho biết số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại châu Á - Thái Bình Dương "đang tăng mạnh", chủ yếu do biến thể Delta nguy hiểm. Trang South China Morning Post dẫn lời ông Kasai cho biết, trong 3 tuần đầu tiên của tháng 8, khu vực này chiếm 10% số ca nhiễm Covid-19 và hơn 8% số ca tử vong trên toàn cầu.

“Ở giai đoạn quan trọng này, chúng ta cần đi đúng hướng. Cùng hợp tác với nhau, chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh. Cần giảm thiểu mối đe dọa từ virus bằng cách tận dụng tối đa mọi nguồn lực mà chúng ta có”, TS.Kasai phát biểu.

Ông nhận định virus sẽ không biến mất trong tương lai gần, dù các nước áp dụng biện pháp mạnh mẽ nhất, vì thế WHO đưa ra 2 kịch bản Covid-19 trong tương lai.

Kịch bản thứ nhất: sống chung với virus, nếu bối cảnh cho phép.

Ông Kasai nói: Chúng ta giảm thiểu rủi ro bằng cách triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng và những cách phòng ngừa khác, đồng thời ứng phó với các đợt bùng phát bằng biện pháp ngắn hạn, có mục tiêu, điều này không đồng nghĩa với từ bỏ chống dịch. 

Thay vào đó, các nước đối phó với Covid-19 như cúm mùa và những mầm bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác. Các chính phủ cần có giải pháp hạn chế lây lan, bảo vệ những người dễ tổn thương, giảm thiểu tác động về sức khỏe và xã hội của các đợt bùng phát.

Singapore mới đây đã kiểm soát được Covid-19 bằng truy vết, xét nghiệm, kết hợp tiêm chủng nhanh chóng để đạt miễn dịch cộng đồng. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất khu vực. Đến nay, 74% dân số, tương đương hơn 4,3 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19. Chính phủ Singapore nhận định khi đủ lượng người tiêm chủng vaccine, Covid-19 sẽ được kiểm soát giống các bệnh tái phát thông thường như cúm mùa hay tay, chân, miệng.

tiem-phong-8180-1629974344.jpg

Singapore đặt mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số vào đầu tháng 9 tới. Ảnh: TODAY/CNA

Kịch bản thứ hai là nỗ lực hạn chế virus lây truyền, trong hoàn cảnh không ai mong muốn là có nhiều biến thể nguy hiểm hơn phát triển và lây lan nhanh hoặc gây triệu chứng nặng, làm giảm hiệu quả vaccine. Cách đối phó hiệu quả nhất là nỗ lực hạn chế virus lây truyền, bởi càng nhiều ca nhiễm, virus càng phát triển mạnh.

Tiến sĩ Kasai cho rằng "diễn biến dịch bệnh trong tương lai phụ thuộc vào hành động của mỗi cá nhân, tập thể trong những tuần và tháng tới".

Theo WHO, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh mẽ, phát hiện sớm các ca nhiễm cộng đồng, thực hiện biện pháp y tế công cộng là chìa khóa để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của đại dịch. WHO chỉ rõ tầm quan trọng của chương trình tiêm chủng, đặc biệt là với nhóm dân số nguy cơ cao nhiễm nCoV.

Mỗi cá nhân nên tiếp tục đeo khẩu trang, tránh không gian kín, nơi đông người và tiếp xúc gần, đồng thời cần tiêm phòng ngay khi đến lượt. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần nghiêm túc quản lý và giảm thiểu rủi ro phát sinh cụm dịch tại nơi làm việc. Hệ thống y tế nên chuẩn bị tinh thần cho những đợt bùng phát đột biến, duy trì dịch vụ cứu sinh thiết yếu.

Indonesisa-00-9015-1629974344.jpg

Những nhân viên trong bộ đồ bảo hộ đang chôn cất những nạn nhân của Covid-19 ở Indonesia - Ảnh: Reuters

Theo bà Tamano Matsui - Giám đốc về thông tin khẩn cấp và đánh giá rủi ro tại văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WHO:  Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Việt Nam là 4 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trong 24 giờ qua. Trong khi đó, các nước Trung Quốc, Singapore và Mông Cổ có số ca nhiễm thấp hơn, bằng cách siết chặt giãn cách xã hội và đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao.

Bà Matsui cũng cho rằng, các yếu tố dẫn đến việc gia tăng số ca nhiễm trong khu vực là sự lây lan của biến thể Delta, thiếu tuân thủ biện pháp xã hội và y tế công cộng không kịp thời phát hiện các ca bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng.

Hai viên chức của WHO kêu gọi các nước cần làm hết sức để ngăn chặn lây nhiễm vì càng nhiều người bệnh thì virus gây bệnh Covid-19 càng tiến hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai kịch bản Covid-19 trong tương lai của Tổ chức Y tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO