Giá dầu mỏ lại tăng

KHẢ HÂN| 28/03/2019 03:54

Thị trường dầu mỏ đang phục hồi sau đợt giảm giá khá mạnh vào những tháng cuối năm 2018. Đâu là động lực kéo giá dầu mỏ tăng trở lại?

Giá dầu mỏ lại tăng

Nguồn cung thắt chặt
Sau khi giảm 25% trong năm 2018, chủ yếu do ảnh hưởng bởi mức giảm mạnh hơn 40% chỉ riêng quý IV, thì giá dầu WTI chuẩn của Mỹ đã phục hồi được 33% kể từ đầu năm đến nay. Trong tuần vừa qua, giá vàng đen này có lúc leo lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng qua, ở 60,4USD/thùng,
Trong khi đó, giá đầu Brent chuẩn quốc tế cũng tăng gần 28% trong gần 3 tháng đầu năm nay, sau khi đã rớt giá hơn 14% trong năm 2018, riêng quý IV lao dốc hơn 35%. Giá dầu Brent trong tuần qua cũng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2018 đến nay tại mốc 68,7USD/thùng.
Trong bối cảnh chứng khoán gặp không ít áp lực điều chỉnh trong thời gian qua thì sự tăng giá trong quý I đã giúp thị trường dầu mỏ trở thành một trong những tài sản có suất sinh lời tốt nhất đối với giới đầu tư tài chính, bất chấp những cảnh báo, đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc “đừng nên để giá dầu cao”.
Yếu tố hỗ trợ quan trọng nhất giúp thị trường dầu mỏ leo dốc thời gian qua là thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khấu dầu mỏ (OPEC) và những đồng minh quan trọng như Nga. Cụ thể, theo thỏa thuận có hiệu lực từ đầu năm 2019, các thành viên OPEC đã đồng ý giảm khai thác 800.000 thùng mỗi ngày từ mức sản xuất tháng 10/2018, trong khi Nga và các nhà sản xuất đồng minh khác giảm 400.000 thùng mỗi ngày.
Điều này đồng nghĩa với việc đã có 1,2 triệu thùng dầu bị rút ra khỏi thị trường mỗi ngày. Điểm đáng lưu ý là một báo cáo hồi đầu tuần trước của Ủy ban Giám sát liên hợp OPEC (JMMC)  cho biết mức độ tuân thủ chung đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã tăng từ 83% trong tháng 1 lên 90% trong tháng 2 vừa qua.
Được biết thỏa thuận này sẽ kéo dài trong vòng 6 tháng và dự kiến kết thúc vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, khả năng tiếp tục gia hạn sản lượng cho đến hết năm vẫn còn để ngỏ, theo đó nhóm OPEC và các đồng minh có thể đánh giá lại nhu cầu của thị trường trong cuộc họp vào tháng 4 để có cơ sở quyết định cho một cuộc họp khác sẽ diễn ra trong hai ngày 25, 26/6 tại thủ đô Viên (Áo).
Nguồn cung không chỉ bị ảnh hưởng từ cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC mà còn bị thắt chặt hơn trước việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran từ đầu tháng 11/2018, và mới đây là cấm vận Vene-zuela xuất khẩu dầu để gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Maduro. Trong khi đó tại Mỹ, dự trữ nguồn cung dầu thô của nước này đã bất ngờ giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/3, trái với dự báo tăng 1 triệu thùng của các nhà kinh tế. Nguyên nhân được đưa ra là do sản lượng xuất khấu của Mỹ đã tăng mạnh, cùng với việc các nhà máy lọc dầu đang trong giai đoạn bảo trì định kỳ.

Trong bối cảnh chứng khoán gặp không ít áp lực điều chỉnh trong thời gian qua thì sự tăng giá trong quý I đã giúp thị trường dầu mỏ trở thành một trong những tài sản có suất sinh lời tốt nhất đối với giới đầu tư tài chính. 

Ảnh hưởng từ chính sách

Ở chiều ngược lại, yếu tố gây áp lực lên giá dầu trong thời gian qua là nỗi lo ngại kinh tế thế giới tăng chậm lại có thể làm suy yếu nhu cầu sử dụng dầu. Rõ ràng khi sản xuất không còn được duy trì như giai đoạn đỉnh cao, nhu cầu nhiên liệu như dầu tất yếu giảm. Đây cũng chính là một trong những yếu tố kéo giá dầu giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2018.
Tuy nhiên, với việc Chính phủ Trung Quốc gần đây công bố một loạt chương trình nhằm ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thì nhà đầu tư đã được hỗ trợ tâm lý phần nào. Cần biết rằng Trung Quốc vốn là một trong những quốc gia có nhu cầu rất lớn đối với loại năng lượng này, do đó bất kỳ sự biến động nào cũng có những tác động đáng kể lên giá dầu.
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp kết thúc hôm 21/3, và bất ngờ tỏ dấu hiệu sẽ không có thêm lần tăng lãi suất nào trong năm nay, dù trước đó cơ quan này dự báo sẽ có hai lần tăng lãi suất. FED cũng dự kiến sẽ kết thúc lộ trình thắt chặt định lượng vào tháng 9 tới, như là một biện pháp giảm mức độ thắt chặt tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và các thị trường.
Rõ ràng các nước lớn đều đang tìm cách thực thi những giải pháp để ngăn chặn sự trì trệ có thể quay lại trong nền kinh tế. Theo đó, các nhà đầu tư có quyền hy vọng tăng trưởng kinh tế sẽ được giữ ổn định và do đó nhu cầu về dầu không quá giảm.
Việc FED tạm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ đã đẩy giá trị đồng USD đi xuống, giúp giá dầu niêm yết theo đồng USD cũng đi lên tương ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá dầu mỏ lại tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO