Giới đầu tư Mỹ lo ngại về hiệu quả gói kích cầu mới

26/09/2012 04:38

Trước nhận định không mấy lạc quan của một quan chức cấp cao thuộc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về hiệu quả của gói cứu trợ thứ ba (QE3), ngày 25/9, hàng loạt các nhà đầu tư chứng khoán đã đồng loạt bán tháo tài sản, khiến cho các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ mất giá khá mạnh.

Giới đầu tư Mỹ lo ngại về hiệu quả gói kích cầu mới

Trước nhận định không mấy lạc quan của một quan chức cấp cao thuộc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về hiệu quả của gói cứu trợ thứ ba (QE3), ngày 25/9, hàng loạt các nhà đầu tư chứng khoán đã đồng loạt bán tháo tài sản, khiến cho các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ mất giá khá mạnh.

Dẫn số liệu từ sàn giao dịch New York, chốt phiên giao dịch ngày 25/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 101,37 điểm, xuống còn 13.457,55 điểm. Đây là ngày giao dịch tệ hại nhất của loại cổ phiếu danh giá nhất này kể từ đầu tháng Chín.

Chỉ số Standard & Poor 500 bị mất 15,3 điểm, tương đương 1,05%, và chốt phiên ở mức 1.441,59 điểm. Đây cũng là ngày giao dịch thảm hại nhất của Standard & Poor 500 trong hơn 3 tháng qua.

Chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng giảm 43,05 điểm, và đóng cửa phiên giao dịch ở mức 3.117,73 điểm. Trong khi đó, cổ phiếu CAT của tập đoàn xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới - thành viên trong nhóm cổ phiếu Dow Jones và cổ phiếu AAPL của hãng Apple - thành viên trong nhóm cổ phiếu Nasdaq - cũng trượt giá mạnh lần lượt là 4,0% và 2,5%.

Theo nhận định của chuyên gia tư vấn đầu tư Jack Ablin thuộc ngân hàng Harris Private Bank, có nhiều lý do khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản trong ngày 25/9, trong đó có phát biểu của ông Charles Plosser - Chủ tịch chi nhánh của FED tại Philadelphia.

Ông Plosser đã bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của gói cứu trợ thứ ba (QE3) mà FED vừa công bố, theo đó mỗi tháng tung vào thị trường 40 tỷ USD để mua lại các trái phiếu dài hạn có liên quan tới thế chấp. Trong khi đó, Chủ tịch FED tại thành phố San Francisco, ông John William, cũng bày tỏ hy vọng FED sẽ có những hành động quyết liệt hơn, trong đó có việc duy trì gói cứu trợ mới cho tới cuối năm 2014.

Các nhận định không mấy lạc quan này của các quan chức cấp cao FED đã ngay lập tức lấn át tâm lý hưng phấn của giới đầu tư trước thông báo nói rằng chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ, yếu tố đóng góp tới hơn hai phần ba vào các hoạt động của nền kinh tế Mỹ, trong tháng Chín tăng mạnh nhất trong vòng 7 tháng qua, đạt 70,3 điểm so với 61,3 điểm trong tháng Tám.

Trước đó, ngày 13/9 vừa qua, FED đã quyết định áp dụng những biện pháp mới nhằm tìm cách kích thích nền kinh tế đang trì trệ của Mỹ, theo đó mỗi tháng sẽ mua 40 tỷ USD chứng khoán. Không đặt ra thời hạn chót cho các giao dịch mới này, FED cũng nói rằng nếu thị trường lao động trong nước “không cải thiện đáng kể,” thì ngân hàng sẽ mua thêm chứng khoán thế chấp mua nhà và các tài sản khác, đồng thời “sử dụng các công cụ chính sách khác” để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Thêm vào đó, FED còn cho hay sẽ gia hạn thời biểu để duy trì lãi suất chính ở mức gần 0% từ cuối năm 2014 tới ít nhất là giữa năm 2015.

FED cũng cho biết ít nhất là đến cuối năm nay, ngân hàng dự định sẽ tiếp tục tái đầu tư những khoản chi đối với những tài sản khác. Tất cả những quyết định này sẽ tăng trị giá tài sản dài hạn của FED vào khoảng 85 tỷ USD mỗi tháng cho tới hết năm 2012.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã mua hơn 2.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và các khoản cho vay thế chấp mua nhà kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, nhưng đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn không thoát cảnh trì trệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giới đầu tư Mỹ lo ngại về hiệu quả gói kích cầu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO